.

Tết mừng thọ ở Thọ Linh

Thứ Năm, 19/02/2015, 13:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Dù không bà con thân thích gì, nhưng cứ vào ngày 4 Tết hàng năm, người dân làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) lại nhộn nhịp đổ về các gia đình có người già trên 70 tuổi trong làng để mừng thọ các cụ. Người Thọ Linh coi đó như là nét đẹp riêng biệt của làng mình để ngày càng thắt chặt thêm mối quan hệ tình làng nghĩa xóm với nhau.

Không mời cũng đến chúc thọ

Thọ Linh là tên gọi chung của 5 thôn gồm Linh Cận Sơn, Hà Sơn, Bắc Sơn, Trung Thượng và Linh Sơn. Gần chục năm lại đây, để dễ quản lý, chính quyền địa phương đã tách làng Thọ Linh thành 5 thôn. Tuy tách ra về địa giới hành chính, nhưng người dân 5 thôn này vẫn giữ chung một truyền thống văn hóa mà chỉ có người làng Thọ Linh mới có, đó là văn hóa trọng lão.

Chúng tôi có dịp trở lại làng Thọ Linh vào những ngày cuối năm. Thọ Linh bây giờ đã khác một năm về trước khi trận lốc xoáy lịch sử quét qua. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên, con đường bùn đất lầy lội đã được bê tông hóa. Làng Thọ Linh như khoác lên mình tấm áo mới sạch đẹp và khang trang hơn. Nhấp ngụm chè xanh thơm ngát, ông Trần Ngọc Giới, Trưởng thôn Linh Cận Sơn kể làng Thọ Linh ngày xưa, người ngoài 40 tuổi đã được trong làng, trong họ quý như lão ông. Vì thế, mỗi khi có dịp hội hè đình đám, các cụ lão đều được ngồi mâm trên. Phong tục trọng lão ấy đến bây giờ vẫn được gìn giữ. Đó chính là lý do để người làng tổ chức riêng một ngày mừng thọ chung cho tất cả các cụ trên 70 tuổi trong làng. Ông Giới nói, phong tục mừng thọ ngày tết ở làng Thọ Linh đã ra đời từ rất lâu rồi. Khi chiến tranh xảy ra, cuộc sống của người dân quá nghèo đói nên việc mừng thọ cũng mai một dần. Đến khi hình thành hợp tác xã thì phong tục mừng thọ các cụ cao tuổi cũng đã được khôi phục trở lại và tồn tại cho đến ngày nay.

Hai vợ chồng cụ Phan Văn Điền rất vui trong ngày được cả làng đến mừng thọ.
Hai vợ chồng cụ Phan Văn Điền rất vui trong ngày được cả làng đến mừng thọ.

Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi biết đến phong tục mừng thọ ngày tết ở làng Thọ Linh. Vào ngày mồng 4 Tết năm ngoái, chúng tôi có dịp về thôn Linh Cận Sơn để tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân nơi đây. Tiếp chuyện chúng tôi được một lúc thì chị Trần Ngọc Lĩnh ở thôn Linh Cận Sơn tỏ ra khá sốt ruột. Hỏi ra mới biết hôm nay là ngày lễ mừng thọ nên chị phải đi chúc thọ các cụ cao tuổi trong làng. Thấy chúng tôi tò mò, chị Lĩnh chỉ nói đơn giản: “Đây là ngày mà cả làng cả xóm đi chúc thọ các cụ cao tuổi trong làng. Muốn biết rõ hơn thì đi theo tôi”. Theo chân chị đến dự lễ mừng thọ cụ Phan Văn Điền ở thôn Linh Cận Sơn, chúng tôi vừa ra đến đầu làng thì bắt gặp hai mẹ con chị Trần Thị Hoa ở thôn Linh Sơn đang hớt hải đạp xe, chị Hoa nói cũng đang tranh thủ để kịp đến chúc thọ cụ Điền và một số cụ khác trong làng kẻo muộn. Lúc chúng tôi đến thì nhà cụ đã đầy ắp người, ai cũng cười nói vui vẻ. Một chiếc rạp nhỏ được dựng trước sân, bên chiếc bàn gỗ chỉ với một số dĩa thức ăn, ít hoa quả, vài chai rượu là mọi người lại quây quần cùng nhau vui vẻ trò chuyện và nâng ly rượu quê để chúc thọ cụ. Rời nhà cụ Điền, chị Lĩnh lại đưa chúng tôi đến chúc thọ các cụ cao tuổi khác trong làng.  

Người làng Thọ Linh coi tục mừng thọ như nét đẹp riêng của mình nên duy trì rất đều đặn. Tùy điều kiện cuộc sống từng thời điểm, người làng tổ chức mừng thọ cho các cụ theo những cách khác nhau. “Khi nghèo người làng đi chúc thọ theo kiểu nghèo. Đến khi có điều kiện hơn một chút thì người dân lại càng coi trọng việc này. Tất cả cũng để giữ cái tình cái nghĩa trong cuộc sống hàng ngày với nhau”, ông Giới nói. Ông kể tiếp, trước đây, tục mừng thọ cho người già trong làng rất đơn giản, mộc mạc. Như thế hệ bố mẹ ông, việc mừng thọ chỉ đơn giản là đến ngày mồng 4 Tết Nguyên đán cả làng kéo đến nhà các cụ già trong làng thăm và chúc mừng. Người có thì mang theo chai rượu, quả trứng. Người không có thì đi tay không. Chỉ cần có mặt đông đủ là các cụ đã thấy vui lắm rồi.

Niềm vui cuối đời

Đối với những cụ già ở Thọ Linh, được cả làng cả xóm quan tâm và đến chúc mừng vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán hàng năm là một niềm vui lớn. Nên khỏi phải nói các cụ mong chờ háo hức đến nhường nào. Cụ Trần Ngọc Mĩnh ở thôn Linh Cận Sơn năm nay 75 tuổi. Theo thông lệ, người làng sẽ đến chúc thọ những người già từ  70 tuổi trở lên và cứ đến tuổi chẵn 5 năm một lần sẽ tổ chức mừng thọ. Theo ông Giới, phía thôn cũng có ít nhiều vai trò trong việc duy trì tập tục này. Đó là việc trước Tết, lãnh đạo thôn sẽ đi thống kê lại trong thôn mình có bao nhiêu cụ năm nay ở các mốc tuổi 70, 75, 80, 85, 90. Sau đó thôn sẽ thông báo số người để người làng biết ai đến hạn tuổi mà đến chúc thọ. Tuy nhiên, việc “nhắc nhở” này chỉ mang tính tương đối. Bởi hầu như người làng đã tự biết được năm nay đến tuổi mừng thọ ai để đi chúc. Vào ngày mừng thọ các cụ, làng như mở hội.

Ngoài việc đến chúc mừng, người dân làng Thọ Linh còn tặng quà cho các cụ được mừng thọ.
Ngoài việc đến chúc mừng, người dân làng Thọ Linh còn tặng quà cho các cụ được mừng thọ.

Cụ Mĩnh năm nay sẽ được cả làng mừng thọ lần hai nên rất háo hức. Còn nhiều ngày nữa mới Tết nhưng mấy hôm nay cụ Mĩnh đã dặn dò con cháu chuẩn bị sẵn nhiều thứ để đón người làng đến thọ mình. “Không thể không háo hức được khi mà chừng này tuổi rồi còn được cả làng quan tâm như rứa”, cụ Mĩnh vui vẻ nói. Cụ được tổ chức mừng thọ lần đầu tiên là vào năm 70 tuổi. Nhớ về Tết Nguyên đán cách đây 5 năm trước, cụ Mĩnh cười móm mém: “Tui làm mấy mâm cỗ. Người làng đến chúc mừng thì tui mời họ uống chén rượu chia vui. Tui chúc lại họ năm mới bình an luôn thể. Nhờ rứa mà tự nhiên tình cảm làng xóm gắn bó hẳn”. Dịp Tết mừng thọ quan trọng đối với người làng Thọ Linh đến mức như một quy định bất thành văn, rằng bất kể ai đang ở đâu, làm gì cũng đều phải thu xếp để về dự. Cụ Mĩnh có một người con trai là anh Trần Quốc Thiện đang làm việc ở tận nước Nga hơn chục năm nay. Điều kiện xa xôi cách trở, nhiều năm liền anh  Thiện không thể về ăn Tết cùng gia đình được. Nhưng đến năm cụ Mĩnh 70 tuổi, tức là năm đến tuổi được tổ chức lễ mừng thọ, anh Thiện đặt vé máy bay bay thẳng từ Nga về đúng mồng 4 Tết. Xong lễ, anh lại tất tả lên máy bay trở lại Nga để tiếp tục công việc.

Lễ mừng thọ hàng năm cũng là dịp để các cụ cảm thấy mình vẫn được mọi người quan tâm và sẽ không còn thấy cô đơn khi tuổi đã xế chiều. Cụ Điền kể, trước đây, khi còn khỏe thì có thể làm việc và đi đây đi đó gặp gỡ bạn bè, nhiều lúc thấy nhớ con nhớ cháu cũng có thể đi thăm. Nhưng khi về già thì chỉ có thể quanh quẩn trong nhà không đi đâu được, nhiều lúc nhớ con cháu, nhớ bà con lối xóm cũng đành chịu. “Dù đã 3 lần được tổ chức mừng thọ nhưng tui vẫn luôn háo hức và hồi hộp như mới lần đầu. Cứ nghĩ đến lúc được gặp mặt đông đủ con cháu và được chung vui cùng bà con lối xóm là tui lại trông thật mau đến ngày mừng thọ”, cụ Điền nói. Theo như lời của ông Giới thì ở làng Thọ Linh, đi kèm với tục chúc thọ truyền thống thì người làng luôn gửi tặng một món quà nhỏ cho các cụ. Người thì xấp vải, người thì năm ba chục ngàn tặng các cụ mua quà bánh. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều cụ được con cháu tổ chức mừng thọ nhưng lại từ chối nhận tiền mừng. Họ coi lễ mừng thọ như là niềm vui, là liều thuốc tinh thần quý báu khi tuổi đã xế chiều. “Nhiều cụ kể chỉ cần thấy người làng không quên mình, đến với mình đông đủ là hơn tất cả những giá trị vật chất rồi”, ông Giới cho biết.

Khi cơn lốc đô thị hóa đã lan về các làng quê, tình làng nghĩa xóm cũng theo đó mà nhạt dần, nhưng với những người dân lam lũ ở làng Thọ Linh thì chỉ cần một nghĩa cử giản đơn cũng có thể kéo mọi người lại gần với nhau, làm cho tình làng nghĩa xóm thêm thắm thiết và bền chặt.

Lan Chi