.

Báu vật trăm năm

Thứ Sáu, 18/03/2016, 10:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông lão ấy nay đã ở tuổi 60 nhưng trên khuôn mặt lấm tấm vết đồi mồi vẫn thoảng nét nhanh nhẹn, tinh anh lắm. Ông bảo: cuộc đời, có những thứ quý giá mà suốt đời mình phải trân trọng, gìn giữ, không phải tiền bạc, của cải, cũng chẳng là quyền lực, danh vọng, mà đó là những báu vật vô giá ông cha để lại, có chết cũng phải giữ vẹn toàn.

 

Ống bút bằng đá của tướng Tôn Thất Thuyết.
Ống bút bằng đá của tướng Tôn Thất Thuyết.

Lý Hòa-mảnh đất bên sông vốn ẩn chứa trong mình bao huyền tích của lịch sử. Trong hành trình khám phá những tàng thư xứ Quảng, khi về với mảnh đất này, chúng tôi may mắn được gặp ông Hoàng Minh Tùng (Nội Hải, Hải Trạch, Bố Trạch)-hậu duệ đời thứ 11 của dòng họ Hoàng Minh Lý Hòa và hậu duệ thứ 6 của tướng Hoàng Phúc-một thân cận của tướng Tôn Thất Thuyết trong phong trào Cần Vương.

Trong ngôi nhà nép mình bên một con ngõ nhỏ,  ông Hoàng Minh Tùng vẫn giữ gìn hai báu vật vô giá mà tướng Hoàng Phúc để lại, đó là bản mật lệnh của Tôn Thất Thuyết và ống bút bằng đá ẩn chứa nhiều bí mật thú vị.

Trên bản mật thư cổ xưa, đôi chỗ đã bị lớp bụi thời gian làm mờ đi khá nhiều. Nhiều năm gìn giữ, ông Tùng đã thuộc nằm lòng tất cả những lời lẽ trên bức thư tịch ấy.

Chúng tôi mang bản sao của bức mật thư cùng bản dịch của ông Tùng đến gặp cụ Trương Quang Phúc, chủ nhiệm CLB Hán Nôm tỉnh để tìm hiểu ý nghĩa của nó. Và dẫu văn bản gốc đã bị mất đi một số chữ, một số nét, nhưng hầu như hai bản dịch nghĩa của nó khá trùng khớp.

Bản mật thư chỉ rõ: “Giao cho quan phòng sứ Hà Đông Thái cấp báo: cho người trong huyện đến đầu địa giới Lý Hoà, lập căn cứ thuỷ binh theo kế hoạch của vua Trần Dụ Tông ngày xưa, hai mặt Bắc-Nam, từ Đại (...) ra đến dãy núi nhỏ giáp con suối nhỏ có quân của triều đình ở hai mặt Tây Bắc và Tây Nam. Qua cửa sông giáp dãy đá thứ nhất, cùng phối hợp với quan lục lộ Hoàng Phúc mà làm-Mong tướng quân lo liệu. Tướng công Tôn Thất Thuyết”.

Kể từ ngày công bố đến nay, cũng đã có nhiều chuyên gia Hán Nôm dịch lại, cũng không ít nhiều cuộc tranh luận về ý nghĩa của các Hán tự bị mất nét, mờ nhạt nhưng xét cho cùng, đây có thể coi là bức mật thư quan trọng, là minh chứng hùng hồn cho tinh thần kháng Pháp của cha ông ta những năm cuối thế kỷ XIX.

Theo sử sách thì “kế hoạch của vua Trần Dụ Tông ngày xưa” mà Tôn Thất Thuyết nhắc đến là vào đầu thế kỷ XIV, khi vua Chiêm Thành lần nữa kéo quân sang đánh Đại Việt, để bảo vệ biên cương phía Nam, vua Trần Dụ Tông đã đưa thủy binh từ bắc vào cùng với cư dân địa phương dàn trận tại cửa biển Dĩ Lí (Lý Hòa ngày nay-PV), đánh tan quân Chiêm. Điều đó chứng tỏ, không phải chỉ đến phong trào Cần Vương kháng Pháp mà mảnh đất đặc biệt này vẫn luôn được coi là nơi có vị trí chiến lược quan trọng qua nhiều thăng trầm của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ông Tùng vẫn suốt đời gìn giữ cẩn thận những bảo vật vô giá của dòng tộc.
Ông Tùng vẫn suốt đời gìn giữ cẩn thận những bảo vật vô giá của dòng tộc.

Cùng với bản mật lệnh ấy, gia đình ông Tùng hiện còn có một di vật của Tôn Thất Thuyết, đó là một ống đựng bút bằng đá, phía trước ống, bên phải khắc hai chữ “Tôn Thất”, bên trái khắc hai chữ “Tướng công”, mặt dưới đáy khắc một bản đồ “quân sự”. Trên mặt bản đồ có ghi rõ: “địa giới” Lý Hoà và dòng chữ: “Mật kế đồ triều Nguyễn, Hoàng Phúc kế lập”, nằm bên phải dòng chữ: “Trần Dụ Tông văn cứ” và những ký hiệu quân sự.

Qua những dòng chữ khắc trên mặt dưới của ống bút bằng đá, dễ dàng nhận biết rằng giữa “mật kế” và “ống bút bằng đá” này liên quan nhau rất mật thiết mà theo như lời ông Hoàng Minh Tùng thì tấm bản đồ là dạng mã hóa của bức mật thư kia. Ông Tùng cẩn thận mang ống bút bằng đá ấy cho chúng tôi xem.

Thoạt nhìn, ngoài những Hán tự khắc nổi trên mặt trước, ống bút ấy không có gì khác thường. Không thấy hình bản đồ khắc bên dưới ống bút như lời giới thiệu ban đầu, chúng tôi tỏ ý thắc mắc. Ông tủm tỉm cười, rồi nhẹ nhàng nâng cổ vật ấy lên, hơ nóng dưới ngọn lửa. Chừng 15 phút khi mặt đá bắt đầu nóng ran, ông lão lại dùng viên phấn học sinh tô đều lên nó. Và quả như lời ông nói, một bản đồ quân sự hiện lên rõ từng chi tiết, từng đường nét.

Trong bức thư gửi Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), tháng 4-1996, Giáo sư Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện khảo cổ học viết: “Căn cứ vào “mật lệnh”, có thể đoán rằng đây là kế hoạch bố phòng ở Lý Hòa lúc Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi xuất bôn về phía bắc... Vì vậy, tôi nghĩ rằng ống bút là một tài liệu vô giá liên quan đến những sự kiện mở đầu cho cuộc đấu tranh chống Pháp bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX”.

Qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử quê hương, dòng họ, bao thế hệ con cháu của tướng Hoàng Phúc năm nào vẫn ngày ngày giữ gìn bảo vật ấy cẩn thận. Xưa, ông nội của ông Hoàng Minh Tùng là cụ Hoàng Hiểu vốn là một người rất cẩn trọng, đi đến đâu, cụ cũng mang khư khư những bảo vật ấy bên mình. Ngoài bức mật thư, ống bút bằng đá, một số sổ sách của dòng họ, cụ còn giữ một thanh kiếm của tướng Hoàng Phúc. Đến lúc cụ Hoàng Hiểu mất đi, con cháu trong dòng tộc trân trọng chôn thanh kiếm gia bảo ấy theo cụ.

Ông Hoàng Minh Tùng trò chuyện với phóng viên tại nhà riêng, tháng 3-2016.
Ông Hoàng Minh Tùng trò chuyện với phóng viên tại nhà riêng, tháng 3-2016.

Riêng bức mật thư và ống bút, những tài sản vô giá này được truyền lại cho con trai cụ là ông Hoàng Minh Lan (Chiếu). Năm 1984, ông Hoàng Minh Tùng được cha bàn giao lại những bảo vật ấy để nâng niu và cất giữ như một lời nhắc nhở giữ lấy nếp nhà và truyền thống dòng tộc. Ông Tùng bảo, hơn 30 năm, với 11 lần làm nhà, ở 4 địa điểm khác nhau, thứ đầu tiên ông mang theo cùng lư hương tiên tổ chính là hai bảo vật quý giá ấy.

Khi chia tay, ông Tùng hứa hẹn rằng lần sau, ông sẽ cho những người khách đường xa như chúng tôi ngắm chiếc thau đồng từng được tướng Tôn Thất Thuyết sử dụng những năm còn ở triều đình Huế. Ông Tùng được những bậc tiền bối kể lại rằng chiếc thau đồng được tướng Hoàng Phúc mang về đến quê nhà Lý Hòa cùng một số quân tư trang vào đúng thời điểm tướng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Bắc.

Ông bảo, khi được hun nóng lên, ngay dưới đáy thau hiện lên dòng chữ: “Song long kim cửu chầu thiên ngọc/ Nhị hổ ngân tài trụ địa ô”. Dẫu ý nghĩa của dòng chữ ấy chưa được sáng tỏ và hiện vật mà ông nhắc đến chưa được xác thực bằng những cuộc nghiên cứu chuyên sâu nhưng với dòng họ và với chính ông lão đã quá tuổi lục tuần này, đó là báu vật vô giá mà suốt đời ông gìn giữ.

Lịch sử đã đi qua nhưng sẽ là điều không dễ gì bị lãng quên. Và những bảo vật mà cha ông để lại là lời nhắc nhở để những thế hệ con cháu nhớ về quá khứ hào hùng, sống tốt cho hiện tại và phấn đấu cho tương lai.

Diệu Hương