.

Những sắc thái văn hóa: Ruộng phong tục và hạt ngọc Giàng ban của người Vân Kiều

Thứ Sáu, 01/04/2016, 13:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Sống dọc theo dãy Trường Sơn thuộc các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa, dường như thiên nhiên chưa bao giờ ưu ái đối với đồng bào Vân Kiều (dân tộc Bru-Vân Kiều). Đất đai cằn cỗi, gió lào bỏng rát, mưa lũ thất thường khiến kế sách sinh nhai của người Vân Kiều thường gặp bất trắc khó lường.

Bởi thế, người Vân Kiều luôn trân quý những tấc đất canh tác và hoa lợi do tay họ làm ra. Trong đó quan niệm đậm chất linh thiêng về ruộng phong tục (ruộng thiêng, ruộng truyền thống) và hạt lúa Giàng (trời) ban là một điển hình.

Không biết ai đã khởi xướng cách thức làm ruộng phong tục nhưng con em Vân Kiều khi biết nhận thức đều được người lớn dạy bảo kĩ càng về phong tục kì bí này. Theo đó, các hộ gia đình có thể sở hữu bao nhiêu ruộng nương đi chăng nữa nhưng mỗi hộ phải tìm trên núi cao cho được một thửa ruộng vuông vức, đắc địa, quay mặt về bản làng đang ở để làm ruộng phong tục. Chọn đất xong, chủ hộ phải là đàn ông hay đứa con trai vạm vỡ nhất trong nhà đưa tay cuốc xới cẩn thận; không được dùng trâu bò cày bừa trong quá trình làm đất, như thế sẽ bất kính với Giàng.

Đồng bào Vân Kiều tin rằng, lúa giống khi gieo xuống được Giàng chăm nom mà không cần sử dụng phân bón hay bất kỳ loại thuốc trừ sâu bệnh nào, cứ thế cây lúa sẽ lớn lên từ tinh hoa của thổ nhưỡng, bằng sự tinh khiết của khí trời.

Phụ nữ Vân Kiều thu hoạch lúa thiêng.
Phụ nữ Vân Kiều thu hoạch lúa thiêng.

Điều đặc biệt ấy còn được nối dài đến mùa gặt, dù lúa các thửa ruộng khác đã chín nhưng không được phép thu hoạch trước lúa của ruộng phong tục. Không được sử dụng liềm hay bất cứ nông cụ nào vào việc thu hoạch, mọi thứ phải được tiến hành cẩn trọng, nâng niu bằng tay.

Người Vân Kiều quan niệm chỉ một người đứng ra thu hoạch từ đầu đến cuối thửa ruộng nhà mình khi lúa chín. Nếu hai người cùng tuốt lúa thì phải tuân thủ nguyên tắc luôn bước đối diện nhau, lưng đứng thẳng, tránh quay lưng lại với nhau, chớ tuốt lúa một cách bừa bãi (chưa xong chỗ này đã nhảy sang chỗ khác). Phụ nữ mới sinh đẻ, người bệnh tật, ốm đau không được góp công mình trong ngày thu hoạch. Hạt ngọc Giàng ban sau khi thu hoạch xong được phơi phóng cẩn thận ở một nơi riêng, sau đó đem đóng khô ráo bao bì rồi gác lên nơi khô ráo, thoáng mát nhất của ngôi nhà sàn. 

Lúa thiêng khi sử dụng phải tiến hành nghi lễ xin phép Giàng, lễ vật gồm con gà, chén nước trong. Sau khi khấn vái xong, chủ hộ lấy lúa xuống, dùng hai tay bốc từng vốc bỏ vào cối đá rồi bắt đầu giã, không sử dụng máy xát để xay lúa thiêng. Người Vân Kiều không lấy gạo thiêng để ăn hàng ngày mà chỉ khi nào lễ lạt, bất trắc mới đưa gạo ấy ra nấu.

Đó là các ngày giỗ chạp, đón năm mới hay khi nào bản thân, đồng loại gặp nạn đói thì mới được phép lấy lúa thiêng ra cứu tế nhưng cũng phải làm lễ xin phép Giàng. Hạt lúa quý giá ấy có thể được phép mang ra làm quà cho ân nhân, bạn bè chí cốt, người mà chủ nhân thực sự quý mến.

Gạo ruộng thiêng là đặc sản, là niềm tự hào lớn lao của đồng bào Vân Kiều từ xưa đến nay. Để sản phẩm tinh túy này được lưu giữ cho đời sau, tổ tiên người Vân Kiều đề ra những nguyên tắc bất di bất dịch và sẵn sàng phạt nặng với những ai dẫu vô tình hay cố y vi phạm những điều cấm kị đó. Có sẵn một hội đồng đứng ra xử phạt gồm trưởng bản, già làng và một vị thầy cúng uy tín do dân tiến cử.

Nếu gia đình nào để trâu bò nhà mình phá hoại ruộng thiêng của người khác sẽ bị phạt vạ, mang lợn, gà, rượu cần đến tạ lỗi với Giàng, chủ nhân thửa ruộng và hội đồng. Kẻ nào tự ý hái trộm lúa mà người khác bắt được thì mổ trâu, bò đền cho cả làng. Theo dân bản những người đó còn xứng đáng bị Giàng phạt đến tán gia bại sản vì làm việc thất đức, xúc phạm Giàng, ảnh hưởng xấu đến đồng loại.  

Còn đó những quy định ngặt nghèo tới mức cổ hủ và yếu tố tâm linh huyền ảo trong cách gìn giữ ruộng phong tục và hạt gạo Giàng ban của người Vân Kiều, tuy nhiên, những thửa ruộng thiêng của đồng bào bất chấp khắc nghiệt đến thời vụ vẫn được đều đặn gieo cấy, can trường vươn lên.

Duy trì phong tục tốt đẹp này, người Vân Kiều như muốn nhắn nhủ với con cháu, hãy luôn quý trọng hạt gạo và tất thảy những hoa lợi do tay mình làm nên. Giữ gìn nét đẹp văn hóa ấy cũng đồng thời góp phần kích thích niềm hăng say lao động, sản xuất, răn dạy con người về tích trữ, tiết kiệm, hỗ trợ tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Nguyễn Tiến Dũng