.

Hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ

Thứ Hai, 18/05/2015, 07:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Cứ mỗi dịp tháng 5 về, lòng tôi lại náo nức nhớ về hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Tôi quê ở Xóm Câu, khu phố Đồng Hải, nay là phường Hải Đình, thành phố Đồng Hới. Tôi sinh ra và lớn lên bên bờ sông Nhật Lệ, trong một gia đình dân chài lưới. Hạnh phúc lớn lao biết bao, tôi vinh dự và may mắn được gặp Bác Hồ hai lần.

Tháng 6 năm 1957, tôi vinh dự được gặp Bác trong dịp Bác vào thăm Quảng Bình. Lúc đó, tôi đang tuổi 13, 14 quàng khăn đỏ, được chọn là một trong năm đội viên thiếu niên xuất sắc của thị xã Đồng Hới (nay là thành phố Đồng Hới), đại diện cho lớp măng non toàn tỉnh lên tặng hoa Bác Hồ và các bác trong đoàn đại biểu Trung ương Đảng và Chính phủ vào thăm Quảng Bình. Xúng xính trong những bộ áo quần mới đồng phục, tay ôm những bó hoa tươi, bên cạnh chị Tám phụ trách, lòng chúng tôi rộn rã những niềm vui khôn xiết.

Khi Bác Hồ và các bác, các chú đại biểu bước lên lễ đài, đoàn thiếu niên tặng hoa chúng tôi tung tăng chạy ào lên như bầy chim non ríu rít. Thấp bé hơn các bạn cùng lứa, tôi thoăn thoắt chạy lên phía trước, giữa lúc cả biển người ở sân vận động hò vang "Bác Hồ muôn năm!", "Bác Hồ muôn năm!".

Bác đây rồi! Bộ áo quần ka-ki vàng giản dị, đôi mắt Bác ngời sáng, chòm râu Bác rung rung... Tôi dừng lại trước Bác, đứng nghiêm, giơ tay chào theo nghi thức của Đội và tặng hoa Bác. Thật sung sướng biết bao, Bác mỉm cười đôn hậu, giơ tay chào, nhận hoa và cúi xuống ôm hôn tôi, như người ông hiền từ vỗ về cháu gái. Tôi dướn lên, ôm chặt Bác, như đứa cháu được cưng nhất đời.

Các bạn khác được phân công, cũng đã tặng hoa cho các bác, các chú đại biểu. Sau lễ tặng hoa, tôi và các bạn được đứng cạnh Bác và các bác, các chú đại biểu. Cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh đón mừng Bác kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Đó cũng là thời gian vàng ngọc, tuổi nhỏ chúng tôi được ngắm nhìn thỏa thích Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta.

... Ngỡ rằng, lần gặp Bác của tuổi thơ đó, là hạnh phúc may mắn duy nhất của cuộc đời; thì có ngờ đâu năm 1966, tôi lại vinh dự được gặp Bác lần thứ hai ở giữa thủ đô Hà Nội. Dạo ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt.

Từ một bé gái năm nào, tôi đã lớn lên, trở thành người "chiến sĩ" trên mặt trận văn nghệ tỉnh nhà. Là diễn viên của Đoàn văn công Quảng Bình, chúng tôi lăn lộn ở hầu khắp cơ sở, mang "Tiếng hát át tiếng bom" phục vụ bà con nhân dân và các chiến sĩ. Tháng 3 năm 1966, hai mươi anh chị em diễn viên chúng tôi được chọn từ hai đội xung kích đang biểu diễn ở miền tây Lệ Thủy và Bố Trạch, theo lệnh tập kết ở xã Cự Nẫm để lên đường ra Hà Nội biểu diễn phục vụ Trung ương.

Ước mơ được biểu diễn phục vụ Bác Hồ và Trung ương đã giúp chúng tôi phấn chấn vượt nhanh qua đoạn đường gian truân vất vả. Đến Thủ đô, được Bộ Văn hóa chăm sóc và chỉ đạo, đoàn chúng tôi bắt tay luyện tập ở Câu lạc bộ Thống Nhất, bên hồ Hoàn Kiếm, dàn dựng nâng cao các tiết mục đã một thời phục vụ bà con quê hương ở tuyến lửa. Rồi ngày 1-5-1966 chờ mong được biểu diễn phục vụ Bác đã tới, làm chúng tôi vừa náo nức, vừa hồi hộp, lo âu... Đoàn xe bảy chiếc đón anh chị em chúng tôi. Qua quảng trường Ba Đình, vượt mấy vọng gác, xe chúng tôi vào thẳng Phủ Chủ tịch.

Được một đồng chí cán bộ trong Phủ Chủ tịch đón và hướng dẫn cụ thể, anh chị em bước vào phòng lớn, 4 mặt có 4 tấm gương to, giữa có tấm thảm hoa, sẽ là "sân khấu" của đêm biểu diễn. Phòng bên là nơi hóa trang. Không đợi đồng chí trưởng đoàn nhắc nhở, sẵn tác phong xung kích của một đoàn văn công địa phương ở tuyến lửa, chúng tôi ai cũng hóa trang rất nhanh. Đang hóa trang thì bất ngờ, một đồng chí phục vụ báo tin vui: - Các đồng chí chuẩn bị đón Bác!

Ôi, được Bác đến thăm, ai cũng vội dừng tay, lòng dạ khấp khởi, thấp thỏm. Phòng lớn phía ngoài có tiếng vỗ tay, và chiếc màn che cửa phòng hóa trang khẽ động. Bác Hồ hiện ra như tiên ông, vầng trán cao, da dẻ hồng hào, hiền dịu trong bộ áo quần ba ba lụa nâu, chân đi dép lốp giản dị. Cả hai mươi diễn viên chúng tôi cùng ào tới, reo lên sung sướng: "Bác! Bác!". Nhìn những đứa con từ tuyến lửa bom đạn xa xôi, đang giàn dụa nước mắt, Bác cũng nghẹn ngào hồi lâu. Bác ngắm nhìn từng cháu gái chúng tôi, động viên:

- Các cháu đừng khóc. Phải cố gắng lên. Đoàn của các cháu ra đây, diễn phục vụ Bác và các chú trong Bộ Chính trị!

Rồi Bác hỏi thăm chị Nam Kỷ bị ốm ngày hôm trước, Bác hỏi chuyện hoạt động của đoàn và nhất là hỏi cụ thể về phương tiện dụng cụ ra sao... Sau khi nghe đồng chí trưởng đoàn Nguyễn Ái Học báo cáo rành rọt, Bác hứa sẽ chỉ thị cho Tỉnh ủy Quảng Bình cung cấp đầy đủ xe đạp cho các diễn viên đi biểu diễn. Phút chuyện trò gặp gỡ của Bác quá ngắn ngủi mà sao chan chứa sự chăm sóc ân tình của Bác, của Đảng đối với người làm công tác văn nghệ chúng tôi. Giá như thời gian được kéo dài để nghe Bác dạy bảo...

Nhưng giờ đã hết, Bác vẫy tay động viên và bước ra. Đúng 19 giờ rưỡi, buổi biểu diễn bắt đầu. Ôi, có vinh dự nào hơn, Bác là người giới thiệu mở đầu cho đêm diễn của Đoàn Văn công quê hương. Giọng Bác ấm áp, âm vang:

- Tối nay, Đoàn Văn công Quảng Bình của Bác biểu diễn phục vụ các đồng chí trong Bộ Chính trị. Mở đầu là bài hát "Quảng Bình quê ta ơi" do các cháu gái biểu diễn!...

Tốp gái, bảy chị em chúng tôi kéo nhau ra "sân khấu" giữa lúc tiếng vỗ tay hoan hô rào rào. Sân khấu và người xem chỉ mấy bước chân. Được nhìn Bác, nhìn các đồng chí lãnh đạo, tự nhiên nước mắt của chị em cứ ứa trào, nghẹn ngào. Đã ba lần, các anh nhạc công dạo nhạc, mà chị em chúng tôi không sao cất được lời ca.

Mãi đến lần cuối, chị em nhìn nhau động viên, lấy lại bình tĩnh, cùng chung cất cao lời ca của tiếng hát quê hương. Bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân có đến 3 lời ca, nhưng chị em chỉ hát được một lượt, rồi sụt sùi kết thúc. "Thất bại" của tiết mục mở đầu như một phong cách riêng và một nét duyên đáng yêu của đoàn văn công quê hương, đã làm cho đêm diễn hòa quyện sự chan hòa, gần gũi, cảm thông với những tình cảm lắng đọng xao xuyến... Nhưng Bác linh hoạt, phá tan không khí trầm xuống:

- Đây là bài hát của quê hương chú Giáp. Bác mời chú Giáp lên tặng hoa cho các cháu!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên tặng hoa chúng tôi. Ông cài từng đóa hồng thơm lên mái tóc xanh mỗi chị em. Thế là giây phút ngỡ ngàng sụt sùi xúc động được xóa nhanh. Chương trình biểu diễn được tiếp tục.
Đêm diễn sôi động, nồng ấm hương sắc quê hương chiến đấu với những ca khúc hào hùng, những vè "Mẹ Suốt", tấu "chị em pháo binh Ngư Thủy", ca Huế "Lòng son dâng Bác", những hoạt cảnh, kịch ngắn "Bà mẹ sông Gianh"... Cứ xong một tiết mục, Bác lại cử tiếp các chú, các bác trong Bộ Chính trị, chuyện trò, tay bắt mặt mừng, mà nước mắt cứ rưng rưng. Bác vui vẻ, cởi mở:

- Các cháu diễn tốt. Hãy cố gắng nhiều hơn nữa để phục vụ bà con quê hương "hai giỏi".

Khen xong, Bác nhanh nhẹn bước lên trước, tay vẫy vẫy, nói to:

- Thôi, mời các chú trong Bộ Chính trị và Trung ương đứng vào đây chụp ảnh chung với các cháu để kỷ niệm!

... Cho đến hôm nay, đã mấy chục năm ròng trôi qua mà những hình ảnh của 2 lần được gặp Bác cứ in đậm trong tâm khảm tôi như vừa mới được hưởng hạnh phúc hôm qua, hôm kia. Tôi đã trân trọng gìn giữ từng tấm ảnh được chụp chung với Bác, coi đó là những kỷ vật thiêng liêng vô giá của cuộc đời mình...

Cẩm Mai kể (Kiều Giang ghi)