.

Hòn ngọc sáng bên dòng Nhật Lệ

Thứ Bảy, 02/05/2015, 07:42 [GMT+7]
Chiến sỹ nuôi quân C356 Lương Công Lợi lấy thân mình làm giá súng cho ông Nguyễn Mẫn, dân quân xã bắn trả máy bay Mỹ, tháng 2-1965.
Chiến sỹ nuôi quân C356 Lương Công Lợi lấy thân mình làm giá súng cho ông Nguyễn Mẫn, dân quân xã bắn trả máy bay Mỹ, tháng 2-1965.

(QBĐT) - Năm 1969, nhà thơ Tố Hữu trở lại Bảo Ninh, quê hương của mẹ Suốt anh hùng, ông tâm sự “Quảng Bình ta nổi tiếng trên miền Bắc, trong đó có thị xã Đồng Hới và Bảo Ninh... Đến khi đất nước giải phóng hoàn toàn rồi, đứng bên tê thị xã nhìn sang, Bảo Ninh như một hòn ngọc sáng bên bờ sông Nhật Lệ”.

Nhà thơ vốn có mối liên hệ rất mật thiết với Bảo Ninh, ông bảo rằng: “Tôi biết Bảo Ninh lâu rồi, cách đây 27 năm. Lúc đó Bảo Ninh là một dải cát trắng, trắng bạc phơ, trắng xơ xác. Nghèo lắm! Đi từ đầu xóm đến cuối xóm vô cùng hiếm nhà ngói. Ở trên dải đất này, đất nóng bỏng như thiêu như đốt, trong lòng chúng ta lúc đó đều hừng hực lên như ngọn lửa, cho nên chúng ta đã đứng dậy làm cách mạng. Lúc ấy có thể nói ngọn lửa hừng hực đốt cháy hết những gì của áp bức, nô lệ...”.

Theo dòng ký ức xưa, tôi qua cầu Nhật Lệ, về với Bảo Ninh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phạm Đức Hiền giới thiệu cho tôi gặp ông Trần Ngoan, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã những năm tháng Bảo Ninh cùng với thành phố Đồng Hới và cả tỉnh Quảng Bình “chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi” góp phần cùng cả nước chiến thắng đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, đi tới  chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Trần Ngoan tự hào: “Nhắc đến Bảo Ninh, dĩ nhiên nhiều người nhớ về mẹ  Nguyễn Thị Suốt, bà mẹ anh hùng “Một tay lái chiếc đò ngang. Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày”. Từ hình tượng người mẹ anh hùng để khái quát về một vùng đất Bảo Ninh anh hùng. Trong chiến đấu, Bảo Ninh có thêm những điển hình bất khuất, kiên trung như chiến sỹ nuôi quân C356 Lương Công Lợi lấy thân mình làm giá súng cho ông Nguyễn Mẫn, dân quân xã bắn trả máy bay Mỹ, tháng 2-1965”.

Không đâu như Bảo Ninh khi trong phong trào “Hai giỏi” xuất hiện đội thuyền đánh cá vươn khơi cùng thi đua với nam giới do Anh hùng lao động Nguyễn Thị Khíu làm đội trưởng lấy tên là đội nữ đánh cá Minh Khai thuộc HTX Thống  Nhất. Vốn ra khơi cùng với nam giới nhưng khi chia công điểm, đội viên nữ thường bị chấm điểm thấp, chịu nhiều thiệt thòi, chị Khíu quyết tâm thành lập đội đánh cá riêng với 6 thuyền và 36 đội viên nữ.

Bằng trí thông minh, lòng quả cảm, trong 4 năm 1961-1964, đội nữ đánh cá Minh Khai luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch giao, đỉnh điểm như năm 1964 đạt đến 668 tấn. Chị Nguyễn Thị Khíu có sáng kiến để cho toàn đội Minh Khai luôn bám chắc ngư trường, tránh tổn thất khi bị máy bay Mỹ ném bom là buộc đá vào người, mỗi khi máy bay oanh tạc lại nhảy xuống biển, nhanh chóng chìm sâu dưới nước tránh bom. HTX Thống Nhất trong đó có đội nữ đánh cá Minh Khai của chị Nguyễn Thị Khíu ba năm liền được tuyên dương là lá cờ đầu của ngành thủy sản Quảng Bình.

Sau hòa bình, Bảo Ninh nghèo, đứng bên ni thị xã Đồng Hới nhìn qua, Bảo Ninh “chang chang cồn cát” chói lóa mắt người. Không đường, không điện, không chợ... bán đảo Bảo Ninh hầu như tách biệt hẳn với phía phố thị Đồng Hới ồn ào. Đói nghèo được Phó Bí thư Đảng ủy xã Phạm Đức Hiền khái quát trong một câu chuyện “cười ra nước mắt” có thật, cách đây đúng 15 năm.

“Năm 2000, Nhà nước quyết định đầu tư cho xã một con đường đất đỏ chạy dọc sông Nhật Lệ từ phía Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) về. Bà con mừng lắm, cả đời chân trần lội cát bỏng, chừ có đường rồi, đường thênh thênh rộng mở. Thế là người người, nhà nhà thi đua nhau sắm xe đạp, chiều chiều tranh nhau ra đường đỏ tập đi xe. Đi xe không quen cứ tuông vào nhau, ngã đè lên nhau. Ngày đó... mỗi lần thấy có chiếc xe đạp nào từ đầu đến đuôi toàn màu đỏ xuất hiện bên Đồng Hới, y như rằng là dân Bảo Ninh”.

“Thực sự Bảo Ninh thức giấc, đổi thay từ mốc thời gian nào?- Tôi hỏi. Phó Bí thư Hiền trả lời nhanh: “Năm 1993, điện về Bảo Ninh, năm 2000, xã có con đường đất đỏ. Và sự đổi thay chúng tôi cảm nhận được từng ngày thì phải bắt đầu năm 2004, khi cầu Nhật Lệ hoàn thành, Khu du lịch nghĩ dưỡng cao cấp Sunspa Resort của Tập đoàn Trường Thịnh ra đời... Những sự kiện này lần lượt tạo từng cú hích mạnh cho Bảo Ninh phát triển”.

Cùng với cả nước ra sức thi đua chào mừng 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, những ngày tháng tư này, Đảng bộ và nhân dân xã Bảo Ninh đang tập trung cao điểm hướng tới Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 với mục tiêu cho kế hoạch 5 năm tới là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đoàn kết, tiếp tục đổi mới, khơi dậy mạnh mẽ các tiềm năng, huy động toàn diện các nguồn lực, xây dựng Bảo Ninh phát triển bền vững theo hướng văn minh, hiện đại.

Hòn ngọc Bảo Ninh trên đường phát triển.
Hòn ngọc Bảo Ninh trên đường phát triển.

Đảng bộ xã Bảo Ninh có 13 chi bộ, 284 đảng viên, nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, tiêu biểu với 75% chi bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh, không có chi bộ yếu kém. Năm 2014, Bảo Ninh cán đích xây dựng nông thôn mới trước thời gian dự kiến một năm. Từ trong thực tiễn xây dựng nông thôn mới có thể thấy rõ ba hướng phát triển kinh tế mạnh giúp xã luôn là điểm sáng của thành phố Đồng Hới: kinh tế biển, dịch vụ du lịch và nông nghiệp sạch.

Về kinh tế biển và các loại hình dịch vụ đi kèm, Bảo Ninh có một đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu gồm 395 chiếc, tổng công suất 50.841 CV, giá trị tài sản ước tính 1.000 tỷ đồng. Sản lượng khai thác năm 2014 đạt 8.370 tấn; thu nhập bình quân hàng tháng 3 đến 5 triệu/người.

Dịch vụ du lịch và thương mại được Đảng bộ, chính quyền xã Bảo Ninh ưu tiên phát triển; các ngành nghề dịch vụ đa dạng, mở rộng về quy mô. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí phong phú về loại hình, chất lượng ngày càng nâng cao. Hoạt động khôi phục và phát huy những lễ hội văn hóa truyền thống đổi mới nên thu hút khách du lịch đến tham quan ngày càng đông.

Về nông nghiệp, Bảo Ninh ưu tiên xây dựng diện tích trồng rau an toàn tại thôn Cửa Phú theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 6ha. Sản lượng thu hoạch hàng năm đạt 600 tấn cung cấp nguồn rau an toàn cho thành phố Đồng Hới và các vùng phụ cận.

Được sự quan tâm từ tỉnh và thành phố cùng nội lực của địa phương, huy động các nguồn lực theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm nên Bảo Ninh thực hiện tốt các đề án xã hội hóa. Hệ thống đường giao thông bê tông khang trang, chiều dài trên 8.225m; hệ thống điện chiếu sáng trong khu dân cư được đầu tư xây dựng 10.330m; giáo dục, y tế, văn hóa xã hội ngày càng khởi sắc. 60% nhà dân kiên cố hóa hai tầng trở lên; thu nhập bình quân đầu người gần 25 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,7%.

Đã qua thời “cách sông lụy đò”, rồi đây cầu Nhật Lệ II hoàn thành sẽ tạo thêm đà cho Bảo Ninh cất cánh. Bảo Ninh hôm nay thực sự trở thành hòn ngọc sáng bên bờ sông Nhật Lệ, đang mở lòng mình chờ đón những thời cơ và vận hội mới.

Ngô Thanh Long