.

Hiệu trưởng ĐH Harvard nhắc lại sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam

Thứ Sáu, 24/03/2017, 10:35 [GMT+7]

Việt Nam và Hoa Kỳ đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến kéo dài và tàn phá nặng nề. Giờ đây, chúng ta đang đối diện với hậu quả của nó.

Sáng 23-3, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard, Mỹ có bài thuyết trình với sinh viên và giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM với chủ đề "Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử".

Tại cuộc nói chuyện với sinh viên, Giáo sư Drew Gilpin Faust nhấn mạnh: Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước theo cách nói của các bạn –và “Chiến tranh Việt Nam” theo cách gọi của chúng tôi đã mãi mãi định hình thế hệ chúng tôi, những người trưởng thành trong thập niên 1960-1970.

Dù rằng suốt những năm tháng đó, tôi chưa từng vượt 8.000 dặm để đặt chân đến nơi này, nhưng những địa danh như Khe Sanh, Pleiku, Ấp Bắc, Điện Biên Phủ, Vịnh Bắc Bộ, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Hà Nội luôn không ngừng vang vọng trong tâm trí tôi trong suốt mấy thập kỷ qua.

 Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard (ảnh: ĐHKHXH&NV -ĐHQG TP HCM)
Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard (ảnh: ĐHKHXH&NV -ĐHQG TP HCM)

Tôi đã hằng mong ít nhất một vài địa danh trong số này không chỉ dừng ở con chữ. Các bạn có một khẩu hiệu nhắn gửi khách du lịch rằng: “Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh.” Giống như rất nhiều người Mỹ khác từng đến đây, tôi vẫn hằng mong đến một ngày nào đó, Việt Nam trong tâm trí tôi không phải tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến với thế hệ chúng tôi, mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng của nó.

Hậu quả cuộc chiến tranh còn nằm trong tâm hồn

Cuộc chiến ở ngoài nước Mỹ, 3 triệu tấn bom và 11 triệu gallon thuốc diệt cỏ đã không rơi trên đất nước chúng tôi; 58.220 lính Mỹ hy sinh, so với con số ước tính khoảng hơn 3 triệu quân và dân Việt Nam thiệt mạng trong “Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai”. Nhưng cả hai xã hội của chúng ta đều sống với những bóng ma, với ký ức và với những di sản, với hậu quả chiến tranh.

Giáo sư Drew Gilpin Faust khẳng định: Không phải là thành viên của khóa sinh viên Harvard sẽ hội ngộ vào mùa xuân này, nhưng tôi cùng trang lứa với họ và cũng như họ, tôi đã bị định hình bởi chiến tranh Việt Nam theo những cách mà đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hoàn toàn thấu hiểu. Nhưng một ảnh hưởng mà tôi có thể xác định rõ ràng là về công việc của tôi với tư cách một sử gia.

 Giáo sư Drew Gilpin Faust thuyết trình trước giảng viên, sinh viên trường ĐH KHXH&NV (Ảnh: ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP HCM)
Giáo sư Drew Gilpin Faust thuyết trình trước giảng viên, sinh viên trường ĐH KHXH&NV (Ảnh: ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP HCM)

Việc trưởng thành trong thập niên 1960 đã tạo ra trong tôi sự cuốn hút dai dẳng với chiến tranh, với cách mà những đòi hỏi khủng khiếp của nó có thể nhào nặn các cá nhân và xã hội, với sự khúc xạ không tránh khỏi của quan điểm và lý tưởng chiến tranh, với những áp lực tột cùng của nó. Chiến tranh có thể ví như “lửa thử vàng”  thuần chất, đối với mỗi cá nhân cũng như cho toàn xã hội.

Trong lịch sử chiến tranh Hoa Kỳ, cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1861 đến năm 1865 giữ vị trí cốt lõi trong căn tính quốc gia. Sự tàn bạo và ý nghĩa sống còn của cuộc Nội chiến khiến nó, cho đến tận ngày hôm nay, vẫn choán một mảng lớn trong tâm thức dân tộc, và nó cũng là trọng tâm nghiên cứu và viết sử của tôi.

Rất nhiều tranh luận quan trọng về cuộc chiến, về công lý, bình đẳng, dân quyền, dân chủ và trung tâm quyền lực quốc gia – tiếp tục định hình các chính sách của nước Mỹ cả một thế kỷ rưỡi sau khi chiến tranh kết thúc. Và chúng tôi vẫn tiếp tục tự vấn một cách nhọc nhằn về ý nghĩa của cuộc chiến đối với tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ.

Cuộc nội chiến khiến khoảng 750.000 người đã chết – nhiều hơn thương vong của tất cả các cuộc chiến tranh từ trước gộp lại cho tới Chiến tranh Việt Nam. Mất mát này chiếm tới 2,5% dân số. Nếu tính cho dân số Hoa Kỳ ngày nay, tỷ lệ tử vong tương tự sẽ ứng với gần 7 triệu nhân mạng.

Người Mỹ đã không được chuẩn bị cho cuộc Nội chiến này. Cả hai bên đều nghĩ rằng, nếu có phải đổ máu đi chăng nữa thì cũng chỉ cần một trận đánh để kết thúc chiến tranh.Trừ một vài ngoại lệ, đây là cuộc chiến có tổ chức chứ không phải chiến tranh du kích hay chiến tranh bất thường. Nhưng quy mô của cuộc xung đột -- gần 3 triệu đàn ông tham gia - vượt xa những gì quân đội từng chứng kiến, thách thức trí tưởng tượng cũng như năng lực hậu cần của cả hai phía.

Hậu quả chiến tranh là tàn phá – con người bị thương và biến dạng; trẻ em trở thành mồ côi; tài sản và nguồn sinh kế bị phá hủy; kinh tế đảo lộn; dân chúng chia rẽ. Nhưng hậu quả không chỉ dừng lại ở cơ thể, mà còn nằm trong tâm hồn, thậm chí trong tâm hồn của những người sinh ra rất lâu sau khi tiếng súng đã tắt. Đó là vì sao cuộc nội chiến Mỹ và cái giá to lớn của nó tiếp tục ảnh hưởng đến các tranh luận của chúng tôi ngày nay./.

Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard

Theo VOV