.

Hồi sinh làng nghề La Hà

Thứ Hai, 06/01/2014, 10:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Từng trải qua nhiều biến cố, có lúc gần như bị xoá sổ trong danh mục các làng nghề ở tỉnh ta, làng nghề mây đan La Hà (Quảng Văn, Quảng Trạch) đã vượt qua biết bao thăng trầm để khẳng định sức sống bền vững cho đến ngày hôm nay. Có dịp đến làng nghề những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh những người thợ đủ mọi lứa tuổi đang say sưa tỉ mẩn với công việc đan lát. Dù nghề đan sản phẩm mây mặt cáo truyền thống giờ đây không còn "vang bóng" như những ngày cực thịnh xưa kia nhưng sức sống bền bỉ của làng nghề vẫn đang thực sự hiện hữu...           

Một ngày cuối năm, trong cái lạnh se sắt, chúng tôi tìm đến làng nghề La Hà để được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, nhộn nhịp nơi đây. Từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh các ông, các bà, các mẹ, các chị quây quần trước hiên nhà đan lát. Họ đang tất bật hoàn thành các sản phẩm để chuẩn bị giao hàng Tết. "Có lẽ khi chứng kiến cảnh này sẽ không nhiều người nghĩ rằng làng nghề La Hà trước đây từng có lúc đi vào "ngõ cụt" vì "bí lối".

Đã có thời, vì thu nhập thấp, không tìm được đầu ra, người dân nơi đây bỏ đan lát để chuyển sang làm nghề khác mưu sinh", ông Trần Văn Hiếu, Chủ nhiệm HTX mây đan La Hà cho biết. Ông kể, người có công đưa nghề mây đan về với La Hà là ông Trần Mại, một người con của làng. Những năm 1960, ông Mại làm trạm trưởng trạm Bắc Quảng Bình thuộc Công ty Ngoại thương Quảng Bình.

Thời điểm đó, ông được cử đi học nghề mây ở Hà Nam. Vốn nhanh trí lại khéo tay, cần mẫn nên ông nhanh chóng trở thành một học viên ưu tú, thành thạo nghề. Đến năm 1964, sau khi hoàn thành khoá học, ông Mại đem hết kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã học về phổ biến cho bà con địa phương. Nghề mây đan ở La Hà xuất hiện và phát triển từ đó. Lúc đầu với kỹ thuật đơn giản, sản phẩm của làng là mây lồng mốt. Sau đó, do nhu cầu nhập hàng của nước bạn, yêu cầu kỹ thuật của mặt mây xuất khẩu ngày một cao hơn, kích thước mặt mây luôn luôn thay đổi cả về chiều ngang lẫn chiều dài, mặt mây có đan xiên hai mặt.

Ảnh: Sau bao thăng trầm, biến cố, giờ đây làng nghề mây đan La Hà đã thực sự hồi sinh
Sau bao thăng trầm, biến cố, giờ đây làng nghề mây đan La Hà đã thực sự hồi sinh.

Người sáng chế bào mây đầu tiên theo chiều xiên là anh Nam, người Quảng Nam nhà ở Ba Đồn sang Quảng Văn tham gia làm mây và đã thành công chiếc bào xiên, làm tăng năng suất sản phẩm gấp nhiều lần làm bằng tay. Năm 1966, do chiến tranh ác liệt, nghề mây tạm dừng sản xuất.

Sau năm 1975 làng nghề được khôi phục với sản phẩm chủ yếu là mây mặt cáo. Thực hiện chính sách mở cửa, hàng mặt mây xuất khẩu được nhiều nước đặt mua nên nghề này càng có điều kiện phát triển thuận lợi. Mây đan trở thành "xương sống" của La Hà. Hằng năm, địa phương cho ra đời hàng vạn sản phẩm từ mây.

Tên tuổi làng nghề vang dội gần xa, khách thập phương tìm đến nườm nượp, cuộc sống người dân cũng nhờ đó mà khá lên trông thấy. Lúc đó, trong làng hầu như nhà nào cũng làm nghề này. Người già cho đến khi mắt mờ, tay yếu mới thôi chuốt mây, ngừng tay đan. Trẻ con lên năm, lên sáu đã được bố mẹ, anh chị dạy cách đan những thứ đơn giản. Cứ thế, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác cùng nhau phát triển nghề truyền thống của quê hương.

Tuy nhiên, đến khoảng những năm 1990, khi hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, làng nghề lại lâm vào cảnh "thoái trào". Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nước ngoài bị thu hẹp nghiêm trọng; số ít thị trường còn giữ quan hệ giao thương lại trở nên "khó tính", khắt khe với các sản phẩm của làng. Mây đan La Hà chới với trong việc tìm hướng đi mới để vừa giữ được chỗ đứng trên thị trường, vừa giữ chân được lao động bám trụ với nghề.

Thị hiếu người tiêu dùng thay đổi, thị trường tiêu thụ bấp bênh, nhiều người làm nghề tỏ ra chán nản khi sản phẩm làm ra "chất đống", bán chẳng ai mua, nếu mua cũng quá rẻ, không bỏ công làm. Thế là họ bỏ nghề. Mây đan La Hà trở nên đìu hiu, thưa vắng cả kẻ mua lẫn người làm nghề. Từ chỗ nhà nhà, người người đều làm đan lát thì cả làng chỉ "rớt" lại một vài người cao tuổi vẫn còn nặng lòng với nghiệp ông cha. "Thời điểm đó, con số người làm nghề đan lát của làng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Làng nghề gần như bị xoá sổ. Cứ nghĩ rồi sẽ không có cách mô để vực dậy được cả", ông Hiếu tâm sự.

Nhưng vượt qua bao thăng trầm, mây đan La Hà đã “hồi sinh” trở lại. Tháng  1-2010, với mục đích khôi phục lại hoạt động của làng nghề, HTX mây đan La Hà được thành lập, trở thành đầu mối cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho bà con. Hoạt động chính của HTX là nhập nguyên liệu giao cho bà con đan rồi thu mua sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Theo ông Hiếu, việc nhập nguyên liệu không khó, chỉ cần có vốn. Gian nan nhất vẫn là việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Để có "đất sống", làng nghề cần hướng đến một thị trường có tính ổn định, bền vững.

Thời điểm đó, những người có tâm huyết với nghề đã không quản ngại bôn ba từ Nam chí Bắc tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề. Nhờ đó, bài toán đầu ra cho sản phẩm mây mặt cáo của làng nghề đã được giải quyết. Không phải lo lắng về nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm nên người dân La Hà lại "quay đầu" và gắn bó với nghề truyền thống. Hiện tại với hơn 100 hộ và gần 220 lao động, làng nghề La Hà đang từng bước hồi sinh và trên đà phát triển.

Ở La Hà hiện nay, bên cạnh những ngôi nhà mái ngói rêu phong, không ít nhà cao tầng khang trang đã mọc lên mang lại diện mạo mới cho làng quê. Dù không thực sự tấp nập như thời "vàng son", nhưng hoạt động sản xuất của làng nghề mây tre đan La Hà đang tập trung chuyển hướng có chiều sâu với nhiều bước đột phá trong cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Các dụng cụ sản xuất như chẻ mây, bào mây, chuồn mây đã không ngừng cải tiến, rất nhiều gia đình đạt được kỹ xảo điêu luyện và có nguồn thu nhập khá cao.

Hàng năm, người dân thôn La Hà đã sản xuất hàng vạn m2 mặt mây. Nhờ đôi bàn tay khéo léo cùng sự nhạy bén, năng động, nhiều người đã xây dựng cho mình được cả cơ nghiệp vững vàng, ổn định, đầy đủ tiện nghi.

Mặc dù chỉ là nghề phụ, thu nhập không thuộc "top" cao nhưng công việc lại không bị gò bó về thời gian, ít độc hại, đặc biệt không có khái niệm "ngoài độ tuổi lao động", do đó từ người già, em nhỏ, thậm chí cả các chị con mọn, ai cũng có thể tranh thủ đan lát những lúc nông nhàn, rãnh rỗi. "Hơn 50 năm sống với nghề, tôi có thể khẳng định đây chính là nghề đã nuôi sống tôi, cũng như giúp tôi nuôi dạy các con ăn học nên người. Dù không phải là nghề chính nhưng chắc chắn một điều rằng cuộc sống người dân La Hà sẽ gặp muôn vàn khó khăn nếu làng nghề gặp bất trắc, bởi hơn một nửa các khoản chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào bàn tay chuốt giang, đan mây của người thợ.

Làng nghề giờ đây đã sống lại, người dân làng nghề cũng bớt lao đao và có thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều", cụ Trần Xiêm, một thợ lão làng của làng nghề mây đan La Hà hồ hởi chia sẻ.       

Đ.V