.

Chi cục Thú y tỉnh: Quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh

Thứ Hai, 06/01/2014, 11:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày cuối năm, lực lượng thú y tỉnh lại càng bộn bề công việc, nhiệm vụ  phòng ngừa ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm càng quan trọng hơn bao giờ hết. Tại Trạm  kiểm dịch động vật (KDĐV) Bắc Quảng Bình nằm trên QL1A (đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch) sát với đèo Ngang, anh Nguyễn  Viết Cường-Trưởng trạm cho hay:  “Anh em cán bộ trạm đã phát  hiện nhiều xe ô tô vận chuyển lợn thịt bỏ trạm chạy về phía nam. Có xe phải tổ chức đuổi hơn 4 cây số, đến tận vùng Roòn mới chặn lại được và đưa xe về Trạm giải quyết. Lái xe không xuất trình được giấy tờ  KDĐV như quy định”.

Thức suốt đêm ngăn dịch

Anh Nguyễn Viết Cường cho biết thêm: “Cả mấy tháng nay chúng tôi làm việc không kể ngày đêm. Trước đó, khi nghe tin dịch LMLM đã bùng phát ở Hà Tĩnh và các huyện gần với Quảng Bình có dịch, anh em công tác ở trạm rất lo lắng. Lo để tăng thêm trách nhiệm làm tốt công tác kiểm dịch. Bằng mọi cách phải phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. Việc xử lý chỉ là thủ tục hành chính. Điều cốt lõi là phải làm sao chặn được dịch, không cho lây lan vào Quảng Bình. Trạm KDĐV Bắc Quảng Bình có 4 cán bộ. Đầu tháng 11, Trạm được tăng cường lực lượng thêm 2 người và phải chia làm hai ca trực 24/24 giờ”.

Một ngày gần cuối tháng 11, trời mưa lớn, từ chốt trực của trạm, kiểm dịch viên Nguyễn Đức Thắng phát hiện xe ô tô mang biển số 74C-02152 do Lương Tấn Hải (trú ở TP. Đông Hà-Quảng Trị) điều khiển chạy qua trạm có dấu hiệu nghi ngờ. Ngay lập tức, Trưởng trạm Cường chỉ đạo cho lực lượng đuổi theo. Mặc dù đã có yêu cầu dừng xe, nhưng lái xe vẫn cố tình chạy hơn 4 cây số mới dừng lại.

Cán bộ thú y kiểm soát việc vận chuyển lợn đi qua địa bàn
Cán bộ thú y kiểm soát việc vận chuyển lợn đi qua địa bàn.

Trên xe chở 20 lợn thịt (trọng lượng từ 45-60 kg/con). Xe ô tô được điều quay về trạm để kiểm tra. Kết quả, tài xế không xuất trình được giấy tờ KDĐV và cho biết số lợn này được mua ở xã Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh) và đưa vào thị trấn Ba Đồn (huyện Quảng Trạch) để đưa vào lò mổ. Kiểm tra trên thông tin, xã Cẩm Trung đang được thông báo có dịch LMLM nên việc kiểm tra lâm sàng càng được làm kỹ lưỡng hơn. Tuy nhiên, qua kiểm tra lâm sàng bằng mắt thường, các kiểm dịch viên cho thấy chưa phát hiện dấu hiệu bệnh nên lãnh đạo Chi cục Thú y Quảng Bình chỉ đạo lập biên bản xử phạt hành chính với các lỗi vi phạm không có KDĐV khi ra ngoại tỉnh, hành vi bỏ qua Trạm KDĐV và xử lý buộc chủ hàng đưa số lợn này trả lại nơi đã vận chuyển đi.

Anh Cường trao đổi: “Mỗi ngày chúng tôi kiểm soát hàng chục xe vào ra vận chuyển gia súc, gia cầm. Những xe cố tình bỏ trạm là anh em biết ngay. Việc này nhờ vào kinh nghiệm công tác và anh em cũng rất dễ phát hiện cái mùi “đặc thù” nếu xe ô tô chở lợn, bò... qua trạm. Có những đêm mưa gió, 2- 3 giờ sáng, anh em cũng phải đuổi theo xe bỏ trạm. Nếu để lọt thì thực sự nguy hiểm”. 

Chống dịch là trên hết

Bà Nguyễn Thị Tân, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Bình cho biết, những năm gần đây, Quảng Bình luôn đứng ở giữa vùng dịch. Nhiều năm liền các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Quảng Trị đều có dịch nhưng Quảng Bình tránh được. “Mỗi lần như vậy, hệ thống thú y tỉnh được sự hỗ trợ của  chính quyền địa phương và các ngành tập trung căng sức chống, chặn dịch. Lực lượng thú y Quảng Bình luôn trong tinh thần chống dịch là trên hết”- bà Tân  nói.

Sau bão số 10,  tại các thôn Đông Giang, Bắc Giang và Nam Giang (xã Hưng Trạch- Bố Trạch) đã phát hiện dịch LMLM trên 29 con bò. Chi cục Thú y tỉnh đã tăng cường cán bộ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện bao vây, dập dịch. Nhờ làm tốt công tác phòng trừ nên số bò bị bệnh đã bình phục trở lại. Các địa phương lân cận cũng không phát hiện thêm ổ dịch mới. Nguyên nhân lây bệnh LMLM cũng được xác định do ảnh hưởng của bão nên việc tiêm phòng vacxin LMLM  (đợt 2) tại Hưng Trạch  gặp khó khăn. Chỉ có 750 con trâu bò trên tổng só 1.350 con được thực hiện tiêm phòng LMLM. Sau khi chặn được dịch, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã chuyển 1.500 liều vacxin LMLM để thực hiện tiêm phòng trên đàn gia súc tại địa phương này.

Để ngăn, chống dịch có hiệu quả, tỉnh ta đã thành lập các chốt KDĐV trên tuyến QL1A cả hai phía bắc và nam tỉnh, chốt trên tuyến đường Hồ Chí Minh phía giáp ranh với Hà Tĩnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo: “Bổ sung lực liên ngành để phối hợp với lực lượng thú y tại Trạm KDĐV Bắc Quảng Bình, Trạm KDĐV Nam Quảng Bình để ngăn chặn dịch LMLM phát sinh và lây lan. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

Theo sự chỉ đạo này, các trạm KDĐV đã được tăng cường thêm một chiến sỹ CSGT và một cán bộ địa phương nơi có trạm đóng chốt để làm nhiệm vụ. Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho hay: “Các chốt trạm này được tăng cường lực lượng đủ mạnh để bảo đảm nhiệm vụ. Ngoài ra,  tỉnh còn thành lập Đội KDĐV lưu động liên ngành với sự tham gia của cảnh sát môi trường, quản lý thị trường, thanh tra ngành, thú y nhằm kiểm soát các tuyến đường để kịp thời phối hợp với các trạm, các địa phương trong việc phát hiện và ngăn chặn dịch lây lan”.

Tại địa bàn các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, nơi tiếp giáp với tỉnh Hà Tĩnh có các tuyến đường  đi qua giữa hai tỉnh như đường Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á... không khí chống dịch cũng hết sức khẩn trương và quyết liệt. Bà Hoàng Thị Tân, Trạm trưởng trạm Thú y huyện Tuyên Hóa cho biết: "Ngoài Đội KDĐV lưu động của tỉnh, các Trạm chốt trên QL1A, đường Hồ Chí Minh thì lãnh đạo huyện Tuyên Hóa cũng đã chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra liên ngành kiểm soát tình hình vận chuyển gia súc trên tuyến đường Xuyên Á nhằm ngăn chặn dịch lây lan theo súc vật vận chuyển trên tuyến đường này”.

Cũng phải nói thêm rằng, nhiệm vụ khá nặng nề, nhưng  mức phụ cấp cho cán bộ thú y cơ sở (cấp xã) cũng khá khiêm tốn, chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Một lần về công tác tại huyện Quảng Ninh trong đợt phòng chống dịch cúm gia cầm, chúng tôi đi cùng anh cán bộ thú y xã. Anh tâm sự: “Những tháng phải căng sức ra để làm nhiệm vụ chống dịch thì phải đi lại nhiều, liên lạc cũng tăng lên. Tiền phụ cấp được một triệu năm chục nghìn đồng không đủ trả tiền điện thoại và tiền xăng xe. Nhưng nhiệm vụ thì phải hoàn thành chứ biết làm sao được”.

Tỉnh ta cũng đã gặp những trận dịch cúm, LMLM... đối với gia súc, gia cầm và con số thiệt hại lên đến cả hàng trăm tỷ đồng. Đối với người dân việc bị buộc tiêu hủy đàn gà, đàn vịt hay bầy lợn là thiệt hại rất lớn. Chính vì vậy, nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh luôn được lực lượng thú y đưa lên hàng đầu. Hiệu quả của công tác này là những năm gần đây cho dù nhiều lúc tỉnh ta nằm kẹt giữa “vòng vây” dịch bệnh, nhưng vẫn giữ được, ngăn chặn được, giữ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm phát triển.                                 

  H. Hà