.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình, 410 năm phát triển (1604 - 2014)

Thứ Hai, 14/04/2014, 07:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 1604, tên gọi "Quảng Bình" lần đầu tiên xuất hiện khi chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình, từ đó danh xưng Quảng Bình chính thức đi vào lịch sử.

3. Quảng Bình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Sau khi giành được thắng lợi, chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với những khó khăn chồng chất. Hậu quả của nạn đói đầu năm 1945 rất nghiêm trọng, tàn dư kinh tế, văn hoá, xã hội của chế độ cũ để lại rất nặng nề. Lực lượng vũ trang còn yếu, thiếu vũ khí, thiếu cán bộ quân sự... Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Quảng Bình phải đối mặt với ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Hàng vạn người thiếu ăn, hàng nghìn người phải đi tha hương cầu thực. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy", Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình quyết tâm xây dựng và bảo vệ chính quyền, giữ vững thành quả cách mạng vừa giành được. Nhân dân trong tỉnh đưa ra nhiều sáng kiến để cứu đói như lập hũ gạo cứu đói, ngày đồng tâm nhịn ăn, thành lập các đoàn cứu đói đi giúp đỡ nhân dân và lực lượng vũ trang...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã đứng lên khởi nghĩa thắng lợi giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật, thiết lập được nền độc lập tự do. Thế nhưng thực dân Pháp vẫn không từ bỏ dã tâm xâm chiếm trở lại nước ta. Ngày 23-9-1945, núp dưới bóng quân Anh, thực dân Pháp trở lại Sài Gòn, nổ súng tiến công mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, quân và dân Quảng Bình khẩn trương chuẩn bị kháng chiến chống quân xâm lược.

Ngày 27-3-1947, thực dân Pháp đánh chiếm Quảng Bình. Ngay từ trận đầu, khi quân Pháp mới đổ bộ lên bờ biển Nhật Lệ, chúng đã bị các chiến sĩ của đội quân Lê Trực, du kích thị xã Đồng Hới đánh trả quyết liệt. Lực lượng chiến đấu ở các nơi khác cũng đồng loạt nổ súng, hơn 20 ngày chiến đấu liên tục, lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ Quảng Bình đã tiêu diệt được 460 tên địch. 

Đầu năm 1948, thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng, phá thế liên hoàn của ta. Hầu khắp vùng đồng bằng ở Lệ Thủy, Quảng Ninh, thị xã Đồng Hới, phần lớn huyện Bố Trạch, một phần ba huyện Quảng Trạch và vùng địa đầu huyện Tuyên Hóa đã bị thực dân Pháp chiếm đóng, kiểm soát. Trước tình hình đó, nhân dân trong tỉnh đã lần lượt đánh tan các trận càn quét của Pháp ở Cự Nẫm, Cảnh Dương. Trận phục kích tiêu diệt địch của C2/D274 bộ đội địa phương Quảng Bình tại Tiên Lương (Quảng Trạch) ngày 10-8-1948 là trận mở đầu của chiến dịch Thu - Đông năm 1948 ở Quảng Bình. Đây là trận đánh đầu tiên ta tiêu diệt bọn đầu sỏ ngụy quyền cấp tỉnh, bắt được nhiều tù binh Pháp. Thắng lợi của trận đánh đã gây tâm lý hoang mang đối với hệ thống ngụy quân, ngụy quyền trong tỉnh, góp phần chặn đứng âm mưu của địch muốn chiếm bắc Quảng Bình làm bàn đạp tiến công Hà Tĩnh và các tỉnh phía bắc Liên khu IV.

Đầu năm 1949, phong trào chiến tranh du kích phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, hậu phương kháng chiến ngày càng được củng cố vững mạnh về mọi mặt. Trước tình hình phát triển mạnh mẽ của phong trào kháng chiến, tháng 5/1949, Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định phát động tuần lễ “tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công” và quyết định lấy ngày 15-7-1949 làm ngày "Quảng Bình quật khởi". Sau tuần lễ "Quảng Bình quật khởi", cuộc kháng chiến chống Pháp ở Quảng Bình đã bước sang một giai đoạn mới.

Ngày 15-7-1949, Đại đội 2 (Tiểu đoàn 274) cùng du kích xã Gia Ninh (Quảng Ninh) tiến công đồn Mỹ Trung mở màn cho đợt tấn công. Ngày 16-7-1949, nhân dân các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh cùng lực lượng vũ trang đồng loạt nổi dậy tấn công địch. Toàn bộ tháp canh của hương vệ, tổng vệ ở huyện Quảng Ninh bị quân và dân ta đốt cháy. Quân địch lâm vào thế "tiến thoái lưỡng nan", nằm án binh bất động.

Tại Bố Trạch, ngày 16-7-1949, du kích thôn Quy Đức (Hải Trạch) đánh chìm ghe đi tuần của địch đậu trước cửa đồn Lý Hòa. Ngày 18-7-1949, du kích Hoàn Lão giật bom, diệt 11 tên địch; 21 giờ cùng ngày, các vị trí địch ở Bố Trạch đều bị du kích quấy rối. Ngày 22-7-1949, du kích Cự Nẫm đột nhập vào sào huyệt của địch đốt cháy toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng và lương thực dự trữ của chúng.

Ở Quảng Trạch, dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng và sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, quần chúng nổi dậy đấu tranh, phá hoại giao thông nhằm ngăn cản bước tiến của địch, mở nhiều cuộc tập kích, quấy rối địch ở đồn Minh Lệ.

Tính đến cuối tháng 7-1949, lực lượng vũ trang tỉnh đã đánh 120 trận, diệt 40 tên Pháp, bắn bị thương 120 tên bao gồm cả Pháp và ngụy, phá hỏng 22 xe, 34 cầu cống, giải tán 225 hội tề...

Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến ở Quảng Bình tiếp tục giành được thắng lợi to lớn, đánh dấu bằng những chiến công vang dội của lực lượng vũ trang, như chiến thắng La Hà, Phù Trịch tháng 2/1950, chiến thắng Xuân Bồ tháng 5/1950...

Được sự giúp đỡ của bộ đội chủ lực, tháng 2/1952, lực lượng vũ trang Quảng Bình đã chủ động mở nhiều cuộc tiến công vào các vị trí quan trọng của địch trên phòng tuyến phía bắc, giải phóng Sen Bàng, Ba Đồn, Mỹ Hòa, mở rộng vùng tự do.

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh, căn cứ cách mạng được mở rộng ở vùng trung du, đồng bằng, thị xã. Với những chiến thắng liên tiếp nổ ra đã cổ vũ quân và dân Quảng Bình nêu cao khí thế cách mạng, tiếp tục đánh phá, bao vây các đồn bốt, cắt đứt đường giao thông tiếp tế, đập vỡ một mảng lớn hệ thống phòng ngự của địch, giải phóng hoàn toàn phần đất bị địch chiếm đóng ở Tuyên Hóa và một phần của huyện Quảng Trạch, tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân địch, giải phóng quê hương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quảng Bình là quê hương của phong trào xây dựng "làng chiến đấu". Những làng chiến đấu kiểu mẫu như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Hiển Lộc, Hưng Đạo đã trở thành điển hình tiêu biểu cho cả nước học tập.

Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

(Còn nữa)