.

Nữ y tá trong bức ảnh "nhân văn bậc nhất cuộc kháng chiến chống Mỹ"

Thứ Sáu, 01/05/2015, 06:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng 1 năm 1966, trong khi băng bó vết thương cho đại úy phi công Mỹ Grap, nữ y tá Nguyễn Thị Luẫn (thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) hoàn toàn không hề biết hình ảnh của mình khi ấy đã được ống kính của một nhà báo đang tác nghiệp tại “tuyến lửa” Quảng Bình ghi lại. Xuất hiện nhiều trên các tạp chí trong và ngoài nước, bức ảnh người phụ nữ Việt Nam tận tình chăm sóc cho kẻ đi gieo tội ác đó thực sự là một thông điệp của lòng nhân đạo, nhân ái sâu sắc không phải dân tộc nào cũng có được.  

Lịch sử Đảng bộ huyện Bố Trạch tập II (1954 - 1975), trang 204, ghi lại: đầu năm 1966, khi trở lại đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ đã vấp phải sự đánh trả quyết liệt từ các lực lượng phòng không của ta. Tại Bố Trạch, máy bay Mỹ thay đổi chiến thuật đánh phá, sử dụng từng tốp từ 1 đến 3 chiếc bay bằng, bay cao trên tầm pháo cao xạ, đồng loạt cắt bom theo lối rải thảm. Tiếp đó, dùng nhiều tốp máy bay chia nhiều hướng, nhiều tầng đánh vào mục tiêu. Nhưng với thủ đoạn mới, kẻ địch vẫn không thoát khỏi lưới lửa phòng không của ta. Ngày 26 - 1- 1966, lập thành tích mừng Đảng, mừng xuân, quân và dân xã Sơn Trạch đã xuất sắc bắn rơi tại chỗ một máy bay F4H, bắt sống 1 phi công.

Grap (Grubb Wilmer Newlin) chính là tên của viên đại úy phi công lái chiếc F4H chỉ huy tốp máy bay đánh vào phà Xuân Sơn bị bắt sống, khi ấy đang bị thương với nguy cơ nhiễm trùng khá cao. Ngay lập tức, nữ y tá Nguyễn Thị Luẫn (thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) được điều đến cứu chữa. Hình ảnh nữ y tá đang băng bó vết thương cho kẻ đi gieo tội ác đó nhanh chóng được nhà báo Trọng Thanh, khi ấy đang tác nghiệp tại “tuyến lửa” Quảng Bình ghi lại. Bức ảnh đó sau này được ông đưa vào bộ ảnh “Quảng Bình hai giỏi trong đánh Mỹ” và được phát hành trong những năm 1967.

Đánh giá về giá trị bức ảnh, nhà báo Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã viết: “Hình ảnh cô dân quân băng bó vết thương cho tù binh Mỹ ngày 26-01-1966 là một trong những bức ảnh đẹp nhất, có ý nghĩa nhân văn nhất trong kháng chiến chống Mỹ”. Về sau bức ảnh này xuất hiện khá nhiều trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước và được dự luận quốc tế đánh giá rất cao. Tuy nhiên, nữ y tá Nguyễn Thị Luẫn, nhân vật trong chính bức ảnh ngày ấy lại chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của tư liệu vô cùng quý giá đó.

Nữ y tá Nguyễn Thị Luẫn đang băng bó vết thương cho đại úy phi công Mỹ Grap. (Ảnh do nhà báo Trọng Thanh chụp tháng 1 năm 1966).
Nữ y tá Nguyễn Thị Luẫn đang băng bó vết thương cho đại úy phi công Mỹ Grap. (Ảnh do nhà báo Trọng Thanh chụp tháng 1 năm 1966).

Theo thời gian, chiến tranh ác liệt, dồn dập cộng với kỹ thuật in ấn, phát hành hạn chế nên bộ ảnh “Quảng Bình hai giỏi trong đánh Mỹ” bị tách rời. Thông tin về cô y tá, về viên đại úy phi công bị bắt làm tù binh và thời điểm diễn ra sự kiện cũng theo đó mà thất lạc dần. Mãi đến năm 2004, ông Hồ Ngọc Diệp (tiểu khu 6, phường Đồng Sơn, Đồng Hới) trong lúc tìm tư liệu cho một bài viết đã vô tình phát hiện ra bức ảnh đang dần bị ố vàng trong hộc tài liệu cũ của một cơ quan văn hóa cấp huyện. Trăn trở về “số phận” của những con người, về những thông tin ẩn chứa đằng sau bức ảnh quý giá, ông cố công tìm tòi, đối chứng và đã xác định được nhân vật, tác giả, sự kiện sau 2 năm ròng tìm kiếm. “Lần đầu tiên nhìn thấy nữ y tá Nguyễn Thị Luẫn, tôi đã hét lên sung sướng và ôm chầm lấy chị bởi tôi biết chắc chị chính là nhân vật trong bức ảnh. Hai năm trời “mò kim đáy biển” đi tìm người trong ảnh, gương mặt và dáng người của nữ y tá ấy như ám ảnh tôi dù 40 năm qua có nhiều đổi khác”, - ông Hồ Ngọc Diệp chia sẻ.

Gặp lại cô y tá Nguyễn Thị Luẫn khi cả nước đang hân hoan chào đón kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dù thời xuân sắc đã qua, mái tóc đã không còn xanh như cái thuở đôi mươi xông pha dưới mưa bom bão đạn, nhưng nữ y tá Nguyễn Thị Luẫn vẫn say sưa kể về ngày của 50 năm trước ấy và lịch sử của những năm tháng hào hùng.  

Đó là giữa trưa mồng 6 Tết Bính Ngọ, một tốp máy bay Mỹ ồ ạt đánh phá bến phà Xuân Sơn. Pháo phòng không nổ dậy trời, một chiếc F4H của địch bị trúng đạn bốc cháy rồi đâm sầm xuống phía tây núi đá Phong Nha. Dân quân du kích bèn vượt sông Son, chia thành nhiều mũi, tiến lên núi vây bắt tên giặc lái đang rơi xuống cùng chiếc dù đỏ. Tên giặc lái Mỹ Grap (Grubb Wilmer Newlin) nhanh chóng được giải từ trên núi xuống mặt đất. Ống quần chân trái chỗ đầu gối của anh ta bị rách toạc, máu chảy đầm đìa, có lẽ là bị thương do va chạm với cây cối, đá núi trong khi rơi xuống. Ngay lập tức, công tác cứu chữa cho tù binh được triển khai, nữ y tá Nguyễn Thị Luẫn được điều lên chăm sóc cho Grap. Nghĩ đến những mái nhà xơ xác, khét lẹt mùi bom đạn; những cái đầu nhỏ chít khăn tang trắng vì bom Mỹ đã giết hại người thân, lòng nữ y tá Nguyễn Thị Luẫn rực lửa căm hờn. Nhưng rồi với bản tính nhân đạo của người Việt Nam “lấy chí nhân để thay cường bạo”, chị đã bình tĩnh, kiềm chế, nhẹ nhàng lau từng vết máu cho Grap, sát trùng vết thương và tiêm thuốc giảm đau cho Grap trong điều kiện thuốc men khi ấy rất hiếm hoi. Grap sau đó được chuyển về Hà Nội, về Mỹ theo chế độ trao trả tù binh.

Sau chiến công cứu chữa tù binh, bà Nguyễn Thị Luẫn cùng ông Nguyễn Văn Khuyên khi ấy là đại đội trưởng dân quân đã được Huyện đội trao giấy khen. Tình yêu của họ nhờ đó cũng đơm hoa từ trong mưa bom bão đạn. Họ tiếp tục góp sức mình vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc. Ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Đường 9 - Khe Sanh (Quảng Trị), bà ở hậu phương tần tảo việc nhà việc nước cho đến ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Những tấm bằng khen, huân huy chương chính là sự ghi nhận của đất nước đối với những đóng góp của vợ chồng ông bà.

Nay đã bước sang tuổi 65, hạnh phúc của bà Nguyễn Thị Luẫn bây giờ chính là được vui vầy cùng con cháu, sớm hôm chăm sóc mảnh vườn nhỏ. Ánh mắt lấp lánh niềm vui, bà Luẫn hồ hởi cho biết: Giữa năm 2013, cháu ngoại của phi công Grap đã tìm đến thăm vợ chồng bà và tỏ lời biết ơn sâu sắc đối với ân nhân ngày xưa đã cứu chữa cho ông mình. Họ ngỏ ý muốn được một lần đưa bà đến thăm nước Mỹ xa xôi. Với bà, đó là niềm vui bình dị nhưng không kém phần đặc biệt bởi từ nay, bà có thêm những người bạn mới, những người bạn mà 40 năm về trước đã từng đứng ở bên kia chiến tuyến.

TH. H