.

Đóng mới tàu cá: Cho những niềm hy vọng vươn khơi...

Thứ Ba, 07/01/2014, 08:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với những ngư dân quanh năm "bán mặt cho biển, bán lưng cho trời", chiếc tàu cá là một tài sản vô cùng quý giá. Đó có thể là "di sản" thừa kế từ mồ hôi nước mắt của người ông, người cha sau bao nhiêu tháng ngày lênh đênh trên biển cả. Đó cũng có thể là vốn quý của một đời ngư dân chắt chiu, cần mẫn cho từng con cá, mẻ lưới. Và quan trọng hơn, chiếc tàu cá chính là vật dụng để mưu sinh, nuôi sống từng ấy con người trong một gia đình làng biển. Đóng mới tàu cá-một quyết định sau bao quá trình đắn đo, suy nghĩ, cân nhắc của không chỉ một hay vài ngư dân, mà có khi đó là của cả một đại gia đình, một dòng họ. Bởi, một chiếc tàu mới đồng nghĩa với việc "chấp cánh" cho bao niềm hy vọng vươn xa...

Anh Phan Tiến Dũng (Thượng Đức, Đức Trạch, Bố Trạch) suốt mấy tháng ròng "ăn không ngon, ngủ không yên", lo lắng, thao thức với chiếc tàu đóng mới của mình. Chiếc tàu cũ có công suất tầm 240CV dường như không đủ cho những khát vọng vươn xa làm giàu của anh và gia đình.

Sau nhiều trăn trở, anh mạnh dạn bán chiếc tàu cũ với giá gần 600 triệu đồng, quyết tâm đóng mới tàu. Chiếc tàu mới có công suất gấp 3 lần tàu cũ với 740 CV, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Bắt đầu được đóng từ tháng 8 âm lịch, nhưng mãi đến tháng 11 âm lịch này, chiếc tàu của anh Phan Tiến Dũng mới được hạ thuỷ.

Vừa mừng, vừa lo, anh chia sẻ, lẽ ra thời điểm hạ thuỷ tàu phải sớm hơn, nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa qua, khiến tàu đang neo trên bến gặp nhiều sự cố, như: hỏng hóc, gỗ đóng tàu bị trôi... (thiệt hại gần 50 triệu đồng). Sau bão, gia đình anh được chính quyền kịp thời hỗ trợ 10 triệu đồng, góp phần nhanh chóng khắc phục thiệt hại của thiên tai.Đầu mùa trăng này, chiếc tàu mới của anh sẽ bắt đầu chặng đường làm giàu trên biển, nhưng phía sau đó vẫn còn những ngổn ngang.

Anh Dũng tâm sự, để có được số vốn đóng tàu mới, bên cạnh việc bán chiếc tàu cũ, gia đình anh phải vay mượn nhiều nơi, đặc biệt là vốn vay từ ngân hàng. Do phải mất từ 2-3 tháng đóng tàu, lại gặp thiệt hại do bão, anh cũng như nhiều ngư dân đang đóng mới tàu rất hy vọng sẽ được phía ngân hàng có những ưu đãi nhất định, như: kéo dài thời gian trả nợ, giảm bớt lãi suất...

Với công suất 740CV, trị giá hơn 2 tỷ đồng, chiếc tàu mới vừa được hạ thủy là tài sản quý giá nhất của gia đình anh Phan Tiến Dũng (Thượng Đức, Đức Trạch, Bố Trạch).
Với công suất 740CV, trị giá hơn 2 tỷ đồng, chiếc tàu mới vừa được hạ thủy là tài sản quý giá nhất của gia đình anh Phan Tiến Dũng (Thượng Đức, Đức Trạch, Bố Trạch).

Theo ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch, năm 2013, toàn xã có 31 tàu cá được đóng mới, trong đó, đã có 16 chiếc được đăng kiểm và hạ thuỷ. Công suất thấp nhất của các tàu là 300 CV, cao nhất là 814 CV. Hiện nay, Đức Trạch có 195 tàu cá công suất dưới 20 CV và 223 tàu cá công suất trên 20 CV. Một tín hiệu vui của xã biển này là càng ngày số lượng tàu công suất thấp dưới 20CV càng ít đi, người dân đang chuyên tâm vào các ngư trường lớn, xa bờ. Các tàu mới được đóng kiên cố, đầu tư lớn, trên 2 tỷ đồng với sức chứa từ 5 tấn-10 tấn cá.

Tuy nhiên, ông Trương Công Hoạt vẫn không giấu nổi những lo lắng về việc đóng mới tàu cá trong thời gian tới. Bên cạnh khó khăn "xưa cũ" là về vốn, những ngư dân nhiệt huyết của xã biển Đức Trạch gặp nhiều vất vả khi đóng tàu bởi bãi đóng tàu quy mô nhỏ.

Đường nông thôn chật chội khiến việc chuyên chở nguyên vật liệu (nhất là gỗ) vô cùng chật vật. Đó là chưa kể bãi đóng tàu gần biển, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là vào mùa mưa bão. Cái khó là nếu di chuyển bãi đóng tàu đến chỗ mới thì lại xa biển, mất nhiều công sức khi hạ thuỷ tàu. Mặt khác, do khó khăn về nguồn vốn, hầu hết các tàu đóng mới đều sử dụng máy cũ, đã qua sử dụng. Những máy này tuy vẫn bảo đảm chất lượng, nhưng về lâu về dài vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Và không thể không nói đến một thực trạng đáng quan tâm, đó là những thợ cả đóng tàu biển tài ba ở xã Đức Trạch đang ngày càng ít đi.

Ông Hoạt nhẩm tính, toàn xã chỉ còn 2-3 thợ cả là người Đức Trạch, các thợ cả còn lại chủ yếu là dân ngụ cư từ nơi khác đến. Từ bấy lâu nay, nghề đóng tàu gặp nhiều bấp bênh, chính vì vậy, không ít thợ cả tài hoa đã từ giã nghề, bươn chải với nhiều công việc khác nhau. Số lượng thợ cả gốc ngày càng ít dần đi trong nỗi tiếc nuối.

Đến tết Âm lịch này, ông Phạm Văn Tắc (Mỹ Cảnh, Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) hân hoan đón chiếc tàu mới với công suất hơn 500CV. Với 3 người con trai, nghề biển là nghề cha truyền con nối của đại gia đình ông. Quyết tâm bám biển làm giàu, bên cạnh chiếc tàu cũ công suất 250CV, ông nỗ lực đóng thêm chiếc tàu mới này nhằm nâng cao năng suất lao động, chủ động đánh bắt cá xa bờ từ 200-250 hải lý.

Chiếc tàu mới này lấy đi của ông hơn 2 tỷ đồng. Với số vốn tự có của gia đình 400 triệu đồng, ông vay mượn thêm 600 triệu đồng từ ngân hàng, hơn 1 tỷ còn lại ông chấp nhận đánh cược vay lãi ở bên ngoài. Đôi mắt xa xăm, ông không ngần ngại dốc bầu tâm sự: "Vẫn biết thế là liều, nhưng gia đình tôi quyết tâm lắm, lấy tàu cũ nuôi tàu mới, tôi giờ đang loay hoay ở bến đóng tàu đây, nhưng 3 thằng con trai đã ra khơi từ mấy ngày trước rồi". Thế mới biết, nhiệt huyết vẫn chưa bao giờ cạn trong tâm can của lão ngư già. Ông hồ hởi, chuyển sang tàu công suất lớn hơn, ông đã giục con trai đăng ký học đầy đủ các bằng lái, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, sẵn sàng cho cơ hội mới.

Ông Phạm Văn Tắc vẫn tồn tại một nỗi lo, đó là cửa lạch biển ngày càng cạn, tàu càng lớn, ra vô càng khó khăn. Bà con ngư dân rất mong muốn chính quyền quan tâm giải quyết vấn đề này, bởi về lâu về dài, cửa lạch cạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nghề biển truyền thống. Anh Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh, cho biết, trong năm nay, toàn xã có 25 tàu được đóng mới, công suất từ 33CV-600CV. Mỗi tàu đóng mới trên 90CV được UBND TP. Đồng Hới hỗ trợ 30 triệu đồng.

Theo thống kê từ Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tính đến cuối tháng 12 năm 2013, toàn tỉnh có 63 tàu cá được đóng mới. Trong đó, bên cạnh hai xã Đức Trạch và Bảo Ninh có số lượng tàu đóng mới khá lớn, một số xã có số lượng tàu đóng mới tương đối, như: Quảng Văn (7 chiếc), Quảng Phong (5 chiếc)...

Nỗi mong ngóng lớn nhất của ngư dân khi bắt tay đóng tàu mới đó chính là có được sự hỗ trợ tích cực về nguồn vốn. Ở một số địa phương, đã có sự trợ lực nhất định cho bà con ngư dân, tuy số tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng thực sự là nguồn động viên, khích lệ bà con vươn khơi bám biển làm giàu. Tuy nhiên, vẫn rất cần những động thái tích cực, hiệu quả, kịp thời hơn từ phía ngân hàng và chính quyền các cấp để mỗi con tàu hạ thủy được “nhẹ bớt” nỗi lo lãi suất.

Mai Nhân