.

Chuyện về anh hùng Trần Thị Lý

Thứ Sáu, 18/04/2014, 13:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Chị Trần Thị Lý sinh ra trong một gia đình nghèo bên dòng sông Lũy, một nhánh của con sông Nhật Lệ, phía nam Cầu Dài, đó là làng Phú Thượng, Phú Hải, Đồng Hới.

Anh hùng Trần Thị Lý
Anh hùng Trần Thị Lý

Là một người lanh lợi, hoạt bát, có ý thức tập thể cao nên chị được giao nhiệm vụ làm  liên lạc cho Đảng ủy, Xã đội. Năm 1964, chị được kết nạp Đảng lúc tròn 19 tuổi. Tháng 2 năm 1965, Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc đã chọn thị xã Đồng Hới làm điểm đánh mở đầu. Phú Hải là một trong những điểm nóng chiến sự. Lúc này, chị Trần Thị Lý được sung vào lực lượng dân quân, làm chiến sĩ phòng không nam Cầu Dài, thị xã Đồng Hới.

Chị Trần Thị Lý trong những cuộc chiến đấu đánh trả máy bay thù đã tỏ rõ bản lĩnh chiến đấu xuất sắc. Chị đã chạy từ trận địa phòng không này sang trận địa phòng không khác để truyền mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên chuyển về, đồng thời dùng súng trường K44 bắn trả máy bay Mỹ rất kiên cường. Chị đào hầm sập, cứu đồng đội, đồng bào bị bom Mỹ vùi lấp.

Đặc biệt trong ngày 4-4 - 1965, đế quốc Mỹ đã huy động hàng trăm lượt máy bay đến ném bom Cầu Dài, triệt hạ thị xã Đồng Hới, chị Trần Thị Lý đã dũng cảm mưu trí chèo đò chở Bí thư Đảng ủy xã Lê Viết Thuật vượt sông để chỉ đạo dân quân, nhân dân chiến đấu, rồi trở lại trận địa an toàn. Trong một lần bị bom vùi, chị đã kịp thời bình tĩnh cởi áo ngoài khoác lên đầu súng để đất đá khỏi vào làm chẹt nòng. Sau đó, chị đã bươn mình ra, tiếp tục nổ súng bắn vào kẻ thù.

Với những thành tích xuất sắc đó, chị đã được Quốc hội tuyên dương anh hùng vào ngày 1-1-1967. Cũng trong năm đó chị được chuyển sang quân đội, làm chính trị viên phó Thị đội Đồng Hới. Từ năm 1967, chị được cử đi học Trường văn hóa Quân khu, sau đó được cử đi học tiếp tại Học viện chính trị Quân sự của Bộ Quốc phòng. Năm 1978 , chị đảm nhiệm chức Phó đội trưởng đội công tác thuộc đoàn 871, Tổng cục chính trị.

Từ 1985 chị được điều về giữ chức Phó rồi Giám đốc, Phó Bí thư chi bộ khách sạn Bạch Đằng của Quân khu 5 ở Đà Nẵng. Chị là Đại biểu Quốc hội khóa IV, V và VI. Chị từng là Ủy viên Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chị đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.

Anh hùng Trần Thị Lý là người giàu tình cảm với mảnh đất minh sinh ra và lớn lên. Sau này, khi làm Giám đốc khách sạn Bạch Đằng, hễ có các con cháu quê hương Phú Hải vào học hay công tác tại Đà Nẵng, nếu gặp khó khăn, chị đã tìm cách giúp đỡ, động viên để các cháu an tâm học tập và công tác. Nhiều lần về thăm quê chị đều đến thăm và tặng quà cho Đảng ủy, UBND và các đoàn thể  trong phường. Chị đã giúp Hội Người cao tuổi địa phương sắm một cỗ xe tang, đóng góp cho quỹ xây dựng nhà văn hóa, trạm y tế phường và giúp đỡ những hộ nghèo hoặc gặp khó khăn.

Chị đã được vinh dự 3 lần gặp Bác Hồ và được Bác trực tiếp chỉ giáo. Lần thứ nhất là lần cùng đoàn Quảng Bình được ưu tiên gặp Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau ngày Đại hội liên hoan chiến sĩ anh hùng thi đua toàn quốc (1-1-1967). Gần cuối buổi, Bác Hồ bảo chị Lý hát bài "Quảng Bình quê ta ơi" của nhạc sĩ Hoàng Vân cho Bác nghe. Quá cảm động và lúng túng nên chưa thực hiện được ngay thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng "cứu nguy" cho chị và bảo: "Cháu Lý hãy "cầm càng" cho tất cả đoàn cùng hát". Thế là anh hùng Trần Thị Lý đã đứng dậy và bắt nhịp cho toàn đoàn Quảng Bình hát vang bài hát mà Bác và Thủ tướng yêu thích.

Lần thứ hai, chị gặp và được Bác Hồ chỉ giáo là ngày trước lúc lên đường sang Cu Ba tham dự Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới. Khi Bác hỏi: "Cháu đã chuẩn bị những gì sang thăm và tham quan ở Cu Ba?", chị Lý đã thuật lại chuyện các chú lãnh đạo cho may áo dài, sắm giày cao gót nhưng sử dụng còn lúng túng lắm. Bác liền bào: "Cháu sang Cu Ba lần này để báo cáo thành tích kinh nghiệm chiến đấu của mình và học tập kinh nghiệm của nhiều người khác chứ đâu có phải đi du lịch mà sắm các thứ ấy. Để Bác nói chú Song Hào chuẩn bị bộ đồ bộ đội và dép cao su cho cháu". Và chị Trần Thị Lý đã mặc trang phục như thế trong suốt thời kỳ ở Cu Ba.

Lần thứ 3, chị Trần Thị Lý vinh dự được gặp Bác và ăn cơm buổi trưa với Người trước một ngày sang tham quan Liên Xô, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga. Bữa cơm đó, ngoài chị Lý còn có nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế và dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Hồng Sơn vừa ở miền Nam ra. Bác gắp nhiều thịt gà cho vào bát các anh hùng và dũng sĩ và giục các cháu ăn nhanh. Khi xới cơm cho Bác, cảm động quá, chị Lý làm rơi ra mâm mấy hạt cơm, Bác nhặt bỏ vào bát mình và nói: "Hạt cơm là hạt ngọc của trời, bỏ đi là lãng phí". Câu nói đó có ý nghĩa giáo dục mang tính thời sự không những lúc đó mà cả đến ngày nay đối với chúng ta về thái độ tiết kiệm, tránh lãng phí và quý trọng sản phẩm do nông dân làm ra.

Về đời tư, chị gặp tướng anh hùng Nguyễn Chơn (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) và hai người yêu nhau. Hai người được tướng Trần Hoài Ân, Cục trưởng Cục Cán bộ Bộ Quốc phòng mai mối, lại được Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cha nuôi tinh thần của chị Trần Thị Lý tán thưởng. Đám cưới đời sống mới của họ đã được tiến hành tại hội trường Đoàn 871 của Tổng cục Chính trị ngày 31-7-1977. Chú rể lúc đó ở tuổi 48, cô dâu ở tuổi 34.

Đồng chí Võ Chí Công, thủ trưởng cũ của tướng Nguyễn Chơn đứng ra làm chủ hôn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng bận việc không đến dự được đã gửi tặng đôi tân hôn  1 chai rượu và 2 cây bút máy, chai rượu để mời khách ngày vui của hai người. Hai cây bút máy là lời gián tiếp dặn dò: Vợ chồng chỉ nên sinh 2 con. Quả vậy vợ chồng của hai anh hùng Chơn - Lý chỉ sinh được 2 cháu gái. Các cô nay đã có gia thất và làm việc trong cơ quan Nhà nước, một người ở Hà Nội, một người ở Đà Nẵng.

Thiếu tá Trần Thanh Hương (em ruột anh hùng Trần Thị Lý đang nghỉ hưu ở khu dân cư số 8, phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới) đã cho tôi biết một chi tiết vô cùng cảm động. Chị Trần Thị Lý bị đau đường ruột, điều trị khắp các bệnh viện trong nước không đỡ nên đã sang Trung Quốc điều trị. Nhưng bệnh tình vẫn ít thuyên giảm. Sau đó đơn vị đã đưa chị về điều trị tại bệnh viện Quân y 17 Quân khu 5. Biết mình sẽ không qua nổi, chị xin bệnh viện về nhà nghỉ một đêm. Đêm đó chị đã dặn dò chồng, con, em và các cháu nhiều điều và ngủ một đêm rất ngon lành trong ngôi nhà ấm cúng của mình trước khi sáng mai phải trở lại bệnh viện. Ít hôm sau chị đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7-5-2000.

Anh hùng Trần Thị Lý là một trong 3 khuôn mặt nữ anh hùng bên sông Nhật Lệ trong những ngày đánh Mỹ. Đó là những người đã góp phần làm sáng danh lịch sử quê hương Đồng Hới anh hùng.

(Tư liệu bài viết lấy từ cuốn "Nữ anh hùng quê hương Đồng Hới" do Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng Chủ biên, NXB QĐND ấn hành năm 2009 và lời kể của ông Trần Thanh Hương, em ruột anh hùng Trần Thị Lý)

Hồ Ngọc Diệp