.

Du lịch Quảng Bình những chuyển động mới

Thứ Hai, 13/01/2014, 13:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, từ việc đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và tạo ra những sản phẩm du lịch mới có chất lượng cao đã góp phần khẳng định thương hiệu của ngành Du lịch Quảng Bình trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Doanh thu từ các loại hình du lịch như sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử, tâm linh... đã tăng lên đáng kể đưa du lịch trở thành một ngành "công nghiệp không khói" đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.                                                     

Đòn bẩy cho phát triển du lịch.

Kể từ khi Phong Nha-Kẻ Bàng có tên trên bản đồ di sản thiên nhiên của thế giới (ngày 5-7-2003), cộng đồng thế giới biết đến Quảng Bình nhiều hơn và Phong Nha chính là động lực để phát triển du lịch bền vững, tạo đà cho những bước tiến dài trong phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.

Nhằm từng bước phát huy các giá trị của Di sản, nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ du khách đến tham quan. Một số công trình đã tạo được điểm nhấn quảng bá cho du lịch Phong Nha, du lịch Quảng Bình như: công trình biển quảng bá di sản trên Lèn Voi, cổng vào Vườn quốc gia, khu đón tiếp khách tham quan Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ km 16 đường 20, hệ thống điện trong động Phong Nha, xây dựng bến thuyền, nhà đón khách, bãi đỗ xe, lối đi sàn đạo trong Hang Tối; di dời Đền Tiên Sư Cốc Tự và các hạng mục phụ trợ khác tại các điểm du lịch.

Xác định quản lý rừng là nhiệm vụ có tính chất quyết định sự tồn tại của Vườn quốc gia, Ban quản lý Vườn đã tập trung chỉ đạo xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng hàng năm và hợp tác với các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra đa dạng sinh học. Với nhiều biện pháp như thiết lập mạng lưới giáo dục môi trường trong cộng đồng thông qua các cấp hội và đoàn thể địa phương, thành lập các câu lạc bộ bảo tồn thiên nhiên tại những xã vùng đệm, xuất bản, phát hành ấn phẩm các loại để tuyên truyền rộng rãi cho người dân, khách du lịch và học sinh... đã  góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản thế giới.

Thạch nhũ tráng lệ tại động Thiên Đường.                Ảnh: Bách Chiến
Thạch nhũ tráng lệ tại động Thiên Đường. Ảnh: Bách Chiến

Một đòn bẩy mang tính chiến lược trong phát triển du lịch được tỉnh ta hết sức chú trọng là công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Chỉ tính riêng trong năm 2013, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây; tổ chức hội nghị kết nối các hoạt động du lịch các tỉnh Bắc miền Trung và khảo sát các điểm đến của du lịch Quảng Bình;  tham gia các hội chợ triển lãm du lịch, xúc tiến du lịch tại Lào, Thái Lan, cử đoàn cán bộ học tập về phát triển du lịch cộng đồng tại các tỉnh phía Nam và nước Úc...

Thông qua các hoạt động trên đã giới thiệu đến bạn bè trong nước, quốc tế các sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc biệt là Di sản thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư đến với Quảng Bình. Công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch cũng được tỉnh ta hết sức chú trọng nhất là việc nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện môi trường du lịch.

Để tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho ngành du lịch phát triển, tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu mà tỉnh ta hướng đến là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đề án quy hoạch trên đã được các công ty, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch nhìn nhận như chiếc đòn bẩy cho ngành “công nghiệp không khói” tỉnh nhà có điều kiện phát triển.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

Từ chỗ chỉ có một điểm tham quan là động Phong Nha-Tiên Sơn, năm 2005 điểm du lịch văn hóa tâm linh Đền tưởng niệm-Hang 8 thanh niên xung phong được đưa vào khai thác, thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tri ân tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Năm 2008, điểm du lịch sinh thái Suối nước Mọoc tiếp tục được đầu tư để phục vụ khách tham quan, trở thành điểm đến đặc biệt yêu thích của du khách sau cuộc khám phá các hang động kỳ bí.

Năm 2010 khai thác khu du lịch sinh thái động Thiên Đường (động có cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam)  do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư. Năm 2011, tuyến du lịch Sông Chày - Hang Tối được khai trương và năm 2012 tuyến du lịch mới  Khám phá chiều sâu bí ẩn động Phong Nha và tuyến du lịch sinh thái Rào Thương-Hang Én được đưa vào khai thác đang có sức hấp dẫn du khách.

Nhiều điểm đến lý tưởng khác cũng đang được khai thác như tuyến du lịch thung lũng Sinh Tồn-hang Thủy Cung, khám phá du lịch thiên nhiên Rào Thương-Hang Én, Sông Chày-Hang Tối, thử nghiệm tuyến du lịch mạo hiểm khám phá động Sơn Đòong-Hang động lớn nhất thế giới, khai thác tuyến du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn (Minh Hóa). Hiện tại tour du lịch khám phá động Sơn Đòong đã được du khách đặt vé đến năm 2015.

Đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa.                                 Ảnh: P.V
Đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa. Ảnh: P.V

Ngoài du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, Quảng Bình còn có thế mạnh về du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh. Đây là loại du lịch mang tính bền vững, có thể khai thác cả 4 mùa trong năm. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đưa du lịch văn hóa tâm linh vào các Tour du lịch trong phạm vi nội tỉnh như tour: Đồng Hới-Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Đồng Hới-Đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa-Đá Nhảy; Đồng Hới-Phong Nha-Hang tưởng niệm Tám thanh niên xung phong-Suối nước Moọc; Đồng Hới-Động Thiên Đường-Hang tưởng niệm Tám thanh niên xung phong...

Để khai thác có hiệu quả loại hình du lịch này, tỉnh ta đã có sự đầu tư tôn tạo nhiều di tích lịch sử, văn hóa và khôi phục các lễ hội truyền thống như Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập 2-9; Lễ hội Đập Trống của người Ma Coong; Lễ hội Cầu Ngư của cư dân vùng biển; Lễ hội Rằm tháng Ba ở huyện miền núi Minh Hóa... Đến với những điểm du lịch và không gian lễ hội này, du khách không chỉ xem đây là một cuộc thưởng ngoạn về cảnh sắc thiên nhiên mà còn là cơ hội để họ tìm hiểu về văn hóa, lịch sử tâm linh của người Quảng Bình xưa và nay.

Nhờ xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, năm 2013, Quảng Bình đã đón và phục vụ trên 1.200.000lượt khách, vượt 15% so với kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế ước đạt 36,7 nghìn lượt, tăng 23% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 138%, trong đó doanh thu chuyên ngành du lịch 594.840, tăng 70% so với năm 2012. Đây thực sự là những con số "biết nói", đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ không ngừng của du lịch Quảng Bình và là một trong những điểm du lịch thu hút được du khách khách quốc tế ưu chuộng.

Từ những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định ngành kinh tế du lịch có vai trò hết sức quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần tạo việc làm, thu hút đầu tư, nâng cao vị thế, hình ảnh của Quảng Bình, đóng góp tích cực vào GDP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với mục tiêu phát triển thương hiệu du lịch Quảng Bình, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; xúc tiến, quảng bá, tổ chức kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 25 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Bình...; tổ chức quản lý, khai thác tốt, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch và thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án khách sạn, nhà hàng phục vụ khách du lịch.

Hiện tại, tỉnh đang tập trung hoàn thành đưa vào khai thác Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Bang, kết nối các tuyến du lịch với hành trình thăm viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa. Ngoài ra, tỉnh tiếp tăng cường liên kết với các tỉnh khu vực miền Trung nhằm khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch đa dạng của khu vực trọng điểm du lịch miền Trung và cả nước trong những năm tới.

Nhật Văn