.

Châu Hóa "giữ lửa" truyền thống

Chủ Nhật, 30/08/2015, 20:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi tìm đến xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá-một vùng quê giàu truyền thống cách mạng để được tận mắt chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của địa phương. Được biết, trong năm 2015, xã Châu Hoá được UBND tỉnh chọn làm điểm để chỉ đạo về đích nông thôn mới (NTM)...

Kiên cường trong đấu tranh

Châu Hoá là một xã có bề dày lịch sử, văn hoá, nằm ở vùng hạ lưu sông Gianh, thuộc huyện Tuyên Hoá. Đây cũng là một địa phương giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng.

Châu Hoá là một xã thuần nông, nông dân lao động có tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, có ý thức chống lại sự bất công trong xã hội, có lòng căm thù bọn đế quốc xâm lược và bọn tay sai phản động...

Tháng 2-1943, đồng chí Vũ Huệ được Phủ uỷ Quảng Trạch phân công về tìm hiểu phong trào ở Thanh Thuỷ, Ngọa Cương. Sau khi xem xét phong trào, thẩm tra đảng viên, đồng chí Huệ đã thành lập chi bộ ghép Thanh Thuỷ-Ngọa Cương gồm 3 đồng chí (Lê An, Cao Toàn, Trần Diên), do đồng chí Lê An làm bí thư.  Gần 1 tháng sau, chi bộ đã kết nạp thêm các đồng chí: Phan Cân, Nguyễn Ư, Lê Thiền, Nguyễn Quê, Lê Tịnh, Trần Trác, Dương Hích vào Đảng Cộng sản Đông Dương; tiếp đó là Nguyễn Thế Khanh và Trương Đạt.

Đình làng Lâm Lang (thôn Lâm Lang, xã Châu Hoá), nơi một thời các cán bộ, chiến sỹ cách mạng của ta dùng làm căn cứ để hoạt động bí mật.
Đình làng Lâm Lang (thôn Lâm Lang, xã Châu Hoá), nơi một thời các cán bộ, chiến sỹ cách mạng của ta dùng làm căn cứ để hoạt động bí mật.

Như vậy, từ 3 đảng viên đầu tiên tại chi bộ ghép Thanh Thủy-Ngoạ Cương, dần dần được phát triển lớn mạnh, cài cắm các đảng viên làm hạt giống đỏ cho địa bàn Châu Hoá. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ ghép Thanh Thuỷ-Ngoạ Cương, trực tiếp là các đồng chí đảng viên tại Châu Hoá, phong trào cách mạng đã phát triển như một luồng gió mới thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân Châu Hoá. Các tổ chức quần chúng được thành lập, lực lượng nòng cốt ngày càng phát triển, phong trào đấu tranh ngày càng lên cao, cơ sở Đảng được bảo vệ để chuẩn bị giành chính quyền khi thời cơ xuất hiện...

Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, bộ máy thân Nhật ở Tuyên Hoá gần như bị tê liệt. Bọn quan chức, hào lý, hương thôn hoang mang, dao động đến cực độ. Tình thế cách mạng đã chín muồi, thời cơ cách mạng đã đến. Ngày 22-8-1945, Tuyên Hoá nhận được lệnh khởi nghĩa. Một giờ sáng ngày 23-8-1945, tất cả các lực lượng cách mạng ở Tuyên Hoá chia làm 4 mũi tiến thẳng về huyện lỵ Minh Cầm-cơ quan đầu não của chế độ thực dân phong kiến huyện.

Phát súng hiệu lệnh vang lên, tất cả lực lượng quần chúng nhân dân ta xông thẳng vào huyện đường, lực lượng bên ngoài gióng trống, phất cờ hỗ trợ... Tên thừa lại Nguyễn Lưu khúm núm đầu hàng, dâng ấn tín, hồ sơ và toàn bộ tài sản cho Ủy ban khởi nghĩa.

Trước sân huyện đường, lá cờ quẻ ly bị xé nát, thay vào đó là lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên phấp phới tung bay, cùng với đó là hàng nghìn tiếng hô như sấm dậy: "Đả đảo chính quyền đế quốc phong kiến! Mặt trận Việt Minh muôn năm!” “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm"...

Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Châu Hoá là hậu cứ cách mạng, nơi cung cấp nhân lực, vật lực và trực tiếp tham gia kháng chiến.

Đặc biệt, xã Châu Hoá luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, đấu tranh bất khuất, kiên cường; xây dựng lực lượng cách mạng tiến công địch, tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh vũ trang, chính trị ở cơ sở; tham gia phối hợp chiến đấu với lực lượng quân chủ lực, bộ đội địa phương; quyết tâm bảo vệ và giữ vững một địa bàn chiến lược quan trọng của tỉnh và vùng Bắc Trung bộ; góp phần cùng nhân dân cả nước lập nên những chiến công vĩ đại trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước...       

Tiên phong trong xây dựng NTM

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng và những tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm gần đây, Đảng bộ xã Châu Hoá đã không ngừng xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức đảng ngày càng lớn mạnh để lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện trên mọi hoạt động, lĩnh vực ở địa phương.

Nhiệm kỳ 2010-2015, tổng sản lượng lương thực của Châu Hoá tăng từ 1.043,5 tấn (2010) lên 1.510,7 tấn (2014), vượt kế hoạch đề ra là 25,4%; chăn nuôi phát triển khá cả về chất lượng lẫn giá trị; giá trị thu nhập từ trồng rừng năm 2010 là 576 triệu đồng, đến 2014 tăng lên 1.654 triệu đồng; giá trị sản xuất TTCN và xây dựng tăng bình quân hàng năm 15,65%; giá trị thu nhập từ thương mại-dịch vụ tăng từ 10,5 tỷ đồng (2010) lên 33,4 tỷ đồng (2014), vượt kế hoạch đề ra 40,96%; tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ 2010 đến cuối năm 2014 đạt 35 tỷ đồng (trong đó vốn nhân dân đóng góp trên 6 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7 triệu đồng (2010) lên 15 triệu đồng (2014); thu ngân sách năm 2010 đạt 273 triệu đồng, đến năm 2014 là 1.234 triệu đồng...    

Là xã miền núi rẻo cao, hàng năm thường gánh chịu nhiều hậu quả khắc nghiệt của thiên tai, mặt bằng đời sống kinh tế của nhân dân còn đạt thấp..., thế nhưng, với sự vận dụng linh hoạt, khéo léo và sáng tạo của  cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của nhân dân, tính đến cuối năm 2014, xã Châu Hoá đã nhanh chóng vươn lên đạt 13/19 tiêu chí trong xây dựng NTM, tăng 9 tiêu chí so với xuất phát điểm ban đầu bắt tay vào thực hiện chương trình này. Hiện Châu Hoá đang là xã dẫn đầu về số tiêu chí NTM đạt được của huyện Tuyên Hoá.

Đồng chí Trương Thanh Lam, Bí thư Đảng uỷ xã Châu Hoá cho biết: Kể từ khi được UBND tỉnh lựa chọn để tập trung chỉ đạo đạt xã NTM, địa phương đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân. Với đà thuận lợi này, tin chắc rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Châu Hoá sẽ trở thành "quán quân" NTM của huyện Tuyên Hoá vào cuối năm 2015 này.

Văn Minh