.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình trong các thời kỳ đấu tranh giữ nước

Thứ Ba, 11/03/2014, 07:14 [GMT+7]

3. Mở rộng biên cương phía Nam dưới triều đại nhà Hồ

Sau khi Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất, Lê Quý Ly lập mưu xui Trần Thuận Tông đi tu nhường ngôi cho con là Thái Tử Án lên làm vua tức là Trần Thiếu Đế. Vua Trần Thiếu Đế mới 3 tuổi, mọi công việc triều chính đều do phụ chính Lê Quý Ly điều hành. Năm 1400, Lê Quý Ly  truất bỏ ông vua cuối cùng của triều Trần gọi là Trần Thiếu Đế (cháu ngoại của Lê Quý Ly) tự lên làm vua lập ra nhà Hồ, lấy quốc hiệu là Đại Ngu (sau khi truất ngôi của Trần Thiếu Đế, Lê Quý Ly đổi sang họ Hồ).

Vừa mới lên nắm chính quyền được 1 năm, nhân việc vua Chiêm thành là La Khải chết, con là Ba Đích Lại mới nối nghiệp, Hồ Quý Ly đã tiến hành cuộc chiến tranh đánh Chiêm thành. Năm Tân Tỵ (1401) Hồ Quý Ly sai tướng Đỗ Mãn chỉ huy quân thuỷ, Trần Tùng chỉ huy quân bộ đem 15 vạn binh tiến đánh Chiêm Thành. Bộ binh của Trần Tùng đi đường núi gặp phải nước lũ, hết lương an, không gặp được đội quân thuỷ tiếp ứng nên phải rút quân về nước.

Năm Nhâm Ngọ (1402) Hồ Hán Thương lại chuẩn bị cuộc tiến đánh Chiêm Thành lần thứ hai. Lần này Hồ Hán Thương cho đắp sửa đường sá từ Tây đô đến Hoá Châu, dọc đường đặt phố xá và trạm truyền thư để thuận lợi cho việc bộ binh hành quân. Tháng 7, Hồ Hán Thương thân chinh đưa quân đi đánh Chiêm Thành cùng với các tướng Đỗ Mãn làm Đô tướng, Nguyễn Vĩ làm Chiêu dụ sứ và Nguyễn Bằng Cử làm đồng chiêu dụ sứ. Trước thế mạnh của quân Hồ vua Chiêm là Ba Đích Lại lo sợ sai cậu là Bồ Điền xin dâng đất Chiêm Động (phủ Thăng Bình, Quảng Nam) để bãi binh Quý Ly bắt dâng thêm đất Cổ Luỹ (Quảng Ngãi) mới chịu rút quân. Sau khi đất Chiêm Động và Cổ Luỹ thuộc về Đại Việt nhà Hồ chia vùng đất ấy thành bốn châu là Châu Thăng, Châu Hoa, Châu Tư và Châu Nghĩa thuộc lộ Thăng Hoa, đặt quan An Phủ Sứ để cai trị. Hồ Quý Ly cho chiêu mộ những người dân phiêu tán không có ruộng đất ở các nơi về khai khẩn vùng đất mới. Nhưng người dân đến khai khẩn vùng đất mới được cấp trâu cày để sản xuất và biên chế thành những đội quân.

Trong lúc này ở phía Bắc vua Thái Tổ nhà Minh mất, Thành Tổ lên ngôi đang âm mưu xâm lược nước ta. Đáng ra nhà Hồ cần phải tập trung xây dựng lực lượng chuẩn bị chống xâm lược Minh, giữ giao hoà với Chiêm Thành ở phương nam như trước đây nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông thì Hồ Quý Ly lại mở rộng chiến tranh xâm lược nhằm thôn tính Chiêm thành.

Để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh này Hồ Hán Thương đã tăng cường xây dựng quân đội "chọn trang đinh, người nghèo sang làm quân trợ dịch, sau lại đổi thành quân bồi vệ, chia làm hàng tả, hàng hữu, dùng tên cầm thú để đặt quân hiệu (như kiểu phượng hoàng, kỳ lân...) lấy quan văn, quan võ, người tôn thất cai quản". Hồ Hán Thương còn cho đào Liên Cảng (Lệ Thuỷ - Quảng Bình ngày nay) đến địa giới Thuận Hoá nhưng do cát đùn lấp nên không khai thông được, sửa chữa, đắp lại cửa Eo (Thuận an, Thừa Thiên - Huế ngày nay).
Việc mở đường Thiên Lý, cũng như việc đào kênh Sen để thông đường thuỷ (trong nội bộ, ngoài đường biển) là một việc làm hết sức táo bạo, không những vì sự cần thiết về quân sự mà còn về một nền kinh tế hàng hoá mà thời nhà Hồ đã bắt đầu hình thành và bắt đầu phát triển

Năm Quý Mùi (1403) Hồ Hán Thương bắt đầu cuộc tiến đánh Chiêm thành. Dự định của nhà Hồ là chiếm một phần đất còn lại của Chiêm Thành là Bản Đạt Lang, Hắc Bạch và Sa li Nha biến thành châu huyện của Đại Việt. Hồ Hán Thương huy động đội quân thuỷ bộ gồm 20 vạn người đặt dưới sự chỉ huy của tiết chế Phạm Nguyên Khôi. Quân Hồ vào đánh Chiêm Thành vây hãm kinh đô Chà Bản nhưng hết lương ăn phải rút quân về nước. Trong cuộc tiến binh này nhà Hồ không đạt được mục tiêu gì lại phải hao binh tổn tướng.

Năm 1406, nhà Minh sang đánh. Hồ Hán Sương sai Hoàng Hối Khanh cùng với Đặng Tất và Phạm Thế Căng cùng cai quản 4 châu mới nhập vào bản đồ. Nhưng đến khi họ Hồ thua chạy vào Nghệ Tĩnh, đưa sắc thư vào cho Hối Khanh đưa quân ra cứu viện, Hối Khanh lờ đi. Người Chiêm Thành nhân họ Hồ thất trận, chiếm lại đất cừ Chiêm Động, Cổ Luỹ của họ. Hối Khanh và Đặng Tất cùng chạy ra Hoá Châu.

Trấn thủ Thuận Hoá cự lại, không cho vào thành. Đặng Tất đánh thành, giết chết trấn thủ, làm thủ thành trì. Quân Minh tiến vào Tân Bình Thuận Hoá. Hối Khanh bị tướng nhà Minh là Trương Phụ bắt đem về Trung Quốc, đi đến Cửa Hội (Nghệ An) thì tự vẫn chết. Phạm Thế Căng và Đặng Tất đầu hàng Trương Phụ, Phụ cho Tất làm tri phủ Hoá Châu và Tăng làm tri phủ Tân Bình.

Trong khi tập trung lực lượng cho cuộc chiến tranh ở phía Nam thì phía Bắc nhà Minh đang chuẩn bị cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Năm Bính Tuất (1406) quân Minh bắt đầu tiến vào biên giới nước ta, nhà Hồ chống đỡ với quân xâm lược chỉ được nửa năm. Đất nước sau hơn năm thế kỷ giành và giữ nền độc lập, đã từng chiến thắng nhiều đạo quân xâm lược hùng mạnh phương Bắc, nay lại bị nước ngoài đô hộ nhân dân ta lại phải nô lệ cho triều đại phong kiến nhà Minh.

Theo Địa chí Quảng Bình

(Còn nữa)