Tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt trên 16 ngàn tỷ đồng

Cập nhật lúc 09:59, Thứ Hai, 26/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Bình (NHNN), Chi nhánh các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn để bàn giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Quảng Bình, 8 tháng đầu năm 2011 lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn có nhiều biến động và tăng so với đầu năm: lãi suất huy động vốn thực tế dao động từ 16% đến 20%/năm, lãi suất cho vay bằng VNĐ dao động từ 19% đến 28,68%/năm, USD tăng nhẹ từ 0,7% đến 1%/năm, áp dụng phổ biến từ 7,1% đến 8,2%/năm; 

Nguyên nhân dẫn đến những biến động trên là do mặt bằng chung của toàn quốc, các ngân hàng khan hiếm nguồn vốn, cạnh tranh và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp nên hầu hết các chi nhánh NHTM, Quỹ tín dụng Trung ương đã vận dụng trả thêm tiền cho người gửi (trong khi niêm yết lãi suất huy động vốn tối đa là 14%/năm). Tính đến cuối quý III tổng dư nợ cho vay là 16.050 tỷ đồng, tăng 14,85% so với đầu năm…Chính những khó khăn trước mắt, chính sách tiền tệ được thắt chặt hơn, các NHTM thiếu vốn, hạn chế cho vay, không đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp vay, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp đình đốn sản xuất, kinh doanh, mất khả năng thanh toán và có nguy cơ vỡ nợ.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến của các ban, ngành, đơn vị liên quan, đồng chí Nguyễn Xuân Quang đã chỉ đạo NHNN Chi nhánh Quảng Bình và các NHTM, tổ chức tín dụng trên địa bàn cần có sự phối kết hợp chặt chẽ, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; tập trung đẩy mạnh huy động vốn, cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hạn chế và và giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất.

Tháo gỡ và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, có chính sách lãi suất cho vay phù hợp tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình khó khăn chung, rà soát, phân tích dư nợ, đánh giá khách hàng để chủ động có phương án xử lý nợ đến hạnƯu tiên các dự án trọng điểm, doanh nghiệp truyền thống, gia đình chính sách, gia đình nghèo, học sinh, sinh viên;… kiểm tra, kiểm soát tình hình cho vay làm sao đạt hiệu quả và an toàn cho doanh nghiệp và ngân hàng nhằm tái cơ cấu phát triển kinh tế một cách có trọng tâm và trọng điểm; cần xem xét, rà soát mạng lưới ngành ngân hàng, mở ra đến đâu phải tăng cường giám sát đến đó; xử lý các đơn vị còn nợ động ngân hàng một cách hợp lý nhằm giúp các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định hoạt động kinh doanh, sản xuất…trong thời gian sớm nhất.

                                                                                        Hiền Phương

,
.
.
.