.

"Vượt sóng" cùng cộng đồng doanh nghiệp

Thứ Hai, 13/01/2014, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2013 trôi qua trong tình trạng kinh tế - xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.  Với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đồng thời là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan hữu quan của nhà nước, Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh ta đã có nhiều giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Trước xu thế phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa càng có vị thế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đây là khu vực kinh tế năng động nhất hiện nay và hứa hẹn sẽ trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng.

Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có trên 3.490 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, bình quân hàng năm đóng góp 68,8% nguồn thu trong cân đối, tạo ra nhiều sản phẩm cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu; góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã thu hút trên 50.000 lao động, giải quyết một phần đáng kể lao động dư thừa, lao động thất nghiệp do lạm phát gây ra, góp phần tích cực vào việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Với sự hỗ trợ của Hội DNNVV, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn.
Với sự hỗ trợ của Hội DNNVV, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn.

Để giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, Hội DNNVV tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Chính phủ về kích cầu, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp; tích cực trong các hoạt động tư vấn về thủ tục hành chính, hướng dẫn các thủ tục vay vốn tín dụng ở ngân hàng...

Nhờ vậy, đã giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân nhận thức đúng đắn hơn về trách nhiệm của mình đối với nhà nước và xã hội, từ đó tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng hướng và luôn có ý thức phấn đấu để đạt hiệu quả kinh tế- xã hội cao nhất. Gắn liền với công tác tuyên truyền, vận động, Hội còn chủ động liên kết với các trường đại học, các trung tâm đào tạo chuyên sâu tổ chức các khóa bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp; mở thêm nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày cho đội ngũ giám đốc, cán bộ quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn chung, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, Hội đã kịp thời phản ánh với các cơ quan hữu quan của nhà nước về những khó khăn của doanh nghiệp như thiếu vốn sản xuất kinh doanh do không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, nợ xấu và ứ đọng sản phẩm nhiều, tình trạng xâm canh, chiếm dụng đất, vấn đề nợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động...

Từ đó đề xuất với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, các ngân hàng thương mại trong tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định để bảo đảm sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các khoản vay lãi suất cao trước đây.

Bên cạnh đó, Hội còn thường xuyên phối hợp với các ngành theo dõi, tổng hợp tình hình các doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 11/CP của Chính phủ, từ đó báo cáo với UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan xem xét giải quyết hỗ trợ cho doanh nghiệp; tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo của tỉnh và các sở ban ngành, tổ chức đóng góp nhiều ý kiến thiết thực phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Hội còn thường xuyên vận động các doanh nghiệp địa phương hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ưu tiên dùng hàng do nhân dân và các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất để phát triển công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Đây cũng chính là biện pháp bảo vệ quyền lợi cho hội viên  sản xuất hàng công nghiệp khỏi bị hàng ngoại chèn ép. Hội DNNVV đã tích cực tham gia phối hợp với các ngành quản lý nhà nước, đóng góp ý kiến vào việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các dự thảo văn bản chính sách pháp luật, vấn đề cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng; bảo đảm cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển và hội nhập.

Hội đã phối hợp giải quyết các tranh chấp thương mại, đất đai, về thanh toán công nợ, về thực hiện chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia đối thoại cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng, hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay và kinh doanh xuất nhập khẩu.

Cùng với sự hỗ trợ của Hội DNNVV tỉnh, để tạo thêm điều kiện cho các DNNVV trên địa bàn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, cơ quan hữu quan cần có nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong nền kinh tế của tỉnh. Từ đó thường xuyên có sự quan tâm, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời động viên doanh nghiệp vươn lên trong sản xuất, kinh doanh.

Tin rằng, với sự hỗ trợ tích cực của Hội DNNVV tỉnh, sự quan tâm của các ban, ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, cung cấp một khối lượng sản phẩm đa dạng và phong phú, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Thanh Hải