.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình, 410 năm phát triển (1604-2014)

Thứ Tư, 16/04/2014, 07:52 [GMT+7]

5. Quảng Bình thời kỳ sáp nhập, chia tách và tái thành lập tỉnh

Với đại thắng mùa Xuân năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn. Cùng với cả nước, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI của Đảng năm 1986.

Tháng 3 năm 1976, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. 13 năm nhập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân các địa phương ở Quảng Bình đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nghị quyết Đại hội IV, V, VI của Đảng và các nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ I, II, III, IV, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng Bình Trị Thiên giàu mạnh.

Cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội của đất nước trong những năm 80 làm cho đời sống của nhân dân hết sức khó khăn. Trong lúc đó, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội ở nước ta, ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ và nhân dân Bình Trị Thiên luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới.

Để phù hợp với thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới chính sách kinh tế - xã hội, phát huy thế mạnh từng địa phương, thực hiện Nghị quyết của Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khoá VIII, tỉnh Bình Trị Thiên được chia thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Ngày 1-7-1989, tỉnh Quảng Bình tái thành lập, trở thành một tỉnh riêng với địa giới hành chính và tên gọi vốn có trong lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống "hai giỏi", tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và đã thu được những kết quả rất đáng tự hào.

6. Những thành tựu sau 25 năm tái thành lập tỉnh và thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và 25 năm tái lập tỉnh, trải qua 5 kỳ đại hội đại biểu Đảng bộ Quảng Bình lần thứ XI, XII, XIII, XIV và XV vào các năm 1991, 1996, 2001, 2005, 2010, Tỉnh ủy Quảng Bình đã thực hiện đúng tinh thần các kỳ Đại hội của Đảng, từng bước đổi mới tư duy chính trị và tư duy kinh tế, đổi mới công tác xây dựng Đảng, lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, luôn luôn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để có những chủ trương, biện pháp vừa phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, vừa phù hợp thực tiễn để đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển, từng bước củng cố quốc phòng - an ninh.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy đảng các cấp đã có nhiều cải tiến, đổi mới, vừa đảm bảo tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chỉ đạo giải quyết những việc khó, những mặt yếu kém; đồng thời chỉ đạo giải quyết có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, nhất là trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, kiềm chế lạm phát, giúp đỡ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện ở cơ sở. Trong tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, cấp ủy đảng các cấp đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án một cách sát thực, cụ thể và có nhiều cách làm sáng tạo.

* Về phát triển kinh tế - xã hội

Thành tựu nổi bật nhất sau 25 năm tái lập tỉnh và gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Quảng Bình đã khắc phục được tình trạng trì trệ về kinh tế-xã hội, đưa nền kinh tế từng bước thoát khỏi khủng hoảng, phát triển nhanh và đi vào thế ổn định, tốc độ tăng trưởng đạt khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện địa hóa và từng bước tạo lập các yếu tố đảm bảo phát triển bền vững; đặc biệt là đã xác định rõ hướng đi lên để sớm thoát nghèo, phù hợp với khả năng khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn từ 1991-1995 là 8,4%, từ 1996-2000 là 8,1%, từ sau năm 2005, nhịp độ tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt giai đoạn từ năm 2006-2008 tăng bình quân 11%/năm; năm 2013 do tác động của suy thoái kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,8% (kế hoạch tăng 7,5%).

Cùng với tốc độ tăng trưởng cao liên tục và khá ổn định, cơ cấu ngành và nội bộ ngành đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ: nông, lâm, thủy sản từ 47,7% năm 1990 giảm xuống còn 20,4% năm 2013; công nghiệp - xây dựng tăng từ 16,64% lên 36,3%%; dịch vụ từ 35,66% lên 43,3%%.

Nông nghiệp từng bước phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần vào việc ổn định an ninh lương thực, nâng cao đời sống cho nhân dân. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là những thành tựu công nghệ càng được chú trọng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp từ 1990-2009 đạt bình quân 5,4%/năm, là tốc độ tăng khá cao trong điều kiện thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, hạn hán, bão lụt. Tổng sản lượng lương thực tăng nhanh, đến năm 2009 đạt 26,4 vạn tấn, tăng gấp 2,9 lần so với năm 1990. Năm 2013, tổng sản lượng lương thực đạt 27,4 vạn tấn.

Từ một nền nông nghiệp độc canh cây lúa, đến nay nền kinh tế tỉnh ta đã phát triển tương đối toàn diện. Tỷ trọng diện tích cây công nghiệp tăng dần và từng bước hình thành một số vùng chuyên canh cây cao su, thông nhựa, lạc, hồ tiêu, luồng, tre lấy măng... Chăn nuôi tiếp tục phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, tăng từ 33,12% năm 2001 lên 43,8% năm 2013 trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Sản xuất lâm nghiệp chuyển hướng sang khôi phục bảo vệ, khoanh nuôi và tái tạo rừng là chủ yếu, giảm tối đa việc khai thác và đẩy mạnh khâu chế biến.

Mỗi năm toàn tỉnh trồng mới trên 5.000 ha rừng tập trung, 3,3 triệu cây phân tán, bảo vệ và chăm sóc từ 60.000-80.000 ha... Lĩnh vực thủy sản đã có những chuyển biến vượt bậc cả về khai thác, nuôi trồng và chế biến. Năng lực đánh bắt thủy sản ngày càng tăng, diện tích nuôi trồng ngày càng được mở rộng. Đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm trên cát, nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đạt kết quả cao. Tỷ trọng thủy sản trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp và trong GDP đều tăng nhanh.

Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ

(Còn nữa)