Anh hùng Nguyễn Văn Triêm: Chuyện bây giờ mới kể

Cập nhật lúc 15:24, Thứ Tư, 11/05/2011 (GMT+7)

Anh hùng Nguyễn Văn Triêm
Anh hùng Nguyễn Văn Triêm

Cho đến bây giờ, bác Nguyễn Văn Triêm vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi biết mình được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ. Cũng dễ hiểu thôi bởi theo bác, đó chỉ là những hành động bình thường của “lính cụ Hồ” thời chiến. Thế nhưng khi nghe bác Triêm kể lại, những hành động ấy quả không hề bình thường chút nào.

 Năm 1960, khi vừa tròn 21 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Triêm, quê ở Xuân Sơn, Sơn Trạch, Bố Trạch được lệnh nhập ngũ vào đơn vị T12, phòng 76, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu ( nay là Cục 25 – Tổng cục 2).

Vốn nhanh nhẹn, có sức khỏe tốt, lại thông thạo địa hình, Nguyễn Văn Triêm được tổ chức phân công làm nhiệm vụ chuyển tài liệu mật theo đường mòn Hồ Chí Minh đến các căn cứ của ta ở Cha Lo, Đèo Mụ Dạ,  La Trọng, Bản Dinh, Cổng Trời... Bao nhiêu lần hành quân là bấy nhiêu  lần đối diện với hiểm nguy, gian khổ, với sự sống, cái chết gần kề gang tấc.

Đến năm 1967, trước đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ đặc biệt này, bác được tổ chức gọi ra Hà Nội phong quân hàm trung sỹ và được cấp trên cho theo khóa đào tạo nghiệp vụ tại trường trinh sát đặc công ở Sơn Tây.

Anh hùng trong chiến đấu:

Năm 1968, Mỹ ồ ạt đưa quân trực tiếp xâm lược và dùng không quân đánh phá ngày càng ác liệt ở miền Nam Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh leo thang đánh phá miền Bắc. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng quyết định giao nhiệm vụ cho Cục Tình báo chiến lược 76 phải tiến hành đánh tập kích một số sân bay của Mỹ tại Thái Lan nhằm ngăn chặn sự chi viện của chúng vào miền Nam, phối hợp với toàn chiến trường miền Nam tổng tiến công vào Sài Gòn.

Vậy là cùng với 3 đồng chí nữa, trung sỹ Nguyễn Văn Triêm xung phong vào đội cảm tử đánh sân bay U đon ở Thái Lan. Sau nhiều tháng hành quân vượt qua địa hình hiểm trở, tổ phục kích của bác Triêm đã đến vị trí tập kết và tiến hành điều tra, trinh sát sân bay địch. Sân bay chiến lược B52 U đon cách thủ đo Bangkoh khoảng 600km về phía Nam.

Để xác định và thống nhất được phương án hành động, song song với nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng, vũ khí chiến đấu và trinh sát địa hình, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Bùi Thế Sách, tổ trưởng, bác Triêm đã phải hàng chục lần cải trang thành dân thường để  tiềm nhập vào sâu trong sân bay trong sự canh phòng cẩn mật của địch nhằm xác định vị trí bố trí từng loại máy bay để tiện hành động. Đúng 21 giờ 30 phút ngày 26-7-1968, bằng chiến thuật đánh từ trong đánh ra, bảo vệ lẫn nhau trong quá trình rút lui và với 5kg thuốc nổ TNT, 2 khẩu AK, 2 súng ngắn giảm thanh, 8 đồng hồ hẹn giờ, 1kg kíp mìn và dây cháy chậm, tổ phục kích đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, đã phá hủy 1 máy bay vận tải C41, 2 chiếc F4, 1 chiếc trực thăng, tiêu diệt và làm bị thương 42 tên lính đồng thời phá hỏng đường băng của sân bay.

Thắng lợi của trận đánh này có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn. Nó không những tiêu hao sinh lực địch, hạn chế sự tấn công bằng không quân Mỹ vào Bắc Việt Nam mà còn là đòn cảnh báo đế quốc Mỹ và quân chư hầu. Qua đó thông báo cho cả thế giới biết rằng, quân giải phóng  nhân dân Việt Nam có thể tấn công quân xâm lược Mỹ và tay sai ở bất cứ nơi đâu, kể cả sào huyệt của chúng.

Trận đánh đã trở thành huyền thoại của lực lượng tình báo quốc phòng và ghi dấu ý chí quyết tâm  vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mưu trí sáng tạo, dám đánh và quyết đánh đế quốc Mỹ của bác Triêm cùng các đồng đội của mình. Những tưởng tất cả đã lùi vào dĩ vãng thì một ngày đầu năm 2010, có người ở đơn vị cũ tìm gặp bác. Vẫn theo cách của “lính tình báo gặp nhau”, bác không hề biết rằng, kể từ đây, mình sẽ trở thành một anh hùng.

Bác bảo, cũng có lúc bác muốn chia sẽ với ai đó về những kỷ niệm gian khổ thời kháng chiến nhưng ngẫm lại, mình là lính tình báo, chỉ khi nào được đơn vị cho phép mới được nói. Và thế là hơn 30 năm sau, chiến công của bác mới được mọi người biết đến. Người thân, bè bạn, xóm làng mới hay rằng, lâu nay mình đang cùng sống với một vị anh hùng.

Anh hùng trong cuộc chiến  chống đói nghèo

Năm 1975, bác Triêm phục viên xuất ngũ trở về quê hương gây dựng cơ nghiệp. Với bàn tay, khối óc của mình, hai vợ chồng bác đã phải gồng mình làm lụng để duy trì cuộc sống gia đình với 7 miệng ăn. Vừa kiêm nhiệm công việc thôn, xã, bác Triêm  vừa tranh thủ mọi thời gian có thể để cày cuốc kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học.

Vào thời cả đất nước khó khăn, gia đình bác cũng không phải là ngoại lệ. Đất đai canh tác thì có hạn. Phương tiện sản xuất lại không có. Lúa gạo làm được chẳng đủ ăn… Hợp tác xã giao bác phụ trách một máy bơm thì lại sơ suất để người ta trộm mất phải đền.

Thế là gom hết tất cả những thứ có thể bán (kể cả quần áo cũ), bác lên tận những bản vùng dân tộc thiểu số đổi lấy tiền về trang trải cuộc sống gia đình. Không cam chịu đói nghèo, với ý chí, nghị lực sẵn có của người lính, bác đã vươn lên bằng cách khai hoang, phục hóa hàng chục ha đất trống, đồi núi trọc trồng cây, phát triển chăn nuôi.

Bác bảo, chiến tranh, gian khổ, ác liệt, hiểm nguy thế mà mình vẫn vượt qua thì những khó khăn của “Cơm, gạo, áo, tiền” không thể làm mình gục ngã… Thế là bác đã quyết tâm và đã thành công thật. Từ chỗ chỉ khai thác quanh các triền núi để trồng lúa, trồng ngô, bác đã tiến dần lên các khu đồi trống để khai thác trồng cây công nghiệp…

Đến bây giờ, gia tài bác có được không chỉ là ngôi nhà khang trang với những tiện nghi cần thiết, không chỉ là trâu, bò, lợn gà mà bác đã có đến 2 mẫu cao su chia đều cho 5 người con. Ngoài ra, bác còn giữ lại cho mình 6 sào ruộng, 6 sào cao su đang vào kỳ khai thác.
Anh hùng trong chiến đấu. Anh hùng trong lao động sản xuất nhưng dường như bản chất của người lính tình báo đã ăn sâu vào máu thịt nên bác rất kiệm lời, khiêm tốn khi nói về mình.

Có lẽ cũng bởi vậy mà khi được xã ưu tiên nâng cấp con đường vào nhà bác để đơn vị cũ về tổ chức “Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng” cho bác thêm phần long trọng thì bác lại chối từ với suy nghĩ thật sâu sắc, nhân văn: “Xã mình vẫn còn đó những hộ thiếu ăn.

Vẫn còn đó những trẻ em lang thang cơ nhỡ, những người bị thiệt thòi do chất độc da cam… Nên ưu tiên họ trước”. Tấm lòng của vị anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Triêm thật đáng quý.

                                                                                                   Bài, ảnh: Lan Anh

,
.
.
.