GS.TSKH Phan Đình Châu: Quê hương là trái bần chua ngọt...
(QBĐT) - Cởi mở, chân tình và gần gũi, đó là những ấn tượng đầu tiên của người đối diện khi được tiếp xúc với ông-GS.TSKH Phan Đình Châu. Mấy mươi năm xa quê, thành đạt và công tác nơi xứ người nhưng người con Quảng Bình ấy vẫn từng ngày dõi theo từng bước đi của quê hương...
Vui mừng trước những đổi thay của quê hương, GS.TSKH Phan Đình Châu mong muốn mình được chung tay, góp sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. |
Ý chí của cậu học trò thôn quê
GS.TSKH Phan Đình Châu sinh tại xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch. Sinh ra trong kháng chiến chống Pháp và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, tuổi thơ của ông sớm chịu nhiều khó khăn vất vả. Chứng kiến cảnh đất mẹ Quảng Bình nghèo khó phải oằn mình hứng chịu những trận mưa bom bão đạn của kẻ thù, Phan Đình Châu từ nhỏ đã ấp ủ trong mình quyết tâm học giỏi để mai này xây dựng quê hương, đất nước. Bởi ông tin khi những vết thương trên mặt đất biến dần, bãi chiến trường xưa sẽ thay bằng những luống cày mới.
Năm 1967, ông được cử đi du học tại Trường đại học Bách khoa Budapest, Hungary. Mặc dù không được theo đuổi ngành học yêu thích-ngành Điện tử viễn thông và phải “rẽ ngang” theo ngành Kỹ sư Hóa học, nhưng vì nhiệm vụ được Tổ quốc giao phó, vì niềm tự hào về dòng máu dân tộc Việt Nam, ông đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc.
Năm 1984, sau một thời gian giảng dạy tại Trường đại học Dược Hà Nội, ông trở lại Hungary, vừa làm thực tập sinh, vừa làm nghiên cứu sinh. Cũng trong thời gian này, ông bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Hóa dược trước thời hạn 18 tháng trong sự ngưỡng mộ và yêu quý của bạn bè và thầy cô nước bạn (thông thường thời gian cho một nghiên cứu sinh hoàn thành luận án tiến sĩ là 3-4 năm (PV).
Từ kết quả nghiên cứu khoa học, chỉ 5 tháng sau khi có quyết định làm nghiên cứu sinh cấp II, ông đã bảo vệ đặc cách thành công luận án Tiến sĩ Khoa học nhờ chứng minh thành công giả thuyết phỏng sinh học của A.I. Scott về sự hình thành các ancaloid ở trong cây dưới xúc tác của các enzym bằng các phản ứng hóa học. Đây là trường hợp ít gặp trong khoa học ở Việt Nam, với thời gian 5 tháng cho việc hoàn thành một luận án tiến sĩ khoa học.
“Cha đẻ” của chuyên ngành Công nghệ hóa dược ở Việt Nam
GS.TSKH Phan Đình Châu đến với ngành Công nghệ Hóa dược như một cơ duyên định sẵn và mỗi bước đi trên con đường sự nghiệp càng khẳng định thêm ý chí và quyết tâm của ông. Từ chỗ phải chấp nhận đến thích và cuối cùng là yêu quý kèm cả niềm say mê đối với ngành Công nghệ Hóa dược, GS.TSKH Phan Đình Châu đã khẳng định những trải nghiệm của mình đúng với triết lý “Nơi nào có ý chí, ở đó có con đường”.
Vào những năm 1990- 2000, khoảng 97% nguyên liệu làm thuốc đều đang phải nhập ngoại, cả nước chưa có nơi nào, trường nào đào tạo chuyên ngành Công nghệ Hóa dược. Xuất thân là một kỹ sư Công nghệ hữu cơ và Hóa sinh, (chuyên ngành Công nghệ Hóa dược được đào tạo tại Trường đại học Bách khoa Budapest, Hungary) lại có kinh nghiệm của gần 26 năm làm công tác giảng dạy ở Trường đại học Dược Hà Nội, điều trăn trở nhất trong ông là nước nhà đang thiếu hẳn một ngành công nghiệp quan trọng-ngành Công nghiệp Hóa dược.
Ông trăn trở rằng một đất nước với 90 triệu dân đang định hướng đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì không thể thiếu được ngành công nghiệp quan trọng này, rằng muốn xây dựng ngành Công nghiệp Hóa dược thì yếu tố trước tiên cần phải có chính là nguồn lực con người. Chính ý nghĩ này đã thôi thúc ông đi tới quyết định: mình phải là người đề xuất, khởi xướng, tổ chức sáng lập và chủ trì triển khai xây dựng chuyên ngành đào tạo kỹ sư Công nghệ Hóa dược đầu tiên ở Việt Nam. Hơn ai hết, ông hiểu rằng: đây là một việc làm không hề giản đơn, nhất là khi tuổi đời của ông đã không còn trẻ.
Từ niên khóa 2002-2003, sau 10 năm đệ đơn đề nghị, chuyên ngành đào tạo Kỹ sư Công nghệ Hóa dược-Hóa chất bảo vệ thực vật của Trường đại học Bách khoa Hà Nội chính thức “ra đời”. Cũng từ đó GS.TSKH Phan Đình Châu được chuyển về công tác tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội để đảm nhiệm việc tổ chức triển khai. Trong khoảng thời gian hơn 10 năm xây dựng, bản thân ông đã một mình vừa soạn thảo chương trình, vừa giảng dạy và biên soạn giáo trình các môn học chính. Ông hy vọng lớp kỹ sư này và những lớp học trò tiếp theo sẽ là lực lượng chủ lực để xây dựng nên ngành Công nghiệp Hóa dược cho nước nhà trong tương lai.
Cùng với công tác giảng dạy, công tác nghiên cứu khoa học là một phần không thể thiếu trong cuộc đời GS.TSKH Phan Đình Châu. Từ đề tài đầu tiên “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất ether mê” đến những đề tài tâm đắc như: “Nghiên cứu tổng hợp số ancaloid khung aspidosperma và các hợp chất có liên quan”, “Nghiên cứu tổng hợp thuốc điều trị sốt rét artesunat từ artemisinin”..., đến nay GS.TSKH Phan Đình Châu đã thực hiện tổng cộng 18 đề tài và dự án khoa học các cấp, được cấp 2 bằng sáng chế độc quyền; công bố 151 bài báo khoa học và báo cáo khoa học trong các Tạp chí khoa học và tại các hội nghị khoa học quốc gia, quốc tế.
GS.TSKH Phan Đình Châu (thứ 2 từ phải sang) cùng bạn học cũ và thầy cô giáo Trường THPT số 1 Bố Trạch trong lần về thăm quê. |
Với những cống hiến trong suốt quá trình công tác, GS.TSKH Phan Đình Châu đã được Nhà nước vinh danh và trao tặng nhiều huy chương cao quý và đặc biệt là Giải thưởng khoa học kỹ thuật Hồ Chí Minh năm 2002 cho cụm đề tài “Thuốc sốt rét từ cây thanh hao hoa vàng”.
Nặng lòng với quê hương
Sinh ra và lớn lên trên quê hương có dòng sông Gianh hiền hòa, tuổi thơ của ông đã gắn bó với miền quê nghèo ấy. Ông nhớ những trưa hè chăn trâu cùng chúng bạn, nhớ vị ngọt của trái sim, trái dâu rừng; vị chua chua ngọt ngọt của trái bần - những loại hoa trái bình dân nhưng cũng là quà quý của tuổi thơ trên quê hương. Mấy mươi năm xa quê dù học tập, công tác ở bất cứ nơi đâu, hình ảnh quê hương vẫn đau đáu trong trái tim ông. Hai tiếng “Quê hương” với ông lúc nào cũng đầy ắp những kỷ niệm ngọt ngào, thân thuộc. Thành đạt và công tác nơi xứ người nhưng người con Quảng Bình ấy vẫn dõi theo từng bước đi của quê hương và luôn mong muốn làm được điều gì đó cho đất mẹ.
Trong một lần về thăm quê, có dịp trở lại và chứng kiến những đổi thay của trường xưa, GS.TSKH Phan Đình Châu đã không giấu nổi niềm phấn khởi, tự hào trước thành tích mà cô trò Trường THPT số 1 Bố Trạch đạt được. Trò chuyện với những người đang cần mẫn với sự nghiệp trồng người nơi đây, GS.TSKH Phan Đình Châu ân cần tâm sự: "Người thầy không chỉ dạy cho học trò kiến thức mà trước hết phải dạy cho các em cách làm người.
Bởi vậy, mỗi thầy cô giáo phải thật sự là một tấm gương mẫu mực để học sinh noi theo”... Rằng “Việc chọn nghề của tuổi trẻ chỉ là sự lựa chọn theo cảm tính, những lựa chọn ấy chưa phải là yếu tố quyết định cho sự thành đạt trong sự nghiệp của một đời người. Cái cơ bản là phải phát huy được khả năng của bản thân, phải có ý chí, quyết tâm và đây mới là yếu tố quyết định”. Những lời dặn dò ấy mãi là bài học quý báu trong hành trang của thầy và trò Trường THPT số 1 Bố Trạch hôm nay.
Vui mừng trước những đổi thay của quê hương, GS.TSKH Phan Đình Châu mong muốn mình được chung tay, góp sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Theo ông, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, Trường đại học Quảng Bình cần quan tâm, ươm tạo một số nhóm khoa học, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học trẻ kết nối với nhau, phát triển năng lực nghiên cứu khoa học; đồng thời tạo môi trường học thuật và tự do sáng tạo để những tài năng này phát huy trí tuệ và niềm say mê, dấn thân trên con đường khoa học. Trong chiến lược phát triển đó, ông có thể hỗ trợ về kinh nghiệm, đào tạo giảng viên và phát triển quan hệ với các trường đại học trên thế giới.
Chúng tôi tin rằng, GS.TSKH Phan Đình Châu, người con quê hương xa xứ trên bước đường giảng dạy và nghiên cứu khoa học sẽ tiếp tục có những cống hiến mới cho quê hương Quảng Bình.
Thanh Hải