.
Kỷ niệm 104 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 - 25-8-2015):

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng tài ba-một người con ưu tú luôn nặng lòng vì quê hương Quảng Bình

Thứ Ba, 25/08/2015, 07:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Mới đó mà đã gần hai năm rồi, ngày 4-10-2013, ngày mà cả dân tộc khóc thương tiễn người con ưu tú của dân tộc về nơi an nghỉ cuối cùng trong lòng đất mẹ Quảng Bình. Muôn triệu trái tim, muôn triệu tấm lòng nghẹn thương tiễn biệt Đại tướng, cõi nhân gian vắng bóng một vị tướng thiên tài, một nhân cách lớn, một trái tim đôn hậu, nhân từ, một lòng vì nước, vì dân.

 

Bút tích của Đại tướng ở trang đầu quyển Tổng tập hồi ký.   Ảnh: Lê Hùng Phi
Bút tích của Đại tướng ở trang đầu quyển Tổng tập hồi ký. Ảnh: Lê Hùng Phi

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.  Chào đời vào mùa nước lũ, cái đói, cái khát, bần hàn, đau thương tủi nhục của người dân mất nước... nỗi thống khổ ấy đã tác động vào người thanh niên yêu nước và cứ lớn dần theo năm tháng.

Với truyền thống gia đình, quê hương, Đại tướng-Võ Nguyên Giáp lại được bồi tụ tinh thần yêu nước từ trong lịch sử và gương oanh liệt của các chí sĩ yêu nước để trở thành một Đại tướng tài ba trong thế kỷ XX.

Cả cuộc đời đi qua hai thế kỷ, sống trọn đời mình thủy chung son sắt cho non sông, gấm vóc, quê hương. Đại tướng hết mình vì Tổ quốc, nhân dân, đã hội tụ trong mình những nét đẹp truyền thống, tinh hoa của dân tộc. Trong lối sống, cách đối nhân xử thế với mọi người, Đại tướng luôn ứng xử chừng mục, khiêm tốn, mỗi câu chuyện, mỗi lần gặp gỡ là một bài học mà Đại tướng để lại cho muôn đời sau.

Những bài học ấy tuy dung dị, đơn sơ, có khi là một câu chuyện về cuộc sống đời thường song đều trở thành động lực, là bài học cho lớp lớp người suy nghĩ, hành động để vươn lên xây dựng, hoàn thiện bản thân, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, quê hương và đất nước.

Dù bộn bề với bao công việc của Đảng và Nhà nước, song Đại tướng luôn nặng lòng với quê hương Lệ Thủy, với Quảng Bình.

Nhớ lại những ngày đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc trong đó có Quảng Bình tháng 5 năm 1965, Đại tướng đã điện thoại chỉ đạo, căn dặn quân và dân Quảng Bình phải: Phối hợp thật tốt; đánh thật tốt; tránh thật tốt; các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lực lượng an ninh thì ở lại, còn các cơ quan, xí nghiệp, nhân dân phải sơ tán tránh mọi tổn thất... nhờ đó mà quân và dân Quảng Bình đã không bị bất ngờ, chủ động đánh thắng trận đầu, bắn cháy 4 máy bay của đế quốc Mỹ, bắt sống 1 phi công Mỹ, các cơ quan, đơn vị và nhân dân Quảng Bình nói chung, Đồng Hới nói riêng được an toàn, giảm thiểu những thiệt hại do không kích của đế quốc Mỹ gây ra.

Trong những năm tháng chiến tranh, mảnh đất Quảng Bình đã hứng chịu biết bao bom đạn của kẻ thù, song người dân Quảng Bình đã cùng với cả nước viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Cứ mỗi lần có chiến công, mỗi lần có đoàn đại biểu Quảng Bình lập được chiến công xuất sắc được ra báo công với Chính phủ, với Bác Hồ là Đại tướng đến động viên, khen ngợi và căn dặn Quảng Bình phải trở thành một tỉnh gương mẫu, đi đầu trong cả nước.

Những lần về thăm quê hương, lần nào Đại tướng cũng nhắc nhở bà con họ hàng, con cháu ở An Xá, Lộc Thủy phải luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, cố gắng lao động sản xuất và học tập để xứng đáng với truyền thống yêu nước của dòng họ, của quê hương. Đi thăm các vùng quê trong huyện Lệ Thủy, đến đâu Đại tướng cũng nhắc nhở cán bộ chính quyền phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, biết yêu thương dân, biết khơi dậy sức mạnh của sự đoàn kết để chung tay, góp sức xây dựng Lệ Thủy ngày càng giàu mạnh.

Năm 1998, về thăm quê hương, dù tuổi già sức yếu, nhưng Đại tướng vẫn ra thăm cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” của  xã Phong Thủy, nói chuyện với bà con nông dân đang thu hoạch lúa, Đại tướng ân cần căn dặn: Phải luôn nỗ lực lao động sản xuất để giữ cho được danh hiệu “Gió Đại Phong” như những năm tháng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tự hào là quê hương giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, cán bộ, nhân dân trong huyện cần đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương của cha ông, để không ngừng vun đắp cho sự lớn mạnh của huyện nhà.

Đại tướng tặng Tổng tập hồi ký của Đại tướng cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình. Ảnh: Nhà báo Trần Hồng.
Đại tướng tặng Tổng tập hồi ký của Đại tướng cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình. Ảnh: Nhà báo Trần Hồng

Ra thăm dòng sông Kiến Giang - dòng sông đã từng đi vào giấc ngủ với câu hò khoan êm đềm, sâu lắng của  của Đại tướng cũng như bao trẻ thơ, bao thế hệ, Đại tướng căn dặn lãnh đạo huyện phải có biện pháp để giữ cho dòng sông mãi mãi xanh trong, mãi mãi trong lành, thơ mộng, chống xói mòn, sạt lở và bảo vệ môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp và có chỗ để nhân dân đứng hai bên bờ cổ vũ cho lễ hội bơi thuyền truyền thống của quê hương vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 hàng năm.

Năm 2004, linh cảm có lẽ đây là chuyến thăm quê hương Quảng Bình cuối cùng của đời mình, Đại tướng mặc dù đã 94 tuổi, sức khỏe đã yếu nhiều, nhưng chuyến về lại quê hương lần này Đại tướng dành nhiều thời gian đi thăm nói chuyện và căn dặn với nhiều địa phương, trường học, cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang trong tỉnh, ở đâu Đại tướng cũng căn dặn là phải đoàn kết, phát huy truyền thống của quê hương “Hai giỏi”, quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Bình thành một tỉnh giàu mạnh, trở thành một tỉnh gương mẫu trong cả nước.

Để tri ân công lao to lớn của Đại tướng suốt cả cuộc đời vì dân tộc, vì Tổ quốc, nặng lòng với quê hương, ngày 25-8-2006 Quảng Bình tổ chức cầu truyền hình trực tiếp Quảng Bình-Hà Nội với chủ đề Quảng Bình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 95 của Đại tướng.

Thay mặt Đảng Bộ và nhân dân Quảng Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã phát biểu: “Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình luôn tự hào và khắc ghi công lao to lớn, những cống hiến xuất sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Tấm gương sáng về tinh thần và nghị lực cách mạng, về phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản cũng như những tình cảm thiêng liêng mà Đại tướng đã và đang dành cho quê hương chúng ta. Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm rạng rỡ cho đất nước ta và cho quê hương Quảng Bình chúng ta”. 

Sau bao nhiêu năm cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, nay trái tim lớn đã ngừng đập trong sự tiếc thương vô hạn của cả nước và nhân loại, Đại tướng lại trở về an nghỉ nơi đất mẹ Quảng Bình như một sự tri ân, sự lắng đọng bao ký ức về một con người hết sức bình dị, tài ba và nặng lòng với quê hương, đó cũng là lời nhắn nhủ với con cháu con muôn đời sau rằng: Nơi đây có một con người cả đời luôn nặng lòng với dân, với nước, với quê hương Quảng Bình!

Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình biến niềm tiếc thương thành hành động, muôn vạn trái tim, muôn vạn tấm lòng luôn thủy chung, sắt son mặn nồng với con đường mà Bác Hồ và Đại tướng đã chọn. Phấn đấu xây dựng quê hương Quảng Bình trở thành một tỉnh gương mẫu, giàu đẹp như lời dặn của Đại tướng.

Lê Hùng Phi