.

Đất lành của "hậu duệ Lão Tôn"

Thứ Sáu, 12/02/2016, 09:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình may mắn được thiên nhiên ban tặng những dãy núi đá vôi hùng vĩ với vương quốc hang động tuyệt đẹp, cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài khỉ quý hiếm, độc đáo. Nếu ai có dịp đến với VQG Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) sẽ có cơ hội ngắm nhìn những chú khỉ vàng, đàn voọc gáy trắng, khỉ đuôi lợn… chuyền cành, trốn tìm tinh nghịch trên những ngọn cây. Ở đây thực sự là “Hoa quả sơn” của họ nhà khỉ với 7 loài được ghi nhận.

Hành trình khám phá

Voọc gáy trắng ở Thạch Hóa.
Voọc gáy trắng ở Thạch Hóa.

Đến VQG PN-KB, ta như lạc vào những cảnh quan, hang động tuyệt đẹp, những loài thú lạ mắt; trĩ, công múa khúc giao duyên trong tiếng “nhạc hòa tấu” của đàn chim líu lo, thánh thót. Những tán lá sum suê xanh mát, những giò phong lan muôn sắc tỏa hương và đàn bướm chập chờn bên suối... Đặc biệt, mọi người sẽ được tận mắt chứng kiến những đàn vượn, khỉ nhảy nhót, chuyền cành rộn ràng. Cũng bởi thế, các nhà khoa học coi nơi đây như là cái nôi của các loài thú linh trưởng ở Việt Nam và đánh giá là một trong 238 vùng sinh thái quan trọng nhất toàn cầu. Thú linh trưởng đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của VQG PN-KB kể từ khi được thành lập, nhất là họ nhà khỉ với voọc gáy trắng, voọc đen tuyền là loài đặc hữu của Đông Dương; chà vá chân nâu ở mức độ nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam; bên cạnh đó là khỉ cộc, khỉ vàng, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc. Ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, VQG PN-KB cho biết, voọc gáy trắng là loài chỉ thị, biểu trưng về đa dạng sinh học của VQG PN-KB. Theo các số liệu thống kê cho thấy loài này có phân bố rất hẹp, chủ yếu ở Quảng Bình, một phần nhỏ ở Hà Tĩnh và Lào. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn phân bố tập trung ở VQG PN-KB khoảng 2.000 cá thể và một số ít khoảng 115 cá thể ở xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa).

Cá thể khỉ được chăm sóc, cứu chữa tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, VQG PN-KB.
Cá thể khỉ được chăm sóc, cứu chữa tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, VQG PN-KB.

Không khỏi tò mò về sự tồn tại của loài linh trưởng này, chúng tôi đã theo chân các cán bộ Kiểm lâm tỉnh lên Thạch Hóa tìm hiểu. Ông Nguyễn Văn Hồng, một người dân có kinh nghiệm cho biết, thời gian dễ thấy sự xuất hiện của voọc là sáng sớm, đầu giờ chiều hay chiều muộn, chúng thường tìm những nơi râm mát để trú ẩn, tránh ánh nắng... Vì thế, để có thể quan sát được voọc phải đến điểm quan sát từ sáng sớm. Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi phát hiện sự xuất hiện của voọc gáy trắng tại điểm quan sát Trung đoàn 18. Theo quan sát, chúng tôi thấy voọc gáy trắng có bộ lông dày, sợi lông dài, mềm và đen, bụng đen xám, vùng háng màu trắng bẩn; đầu có mào đen, má có 2 vạch trắng nhỏ đi từ gốc mép qua phía trên vành tai ra hai bên gáy; đuôi dài, thon đều, lông rậm màu đen. Ông Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ: “Quần thể voọc ở đây sống thành từng đàn ở những vị trí khác nhau, ngoài địa điểm Trung đoàn 18, còn 7 điểm khác ở xã Thạch Hóa và 2 địa điểm ở xã Đồng Hóa. Số lượng cá thể và cấu trúc tuổi trong mỗi quần thể thể hiện sức tăng trưởng của quần thể rất tốt. Mỗi quần thể thường thấy có 1 con đực đầu đàn, 2 con mẹ đang sinh sản, 2-3 con non và 5-7 con bán trưởng thành, nhiều con rất thân thiện”.

Không chỉ phát triển tốt ở Thạch Hóa, ẩn mình bên trong “Hoa quả sơn” PN-KB, loài voọc gáy trắng xuất hiện nhiều và dày đặc. Chúng kiếm ăn hòa thuận với vượn đen má trắng Siki trên các tầng cao của loài sung rừng có tán cây khổng lồ và cao chót vót hàng trăm mét. Những tán lá thấp hơn là lãnh thổ kiếm ăn của khỉ cộc và khỉ đuôi lợn... Theo quan sát của các nhóm nghiên cứu VQG PN-KB, khỉ cộc xuất hiện ở khu vực Hung Dạng, Hung Lau, Thung Tre và U Bò. Khỉ vàng được bắt gặp ở khu vực U Bò, Hung Dạng và Vườn Thực vật thuộc phân khu dịch vụ hành chính. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của chà vá chân nâu tại khu vực U Bò, Hung Dạng, Hung Lau; khỉ đuôi lợn ở khe Con Khái thuộc khu vực Chà Nòi...

Chung tay bảo vệ “Hoa quả sơn”

Hiện nay môi trường sống của họ nhà khỉ ngày càng bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân khác nhau như: săn bắt, bẫy bắt, xâm lấn sinh cảnh... Tất cả những yếu tố trên là nguy cơ ảnh hưởng đến việc bảo tồn loài khỉ. Trước những nguy cơ xâm hại của loài thú này, ông Lê Thúc Định, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, VQG PN-KB khẳng định: “Thú linh trưởng nói chung và họ nhà khỉ nói riêng là đối tượng được ưu tiên bảo vệ cao ở VQG PN-KB. Thời gian qua, BQL VQG PN-KB đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chiến lược, phương án bảo tồn, phát triển loài thú quan trọng này”.

Chà vá chân nâu và voọc gáy trắng ở VQG PN-KB.
Chà vá chân nâu và voọc gáy trắng ở VQG PN-KB.

Cụ thể, BQL VQG PN-KB đã tích cực phối hợp với các sở, ngành có liên quan, chính quyền địa phương vùng lân cận tổ chức các đợt tuyên truyền để người dân biết tầm quan trọng, tính nguy cấp và các chế tài xử lý liên quan đến việc bảo vệ loài linh trưởng nằm trong Sách đỏ. Bên cạnh đó, vận động người dân tham gia bảo vệ các loài thú họ khỉ; phối hợp với lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ rừng, bảo vệ loài khỉ, kiên quyết ngăn chặn, nghiêm cấm và xử lý mọi hành vi săn, bắt, bẫy đối với động vật hoang dã nói chung và loài khỉ nói riêng.

Đặc biệt, có một thực trạng phải quan tâm là một số cá thể linh trưởng bị đánh bắt có thể được cứu thoát và thả lại tự nhiên nhưng cơ hội sống sót và phát triển thành bầy không cao. Giải quyết vấn đề này, Hội động vật Frank furt đã đưa ra dự án tái hòa nhập hai loài linh trưởng voọc gáy trắng và chà vá chân nâu trở về môi trường tự nhiên nhằm nâng cao khả năng hòa nhập với đồng loại và môi trường tự nhiên, góp phần bảo tồn Khu hệ thú linh trưởng PN-KB. Sau hơn hai năm hoạt động với sự hợp tác khoa học giữa Hội động vật Frank furt và VQG PN-KB, một khu nuôi thả linh trưởng bán hoang dã rộng 20ha đã được xây dựng và bảo vệ bằng hàng rào điện. Khu bán hoang dã này là môi trường thuận lợi cho việc huấn luyện loài khỉ và các loài thú linh trưởng khác để chúng lấy lại những tập tính và bản năng tự nhiên vốn có của mình trước khi trở về thiên nhiên hoang dã. Ngày 4-9-2007, một đàn voọc gáy trắng đầu tiên gồm 8 cá thể thuộc thế hệ F2 được Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương và Chương trình bảo tồn thú linh trưởng Cúc Phương chuyển giao cho VQG PN-KN để tiến hành nuôi thả tại đây. Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG PN-KB từ khi thành lập đến nay cũng đã cứu hộ trên 152 lượt cá thể các loài linh trưởng, trong đó chủ yếu là các loài thuộc nhóm khỉ, một số khác thuộc nhóm cu li, vượn, chà vá chân nâu.

Đối với quần thể voọc gáy trắng ở Thạch Hóa, ông Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, sở đã đưa ra đề xuất quy hoạch thành khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc Thạch Hóa. Theo đó, nếu có thể hình thành khu bảo tồn, quần thể voọc ở đây sẽ bảo đảm được bảo vệ nghiêm ngặt nhờ việc tuyên truyền, thành lập các tổ tuần tra giám sát, bảo vệ. Các hoạt động nghiên cứu khoa học cũng sẽ được tiến hành để đưa ra kế hoạch, giải pháp bảo tồn phù hợp; mở rộng và bổ sung nguồn thức ăn cho các quần thể voọc trong tương lai. Ngoài ra, sẽ kêu gọi nguồn kinh phí đầu tư từ các tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm đến công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái và nâng cao sinh kế cộng đồng...

Lê Mai- Văn Minh