Võ Nguyên Giáp: Vị danh tướng có "duyên" với số 1

Cập nhật lúc 09:46, Thứ Hai, 23/05/2011 (GMT+7)

    

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trước hết, năm 2011 này, mới thật đúng là kỷ niệm 100 năm sinh của Đại tướng. Theo sách "Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ" của Hồng Cư (NXB Thanh Niên, 2004), Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911. Có một trùng hợp ngẫu nhiên rất lý thú: Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước cũng vào năm 1911.

 Và 37 năm sau, vào một ngày Xuân -ngày 20/1/1948, tại rừng Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 110 phong quân hàm đại tướng cho "Tổng chỉ huy quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ" Võ Nguyên Giáp. Đây là vị tướng đầu tiên của quân đội cách mạng được phong quân hàm và là quân hàm cao nhất. Từ vị chỉ huy số 1 này, "lực lượng vũ trang của nhân dân ta có hàng triệu người. Hàng triệu người mà một lòng, một ý chí: đánh giặc cứu nước" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong thư gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân giải phóng Việt Nam.

Để "hàng triệu người mà một lòng, một ý chí" phải có công sức của nhiều tổ chức, đoàn thể và còn phải kể đến truyền thống yêu nước của dân tộc, nhưng uy tín, nhân cách người chỉ huy số 1 có ảnh  hưởng rất lớn. Trong lời nói đầu cuốn sách "Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân, của hòa bình" (NXB Lao Động, 2009), nhóm biên soạn gồm các nhà sử học, các chuyên gia gần gũi với Đại tướng đã viết: "Khi một người nước ngoài hỏi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ nguyên Giáp: "Tại sao, một nhà giáo về sử học, về luật pháp, một trí thức do Pháp đào tạo, không qua một trường quân sự nào, lại là Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đánh thắng nhiều kẻ xâm lược, giành độc lập, thống nhất cho đất nước?" Đại tướng đã trả lời "Câu này xin hỏi chính Chủ tịch Hồ Chí Minh" ..."

Nhóm biên soạn không dẫn câu trả lời của Cụ Hồ, nhưng ở một đoạn sau, đã viết: "...Việc trao quyền chỉ huy quyết định hàng trăm vạn sinh mạng "con dân, đầu đen, máu đỏ" trong cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cho một nhà văn hoá là một quyết định chính xác, với tầm nhìn xuyên suốt không gian, thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh."

Có lẽ đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử quân sự thế giới, có một vị tướng xuất thân đặc biệt như thế, từ một thầy giáo trở thành một vị tướng lừng danh.

Nhân nói đến "xuất thân", cần phải bổ sung một điều quan trọng: Để có một Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao trọng trách trước dân tộc, trước khi vào lớp học "do Pháp đào tạo", ngay khi cất tiếng chào đời vào năm 1911, cậu bé họ Võ quê Lệ Thủy (Quảng Bình) đã được giáo dưỡng theo tinh thần "thương người như thể thương thân" dưới mái nhà tranh giữa khu vườn xum xuê cây trái ở làng An Xá bên dòng Kiến Giang, trong tiếng dạy học trò học chữ Nho, trong hương thơm nồng các vị thuốc bắc của thân phụ là cụ Võ Quang Nghiêm - vị hương sư kiêm thầy lang có uy tín trong vùng. Theo tác giả Hồng Cư (sách đã dẫn), chính cụ Võ Quang Nghiêm đã "vỡ lòng" cho con với "Tam tự kinh" và "Ấu học tân thư" - bộ sách xuất bản dưới thời Duy Tân.

Như thế, chính nề nếp gia phong và môi trường giáo dục đậm tính nhân đạo và lòng yêu nước mà cậu bé họ Võ được hưởng thụ từ lứa tuổi cấp I đã góp phần quan trọng làm nên nhân cách nhà văn hóa - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những sự kiện quan trọng trong cuộc đời một trăm năm của Đại tướng gắn với số 1, còn có thể kể: năm 1941 tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang và xây dựng căn cứ địa ở Cao Bắc Lạng; năm 1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương cử vào Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương...

Cuộc đời 100 năm của một danh tướng như Võ Nguyên Giáp, có tác giả viết cả cuốn sách dày ngàn trang cũng chưa đầy đủ, tôi chợt nghĩ đến "số 1" trong cuộc đời của ông khi "ngắm" một cuốn sách lớn của NXB Đại Anh quốc in tháng 8/2009 do anh Phan Tân Hội, con trai luật sư Phan Anh vừa mang từ Mỹ về; cuốn sách có nhan đề "Nghệ thuật chiến tranh - Những nhà chỉ huy vĩ đại của thế giới hiện đại, từ TK 17 - TK 20" (The Art of War - Great Commanders of the Modern World 17th - 20th  Centuries), giới thiệu sự nghiệp của 51 vị tướng tài ba của thế giới, trong đó, Việt Nam có duy nhất một người là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bên cạnh những tên tuổi lừng lẫy như Napoleon Bonaparte (Pháp), Mikhail Kutuzov, Georgi Zhukov (Nga)... Mở đầu 8 trang dành cho Võ Nguyên Giáp, cuốn sách trích câu nói của ông: "Hành động quân sự là cần thiết, nhưng việc tuyên truyền là quan trọng hơn." Và sau đây là mấy dòng cuối của 8 trang sách đó:

"Cuối cùng, Giáp cũng có thể tự hào tuyên bố đã đánh bại 8 tướng Pháp, Navarre chỉ là một vị tướng cuối cùng và sau đó Giáp cũng đã đánh bại 4 tướng Mỹ. Vào dịp sinh nhật lần 98, ông ấy đã được thế giới vinh danh. Vào năm 1966, khi quân đội Mỹ triển khai khắp miền Nam, Tạp chí Time đã cảnh báo cuối cùng thì họ cũng bị đánh bại. Giáp được xem là Napoleon đỏ và đối với Giáp không thể có sự ca ngợi nào lớn hơn được nữa."

Nhìn mấy chữ số 1911 rất đậm dưới tên Võ Nguyên Giáp trong cuốn sách, tôi viết bài báo nhỏ này như là một món quà nhỏ vui vui mừng sinh nhật lần thứ 100 của ông. Vả chăng, con số 1 - sự mở đầu, người dẫn đầu luôn có ý nghĩa đối với một tổ chức cũng như một đất nước...

                                                                                                    Nguyễn Khắc Phê

,
.
.
.