.

Làng tôi với Đảng

Thứ Hai, 15/02/2016, 16:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Làng Minh Lệ quê tôi, một làng nhỏ ven dòng Linh Giang lịch sử. Con sông Gianh như một nhát cắt đau thương thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn kéo dài triền miên hơn hai thế kỷ. Hơn tám mươi năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, người dân làng tôi sống trong cảnh nước mất nhà tan.

Ngày Đảng ra đời, làng tôi là một trong những cái nôi có những đảng viên cộng sản đầu tiên của huyện Quảng Trạch. Kháng chiến thắng lợi, hòa bình chưa được bao lâu, ngày mồng 5 tháng 8 năm 1964, giặc Mỹ mang bom ra bắn phá miền Bắc. Máy bay Mỹ như bầy diều hâu bâu lấy tàu Hải quân của ta trên dòng sông Gianh mà đánh. Tiếng súng của dân quân làng tôi bắt nhịp với tiếng pháo phòng không của tiểu đoàn sông Gianh nổ rền trời.

Chúng tôi lớn lên quen dần với khói lửa chiến tranh. Ban ngày chăn bò cắt cỏ, đêm đêm lại ra nằm ngủ dưới những căn hầm nổi ngoài đồng. Những năm 1966, 1967, thanh niên trai tráng đều ra mặt trận. Chủ tịch xã, đội trưởng đội sản xuất là phụ nữ. Ai ra đồng cũng tay cày, tay súng. Đặc biệt có 3 khẩu đội 12,7mm chốt ở cánh đồng Đập Ngang và Giếng Đồng. Mỗi khi máy bay Mỹ lao xuống là các o nhằm thẳng quân thù nhả đạn.

Chúng tôi đã quen cảnh đứng dưới hầm tròn giữa cánh đồng làng xem bộ đội, dân quân quần nhau với máy bay giặc Mỹ trên đầu. Tan trận đánh, lũ trẻ chăn bò lại tranh nhau chạy đến trận địa các o lượm vỏ đạn về chơi. Thậm chí có đứa còn đi lượm cả cánh bom bi quả dứa về mài làm lưỡi dao bổ cau cho ông bà ăn trầu. Giặc Mỹ điên cuồng rải bom phốt pho và na pan đốt sạch xóm Nam.

Khẩu hiệu của Đảng bộ là: “Một tấc không đi, một li không dời” bám dân, bám đất sản xuất chiến đấu. Cầu cống, nhà ga Minh Lệ và ngay cả cái lò vôi dưới Hói Đồng, ba cái giếng xây của xóm Bắc cũng là mục tiêu hủy diệt của quân thù. Một hôm đi học nhóm về, tôi thấy 4 chiếc F4H từ phía núi Nhà Ngùi lao xuống. Anh Trương Dum làng tôi cầm khẩu trung liên đứng dưới giao thông hào bắn lên. Chúng phóng rốc két xuống cái giếng xây đội 4, một mảnh đạn găm vào người, anh Dum hy sinh.

Băng cờ, khẩu hiệu chào mừng Đại hội  XII của Đảng trên các làng quê.  Ảnh: T.H
Băng cờ, khẩu hiệu chào mừng Đại hội XII của Đảng trên các làng quê. Ảnh: T.H

Những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh, có những người bạn tôi đang học cấp 3 lên đường ra trận. Có những bạn đã nằm lại ở chiến trường chưa tìm được hài cốt. Rất nhiều người ra đi, đi mãi không về. Kết thúc chiến tranh, làng tôi không còn mấy căn nhà nguyên vẹn. Dân quân hạ được 2 máy bay giặc Mỹ và cả xã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Ngày toàn thắng, những người cựu binh về làng chưa kịp cầm cuốc cầm cày lại phải lên đường ra mặt trận biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Người lính lại phải cầm chắc súng bảo vệ biên cương.

Tôi đã cùng một số học sinh lớp tôi chủ nhiệm xung phong lên đường nhập ngũ. Kẻ thù đâu muốn ta yên. Thế lực thù địch vẫn ra sức tuyên truyền xuyên tạc, chống phá chế độ. Trường Sa, Hoàng Sa dậy sóng. Đảng ta vẫn vững vàng tay lái, vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh.    

Đất nước đổi mới, đổi thịt thay da, từng bước hội nhập toàn cầu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 là 1.047USD nhưng nay đã vượt gấp đôi (2.200 USD). Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp để gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Ngày trước phải nhập hạt bo bo nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai thế giới.

Từ chỗ phải ăn củ môn, củ chuối thay cơm, nay nhà nào cũng dư thừa thóc gạo để bán. Việc làm đất và thu hoạch mùa ít khi phải lao động chân tay. Đội nào cũng có máy phay đất, máy gặt đập liên hoàn, máy xay xát. Hợp tác xã dịch vụ thành lập. Nhà trường, trạm xá, cao tầng. Đường bê tông chạy dọc ngang như bàn cờ. Hầu hết nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh, có đầy đủ đồ dùng điện. Trừ những gia đình già cả neo đơn, nhà nào cũng có một vài chiếc mô tô, xe máy để đi lại. Cả xã quyết tâm thực hiện tốt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đảng lo cho cuộc sống của mỗi người dân, từng bát cơm tấm áo. Cơn lũ lịch sử năm 2010, nước còn ngập đường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến nhà có người chết để trao quà, động viên thăm hỏi. Những ngày giáp hạt, Đảng mang gạo về cứu tế cho dân. Trẻ nhỏ được tiêm vắc xin phòng bệnh, người già được phát tiền ăn hàng tháng. Đại hội “Đoàn kết, dân chủ, kỉ cương và đổi mới một cách toàn diện”, quyết tâm đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 1510 đại biểu thay dân lựa chọn những người có đức, có tài, có bản lĩnh lãnh đạo đất nước.

Giữa những ngày rét mướt, nhiệt độ ngoài trời có lúc hạ xuống 6OC, làng tôi vẫn ra đồng gieo vãi cho kịp thời vụ. Về đến nhà họ ngồi trước màn hình VTV1 theo dõi diễn biến của Đại hội từng ngày. Họ bàn thảo ngay trên đường đi chợ. Họ kéo nhau đến nhà có mạng internet để đọc tin tức. Mọi người vui mừng khi có một người con của làng, đồng chí Hoàng Đăng Quang trúng Ủy viên Trung ương Đảng. Thế là mọi người được gần Đảng hơn, họ có điều kiện để bày tỏ tâm tư nguyện vọng của người dân với Trung ương hơn. 

Người dân làng tôi ai cũng kỳ vọng Đại hội 12 sẽ tạo nên những bước đột phá của đất nước. Ai cũng giữ trọn tấm lòng sắt son với Đảng.

Hoàng Minh Đức