.
Chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, năm 2015:

Người hùng hang động

Chủ Nhật, 13/09/2015, 13:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Người mà chúng tôi muốn nói đến ở đây là anh Hồ Khanh (thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch), người có công lớn trong việc tìm kiếm, khám phá ra những hang động lớn, có giá trị ở Quảng Bình, đặc biệt là hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới.

Anh là người đã tìm, dẫn và phục vụ các đoàn thám hiểm, đoàn khoa học nghiên cứu, đoàn quay phim, chụp ảnh của nhiều nước đến làm việc tại khu vực VQG Phong Nha-Kẻ Bàng; góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình ra tỉnh bạn và khắp mọi nơi trên thế giới. Với những cống hiến đó, anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, được mọi người vinh danh là "người hùng hang động".

Tại buổi lễ trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Howard Limbert (nhà thám hiểm hang động Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh) và Hồ Khanh, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã từng nói: “Nếu Howard Limbert là nhà thám hiểm bất chấp nguy hiểm, thì trên mảnh đất Sơn Trạch, Bố Trạch, nơi đâu cũng có dấu chân Hồ Khanh. Anh là người am hiểu địa hình nơi đây, có công phát hiện ra các cửa động, giúp đoàn thám hiểm dễ dàng hơn trong việc khám phá hang động”.

Có thể nói, để có được hàng trăm hang động, trong đó có các hang động nổi tiếng ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng như ngày nay, phải kể đến những cống hiến hết mình của người dân địa phương. Họ là những người đã từng đi rừng tìm trầm hoặc có tác động tiêu cực đến rừng trong những thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước.

 Ông Howard Limbert và Hồ Khanh trong một chuyến đi hang Sơn Đoòng.
Ông Howard Limbert và Hồ Khanh trong một chuyến đi hang Sơn Đoòng.

Nhưng từ khi Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng được thành lập cho đến nay, họ đã nhận thức được những giá trị cần bảo tồn và đã phối hợp tốt với các chuyên gia để tìm kiếm hang động; bởi họ là những người am hiểu về địa hình, địa mạo của khu vực di sản để kết hợp với kiến thức, trí tuệ của các chuyên gia phát hiện ra nhiều hang động nổi tiếng.

Và trong số đó, Hồ Khanh là người xuất sắc nhất, đóng góp nhiều công sức nhất trong việc giúp các đoàn thám hiểm khám phá, nghiên cứu hang động. Tên tuổi của anh đã gắn với hang Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới, được công bố vào năm 2009.

Với tâm niệm cống hiến hết mình góp phần xây dựng quê hương ngày càng  thêm giàu đẹp, những năm qua, Hồ Khanh đã nỗ lực tìm, dẫn và phục vụ các đoàn thám hiểm, đoàn khoa học nghiên cứu, đoàn quay phim, chụp ảnh của nhiều nước đến làm việc tại khu vực VQG Phong Nha-Kẻ Bàng.

Trong chặng đường tìm kiếm và dẫn các đoàn thám hiểm, nghiên cứu hệ thống hang động, động thực vật, với tinh thần trách nhiệm của một người con quê hương di sản nói riêng, một công dân của đất nước nói chung, Hồ Khanh đã giúp đoàn thám hiểm khám phá thành công tổng cộng 38 hang động lớn nhỏ. Có nhiều hang động có thể đem vào khai thác du lịch, đặc biệt là hang Sơn Đoòng.

Hồ Khanh kể rằng, năm 2008, anh xin phép lãnh đạo Ban quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, tự bỏ kinh phí một mình vào rừng Đoòng xác định vị trí một cái hang mà trong một chuyến đi rừng năm 1989 anh đã có dịp đi qua nhưng nay không còn nhớ chính xác được đường dẫn vào hang. Khi tìm lại được hang, vì không có những dụng cụ bảo hộ cần thiết, hơn nữa lại một mình nên không dám đi sâu vào hang, nhưng bằng kinh nghiệm của những lần đi trước anh đã cảm nhận hang này rất lớn, lớn hơn những hang anh đã tìm thấy.

Đến năm 2009, nhờ sự hỗ trợ của đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, đoàn cán bộ khoa học của Trường đại học Khoa học tự nhiên, các chuyên gia hàng đầu thế giới vào nghiên cứu địa chất, địa mạo, thuỷ văn, động thực vật ở trong hang, những số liệu về Sơn Đoòng mới bắt đầu được công bố. Với công lao này, năm 2009, Hồ Khanh đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Tuy nhiên, mấy ai biết rằng cuộc sống của "người hùng hang động" đã từng phải mượn ruộng mưu sinh, trải qua vô vàn khó khăn. Nhưng niềm đam mê khám phá hang động vẫn luôn bừng cháy trong Hồ Khanh, anh nói: “Khó khăn mấy cũng quyết đi tìm các hang động mới cho thế giới biết thêm về vùng núi đá vôi Kẻ Bàng”.

Và như cái duyên với nghề, với sự gợi ý, giúp đỡ của vợ chồng ông Howard Limbert, hôm nay Hồ Khanh đã tạo cho riêng mình một thương hiệu Ho Khanh Homestay, khiến bao người phải ngưỡng mộ. Từ căn nhà rường có 3 phòng nghỉ ban đầu, khách đến ngày mỗi nhiều, Hồ Khanh lại tiếp tục vay mượn đầu tư thêm hơn một tỷ đồng xây ba căn nhà hiện đại trên khu đất mà vợ chồng anh từng vỡ đất trồng khoai chống đói. Trên luống đất đó Hồ Khanh cải tạo thành khu vườn mát rượi với cây huê bản địa xanh mướt. Cuộc sống hiện phải chi trả nợ nần đã vay, nhưng dễ thở hơn buổi nghèo khó trước đây, anh Khanh chia sẻ.

Bây giờ, Hồ Khanh không chỉ có cơ ngơi khá bề thế mà còn được tín nhiệm làm chỉ huy đội quân porter tại Công ty Oxalis. Uy tín của Hồ Khanh được đánh giá cao và hãng truyền thông ABC ghi nhận rất lớn. Ở làng Phong Nha, không ai qua được Hồ Khanh khi anh điều động một lúc 200 người gùi thồ bất cứ lúc nào, bất cứ mùa nào, cũng đủ biết cái tên của người dẫn đường số một uy lực thế nào trong mảnh làng thơ mộng bên bờ sông Son.

Có thể nói với năng lực và niềm đam mê nhiệt huyết của Hồ Khanh và nhiều người khác nữa là điều thực sự rất cần thiết cho việc tiếp tục khám phá, thám hiểm các hang động thuộc khối núi đá vôi Phong Nha-Kẻ Bàng. Những kỹ năng của họ trong việc đi rừng có thể giúp ông Howard Limbert và các đoàn chuyên gia, thám hiểm tiếp cận tới được nhiều hang động xa hơn, đẹp hơn.

Lê Mai