.

Bà và mẹ- Hai "Bà Mẹ Việt Nam anh hùng"

Thứ Hai, 20/04/2015, 10:22 [GMT+7]
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: QBĐT)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: QBĐT)

(QBĐT) - Một ngày đầu tháng 4, anh Phạm Xuân Thái có thư mời một số bạn thân lên Mỹ Thủy quê anh chung vui cùng gia đình đón nhận vinh dự Nhà nước truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho bà nội và mẹ anh.

Một gia đình, hai thế hệ người mẹ có những người chồng, người con hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thật đáng tự hào. Vì phải đi xa, không đến được, nghe anh kể xin được viết lại như thắp một nén hương tri ân của thế hệ con cháu đối với những Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Như mọi vùng quê Lệ Thủy, Mỹ Trạch (nay là Mỹ Thủy) là một vùng đất có chiều dày lịch sử. Nơi đây, “vô song phúc địa” xưa có chùa Kính Thiên sau được vua Minh Mạng đổi tên thành Hoằng Phúc, người dân hai sương một nắng, trông nhờ củ khoai hạt lúa nuôi lớn các thế hệ con cháu.

Cách mạng tháng Tám thành công, dân làng bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới nhưng chưa được bao lâu thực dân Pháp trở lại Quảng Bình, vùng đất Mỹ Trạch phải chịu nhiều mất mát hy sinh. Bom đạn giặc nhiều lần đốt phá xóm làng. Đặc biệt, ngày 29 tháng 11 năm 1947 thực dân Pháp gây ra vụ thảm sát tàn khốc giết hại 310 người dân vô tội chỉ vì không chịu hô “Đả đảo Việt Minh”, không quy thuận chính quyền thực dân và bọn tay sai bán nước, một lòng hướng theo cách mạng. 

Bà Hà Thị Cảnh chồng mất sớm, một mình tần tảo nuôi lớn các con. Ông con cả Phạm Tăng lớn lên tại quê nhà xây dựng gia đình cùng bà Hồ Thị Giót hăng hái tham gia các hoạt động trong những ngày Cách mạng Tháng Tám. Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền cách mạng ông cùng với bạn bè cùng trang lứa tích cực tham gia phong trào diệt “giặc dốt”, “giặc đói” và đi vận động nhân dân tham gia đóng góp tiền của xây dựng Quỹ độc lập hưởng ứng “tuần lễ vàng”, “tuần lễ đồng” do chính quyền cách mạng phát động.

Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, nhân dân Mỹ Trạch một lần nữa cùng nhân cả tỉnh cả huyện lại đứng lên chống giặc ngoại xâm. Bị chỉ điểm ông và một số đồng chí hoạt động trước đây bị thực dân Pháp bắt và bắn chết tại cánh đồng làng Mỹ Hà. Ông Phạm Tăng được truy tặng liệt sĩ. Ông Phạm Lũy, con thứ năm của bà học xong trung học, năm 1947 xin tòng quân đánh giặc.

Cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh trên chiến trường Bình Trị Thiên, trong những ngày tháng 5 năm 1950, trung đoàn 18 được Bộ chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức lực lượng, chuẩn bị thế trận ở làng Xuân Bồ để chống lại chiến dịch càn quét của địch ở vùng trọng điểm lúa Lệ Thủy. Được về chiến đấu trên đất quê hương, chính trị viên đại đội 2, tiểu đoàn 247 Phạm Lũy không khỏi bồi hồi xúc động.

Chiều ngày 19 tháng 5 đơn vị qua làng, ông cùng các đồng chí trong đại đội ghé thăm nhà. Bà Cảnh vui mừng khôn tả, thịt ngay hai con lợn béo trong chuồng khao quân. 5 giờ chiều các anh đến, 7 giờ tối các anh đi khẩn trương chuẩn bị cho trận đánh. Sáng ngày 20 tháng 5 năm 1950 một chiếc máy bay Đakôta lượn quanh làng Mỹ Trạch chỉ điểm cho đại bác ở căn cứ Hòa Luật Nam bắn vào phía tây làng. 9 giờ 10 phút khi phát hiện địch vào làng Thạch Xá, đại đội Phạm Lũy cùng tiểu đoàn 247 nhanh chóng vượt sông Kiến Giang qua làng Xuân Bồ đánh địch.

Cuộc chiến đấu của tiểu đoàn 247 và tiểu đoàn 436  của trung đoàn 18 phối hợp với bộ đội, dân quân địa phương diễn ra ác liệt 4 đợt, suốt 13 tiếng đồng hồ. Bộ đội ta chiến đấu ngoan cường, đánh giáp mặt trong lúc địch đông gấp bội, tiêu biểu là gương chiến đấu dũng cảm của anh hùng liệt sĩ Lâm Úy. Kết thúc trận đánh bộ đội ta tiêu diệt 200 tên, bắn bị thương 300 tên, bắt 4 tù binh của binh đoàn Sfahy và tiểu đoàn ứng chiến sừng sỏ của quân đội viễn chinh Pháp. 86 người lính quả cảm của trung đoàn anh dũng hy sinh, trong đó chính trị viên Phạm Lũy để cho dòng Kiến Giang mãi mãi ngân vang lời ca năm tháng: “Hoan hô chiến thắng Xuân Bồ/ 500 giặc Pháp không mồ vùi thây”. 

Con dâu của bà Hà Thị Cảnh là bà Hồ Thị Giót vợ của liệt sĩ Phạm Tăng hy sinh năm 1947 một mình vò võ nuôi các con khôn lớn. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, quê hương giải phóng, 10 năm xây dựng, vùng đất Mỹ Trạch đổi thay từng ngày, dân làng cơm no áo ấm, con cháu được học hành. Nhưng giặc Mỹ thua đau ở chiến trường miền Nam tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, bà Giót lại tiễn đưa người con trai Phạm Thắng Lợi, học sinh Trường cấp ba Lệ Thủy vừa tròn tuổi 20 lên đường đánh giặc. Bốn năm lăn lộn trên chiến trường Trị Thiên, Phạm Thắng Lợi hy sinh trong cuộc tổng tấn công xuân - hè năm 1968 tại mặt trận B5. Anh nằm lại Nghĩa trang Trường Sơn với hơn 10.000 đồng đội. Nhớ con tóc mẹ bạc trắng hoa lau, thương đứa con đi mãi không về...

...Kể chuyện tôi nghe về hai bà mẹ Việt Nam anh hùng của làng quê Mỹ Thủy, kỹ sư Phạm Xuân Thái, nguyên là Phó giám đốc sở Thủy Lợi Quảng Bình nay là giám đốc Công ty xây dựng tổng hợp Đại Phong đang khá bận rộn với công việc kinh doanh và những dự án tâm huyết cho những người có thu nhập thấp nhưng vẫn không quên di nguyện của bà nội để lại. Anh nói : “Khi bà tôi còn sống vẫn ao ước gặp lại đồng đội của chú Lũy tôi ở trung đoàn 18 khi đến thăm bà chiều ngày 19 tháng 5 năm xưa. Nếu bà mất, cháu cố gắng tìm lại gửi lời thăm hỏi của bà đến các chú”.

Ôi tấm lòng của mẹ-nghe như ngân nga câu hát “trọn tình nước non mẹ Việt Nam anh hùng. Tự hào chúng con có mẹ Việt Nam anh hùng”.

Phan Viết Dũng