Tìm về dấu tích Trường Sa cát lũy
(QBĐT) - Sau một cuộc hành trình dài để tìm trong lớp bụi thời gian những dấu tích còn lại của lũy Trường Sa (hay còn gọi là Trường Sa cát lũy)-Di tích lịch sử có từ thế kỷ XVII, chúng tôi mới cảm nhận hết giá trị lịch sử của những di sản văn hóa do cha ông để lại. Không chỉ tạo thành một hệ thống phòng thủ vững chắc của Đàng Trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, lũy Trường Sa còn có tác dụng ngăn bão và gió cho ngư dân bãi ngang, hạn chế cát bay lấn ruộng, góp phần ổn định địa hình ven biển lúc bấy giờ.
Bia di tích lịch sử quốc gia lũy Trường Sa ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh. |
Một ngày giữa tháng tư lịch sử, chúng tôi đã thực hiện một cuộc thực địa về vùng biển xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới để tìm lại những dấu tích của lũy Trường Sa, là một trong bốn lũy chính của hệ thống lũy Thầy (hay còn gọi là lũy Đào Duy Từ) ở Đồng Hới.
Hòa lẫn trong sức sống rộn ràng của người dân nơi đây, sự đổi thay diệu kỳ của cảnh quan biển trời sông nước, chúng tôi vẫn tìm thấy một vài dấu tích còn lại của lũy Trường Sa. Dẫu rất khó để hình dung được chiều dài của lũy (theo một số tài liệu, sử sách ghi lại là 7 km) bởi quá trình đô thị hóa, nhưng qua khảo sát thực địa, chúng tôi được biết ngoài chiều dài của lũy còn có những lũy ngang từ bờ biển Nhật Lệ, cắt địa hình (xã Bảo Ninh ngày nay) ra nhiều đoạn.
Dấu vết các lũy ngang trên vùng biển Bảo Ninh thường gặp bây giờ là ở làng Sa Động và làng Mỹ Cảnh. Ở đây xưa kia có đồn Sa Chùy (còn gọi là Mũi Dùi) và đồn Sa Phụ. Đồn Sa Chùy ở ngay cửa biển Nhật Lệ, chỗ đồi 10,9 m hiện nay ở gần cuối thôn Mỹ Cảnh. Đồn Sa Phụ ở ngay ngọn đồi trước mặt trụ sở UBND xã Bảo Ninh (thôn Sa Động) bây giờ. Trước chiến tranh chống Mỹ, ở đây người dân vùng biển Bảo Ninh còn thấy một đồi đất sét nằm trong lòng cát.
Đồng hành chuyến thực địa với chúng tôi là ông Trần Lùm, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi xã Bảo Ninh và ông Nguyễn Mạnh Điền, 77 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin, UBND thành phố Đồng Hới. Bằng tất cả sự nhiệt tình và hiếu khách của người dân bản địa, vừa điền dã, 2 ông vừa tranh thủ trao đổi, trò chuyện với chúng tôi những thông tin, kiến thức vốn có của mình về di tích lịch sử lũy Trường Sa nói riêng và lũy Thầy nói chung.
Theo đó, lũy Thầy là tên gọi của cả hệ thống thành lũy phòng ngự từ thời chúa Nguyễn xây dựng lên để chống lại chúa Trịnh, giữ cửa Nhật Lệ và Động Hải. Danh từ lũy Thầy chính là do Đào Duy Từ, quân sư chúa Nguyễn hoạch định và tự thân chỉ huy công trình. Ông là một trong những vị công thần khai quốc, có công lớn trong việc giúp họ Nguyễn xây dựng vương triều Nguyễn ở Đàng Trong. Đào Duy Từ được các chúa Nguyễn gọi là Thầy, nên các thành lũy do ông hoặc tướng lĩnh sau ông xây dựng nên đều được nhân dân gọi là lũy Thầy để tỏ lòng tôn kính.
Hệ thống lũy Thầy nằm trong vùng địa lý từ phía Nam sông Dinh đến phá Hạc Hải thuộc trung tâm địa giới tỉnh Quảng Bình. Chiều dài vùng địa lý này không quá 30 km, chiều ngang nơi hẹp nhất không quá 3 km. Hệ thống lũy Thầy ở Đồng Hới gồm có 4 lũy chính gồm: lũy Trường Dục, lũy Nhật Lệ, lũy Trường Sa và lũy Trấn Ninh. 4 chiến lũy này đã tạo thành một hệ thống vững chắc của Đàng Trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, tạo nên trận đồ bát quái ngăn chặn, đẩy lùi hầu hết các cuộc tấn công của quân Trịnh.
Một trong những dấu tích của lũy Trường Sa tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh. |
Lũy Trường Sa được xây dựng năm 1633. Không chỉ có tác dụng về quân sự, lũy Trường Sa còn có tác dụng ngăn bão và gió cho ngư dân bãi ngang, hạn chế cát bay lấn ruộng, góp phần ổn định địa hình ven biển. Theo truyền tụng của nhân dân ven biển từ Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) đến Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), lũy Trường Sa do Nguyễn Hữu Dật xây dựng, khởi đầu từ cửa Nhật Lệ và chạy theo bờ biển đến vùng bãi ngang Hải Ninh, ngang chiều với hướng lũy Trường Dục ở mép ngoài phá Hạc Hải. Một vài tài liệu khác còn ghi lại vào năm 1633, khi chúa Trịnh sai Trấn thủ Nghệ An là Trịnh Tác đem thủy quân đóng đồn ở Kỳ La, Trịnh Đệ đóng đồn ở Bắc Bố Chính chuẩn bị cho cuộc tiến công vào cửa biển Nhật Lệ thì Chúa Nguyễn sai Nguyễn Mỹ Thắng và Nguyễn Hữu Dật đưa quân chống cự.
Ở phía Nam cửa Nhật Lệ, có một bãi cát rộng, nếu quân Trịnh đổ bộ ở bãi cát này để bọc ra lũy Động Hải thì quân Nguyễn bị bao vây giữa đạo quân thủy bộ của quân Trịnh. Từ thực địa của cuộc chiến, Nguyễn Hữu Dật đã chỉ đạo đắp ngay trên bãi cát ấy một lũy dài, gọi là lũy Trường Sa để bảo vệ lũy Động Hải. Ở khu vực giữa 2 lũy Trường Sa và Trường Dục có hệ thống đồn Dinh Mười tạo ra thế buộc đối phương phải chiến đấu trong vùng có đầm lầy Võ Xá mà quân Trịnh rất khiếp sợ.
Nhìn lại những dấu tích của lũy Trường Sa ngay chính trong khu nghỉ dưỡng cao cấp Sunspa Resort, thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh và được chứng kiến cảnh dân cư đông đúc, tàu thuyền chật bến, những hàng cây cao phòng hộ chống gió bão ngày nay, nhân dân vùng biển Bão Ninh nói riêng, Quảng Bình nói chung đều nhớ đến công ơn của Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật, những người đã đắp lũy xây thành để vừa ngăn được địch, vừa chống được thiên tai giúp mỗi một chúng ta có được những ngày bình an và hạnh phúc hôm nay.
Hiền Chi