.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình 410 năm phát triển (1604-2014)

Thứ Sáu, 18/04/2014, 07:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù còn gặp khó khăn về vốn, năng lực thiết bị, thị trường tiêu thụ sản phẩm... nhưng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc duy trì ổn định sản xuất và từng bước tăng trưởng khá; đặc biệt đã xác định rõ hướng đi trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã dần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.

Cơ cấu sản xuất công nghiệp có sự chuyển đổi phù hợp, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước giảm, tỷ trọng công nghiệp ngoài nhà nước tăng lên do quá trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa và phát triển doanh nghiệp. Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn đã được đẩy mạnh; một số ngành nghề truyền thống ở các địa phương được quan tâm khôi phục và phát triển. Thành tựu cơ bản của ngành công nghiệp là đã giữ tốc độ tăng trưởng cao và ổn định; hình thành được các cụm, vùng, khu công nghiệp; một số cơ sở sản xuất công nghiệp đạt trình độ trung bình khá của khu vực, một số sản phẩm có tính cạnh tranh và đã có chỗ đứng trên thị trường; đã bước đầu xác lập được các ngành công nghiệp chủ lực như điện, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ và lâm sản, chế biến nông sản, đồ uống và may mặc.

Dịch vụ phát triển nhanh, đặc biệt là dịch vụ du lịch đã từng bước khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng có tính đột phá của tỉnh. Hàng hóa trên thị trường phong phú, đa dạng. Hạ tầng du lịch có bước cải thiện, nhờ đó, lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng nhanh. Chất lượng hoạt động du lịch có tiến bộ, góp phần quảng bá hình ảnh Quảng Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Năm 2013, giá trị xuất khẩu đạt 136,75 triệu USD, tăng 1,3% kế hoạch. Thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu không ngừng được cải thiện. Kim ngạch nhập khẩu tăng từ 0,961 triệu USD năm 1990 lên 20 triệu USD năm 2009 và 50,15 triệu USD năm 2013; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị và nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Thu ngân sách tăng 150 lần, từ 14,160 tỷ đồng (năm 1990) lên 2.108 tỷ đồng (năm 2013). Cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường so với trước. Nhiều công trình quan trọng, có ý nghĩa động lực trong phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng như: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A, cảng biển Hòn La, sân bay Đồng Hới, hệ thống hồ đập thủy lợi, đường về trung tâm các xã, hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và trạm y tế xã, mạng lưới trường học... Cơ sở hạ tầng vùng núi, vùng sâu, vùng xa được quan tâm phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới.

Bên cạnh đó, Quảng Bình đặc biệt coi trọng việc đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nhất là địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, phổ cập mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và là tỉnh thứ 15 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập tiểu học, xóa mù chữ vào năm 1996. Năm học 2012-2013 có 7/7 huyện, thành phố, 158/159 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.

Phong trào xã hội hóa giáo dục ngày càng phát triển, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy và học được tăng cường. Trường Đại học Quảng Bình được thàng lập trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Bình và đầu tư mở rộng theo hướng trường đại học đa ngành để cùng với mạng lưới trường trung học cơ sở, trường dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm thành hệ thống, đáp ứng cơ bản nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và các lĩnh vực văn hóa, xã hội của Quảng Bình ngày càng có nhiều chuyển biến. Mạng lưới y tế cơ sở từng bước được kiện toàn và củng cố. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn đã có trạm y tế với đủ cán bộ, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh thông thường và công tác y tế dự phòng ở cơ sở. Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng có nhiều tiến bộ. Công tác phòng chống dịch bệnh được đẩy mạnh, chú trọng đến các vùng trọng điểm, các đối tượng có nguy cơ cao. Các chương trình y tế quốc gia thực hiện có chất lượng, góp phần tích cực trong việc ngăn chặn và loại trừ các bệnh xã hội.

Sự nghiệp phát triển văn hóa chuyển biến tích cực. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ngày càng mở rộng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác quản lý văn hóa được tăng cường. Các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được đẩy mạnh. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh - truyền hình được nâng lên, nhất là mạng lưới thông tin đài, trạm ở cơ sở. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh; duy trì và phát triển Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Cảng Hòn La đã phát huy hiệu quả xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển của tỉnh. Ảnh: P.V
Cảng Hòn La đã phát huy hiệu quả xuất nhập khẩu hàng hóa đường biển của tỉnh. Ảnh: P.V

Cùng với việc chăm lo phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm. Nhờ sự nỗ lực chung, bình quân hàng năm tỉnh ta giảm được từ 3-4% số hộ nghèo. Năm 2013, tỷ lệ hộ đói nghèo ở tỉnh ta đã giảm xuống còn 14%, giải quyết việc làm cho 3,14 vạn lao động. GDP bình quân đầu người tăng từ 0,696 triệu đồng/người (năm 1991) lên 2,687 triệu đồng/người (năm 2000) và 22,5 triệu đồng/người (năm 2013).

Về quốc phòng-an ninh

Quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cấp ủy các cấp tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia và Nghị quyết số 08-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh.

Các lực lượng vũ trang của tỉnh đã thường xuyên nắm chắc tình hình, nâng cao cảnh giác, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, tăng cường khả năng phòng thủ, giữ vững an ninh, trật tự; triển khai đồng bộ chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, liên tục phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức nhiều đợt đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn ngừa và đẩy lùi tai nạn giao thông, bảo vệ an toàn tuyệt đối các hoạt động lễ hội và các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, của tỉnh.

Công tác xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; xây dựng xã, phường, thị trấn an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu được chú ý đẩy mạnh; thế trận quốc phòng toàn dân, biên phòng toàn dân và an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố. Đã tổ chức tốt các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ và phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn ở các địa phương trong tỉnh; xây dựng khu vực phòng thủ theo tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng đạt kế hoạch đề ra, tổ chức giao quân đạt 100% kế hoạch.

Hoạt động trao đổi, hợp tác toàn diện với hai tỉnh Khăm Muộn và Savannakhet, thủ đô Viên Chăn (Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) và các tỉnh vùng đông bắc Thái Lan được đẩy mạnh; phối hợp giải quyết có hiệu quả các vấn đề an ninh biên giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ tài nguyên, môi trường trên địa bàn.

Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp và hệ thống chính trị

Đảng bộ tỉnh và cấp ủy đảng, tổ chức đảng các cấp đã thường xuyên chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong giai đoạn mới.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên được tăng cường. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân thường xuyên được củng cố; cán bộ, đảng viên đã có ý thức đấu tranh với mọi biểu hiện quan liêu, bảo thủ trì trệ, cá nhân, cơ hội chủ nghĩa xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh.

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động ở các cấp, các ngành, trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân. Từ việc “học tập” chuyển sang “làm theo” và đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm có hiệu quả, nhiều điển hình tiên tiến tạo sức lan toả trong toàn xã hội, góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.

Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, tạo được sự thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, góp phần ngăn chặn biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; nâng cao ý thức của trách nhiệm tập thể, cá nhân trong sinh hoạt, trong công tác, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Đoàn kết nội bộ trong các cơ quan, đơn vị được củng cố; thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng được thể hiện rõ nét hơn. Các khuyết điểm, hạn chế chỉ ra được chấn chỉnh kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ; tạo niềm tin để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI).

Đảng bộ chú trọng công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng, trong 5 năm 1991-1995, toàn Đảng bộ kết nạp được 3.012 đảng viên mới, năm 2013 kết nạp 2.047 đảng viên mới. Đến năm 2013, Đảng bộ có 12 đảng bộ trực thuộc,  603 tổ chức cơ sở đảng và trên 60.000 đảng viên. Công tác quy hoạch, quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ đã chú ý kết hợp các tiêu chuẩn, gắn với đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện đúng nguyên tắc, dân chủ.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ từng bước được đổi mới, tăng cường, đã tập trung vào kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ và các lĩnh vực như xây dựng cơ bản, chi tiêu ngân sách, quản lý và sử dụng đất đai, thực hiện các chương trình kinh tế trọng điểm, thực hiện chính sách xã hội. Thông qua kiểm tra, giám sát đã có biện pháp chỉ đạo khắc phục khuyết điểm, xử lý vi phạm, từ đó tăng thêm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Công tác dân vận tiếp tục được đẩy mạnh, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân luôn được phát huy. Cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã quán triệt đầy đủ hơn về vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận, tạo bước chuyển biến mới về nhận thức, trách nhiệm công tác vận động quần chúng, đề ra các chương trình hoạt động thiết thực nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, Quy chế dân chủ ở cơ sở được đẩy mạnh thực hiện.

Hệ thống chính quyền các cấp thường xuyên được kiện toàn. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực; xây dựng các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  Trong 3 năm (2011 - 2013), Quảng Bình liên tục đứng đầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Sự hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Bình luôn gắn liền với truyền thống vẻ vang của dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. 410 năm là chặng đường mà biết bao thế hệ người dân Quảng Bình đã đổ công sức, xương máu đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù xâm lược để xây dựng và bảo vệ Quảng Bình giàu đẹp như hôm nay.

Tự hào về truyền thống vẻ vang 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Quảng Bình nguyện đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống quê hương "Hai giỏi", vững tin dưới cờ Đảng quang vinh, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra, đưa Quảng Bình từng bước thoát ra khỏi tình trạng một tỉnh nghèo, vươn lên cùng hòa chung vào tiến trình phát triển đi lên của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế.

Theo tài liệu tuyên truyền của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy