.

Lệ Thuỷ: Quan tâm phát triển nguồn nhân lực

Thứ Ba, 03/12/2013, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua 3 năm thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015, Lệ Thuỷ đã đạt được kết quả bước đầu. Nổi bật là, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và tỷ lệ lao động qua đào tạo  từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lệ Thủy lần thứ XXII, được cụ thể hoá bằng các chương trình kinh tế, xã hội trọng điểm, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thử thách do thiên tai, ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, song với sự nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể nên đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật có chương trình phát triển nguồn nhân lực.

Đến cuối năm 2013, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn Lệ Thuỷ có trình độ sơ cấp 1%; trung cấp đạt 51%; cao đẳng: 4,7%; đại học: 33%; số chưa qua đào tạo còn 10,3%. So với năm 2011, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học tăng 9%, chưa qua đào tạo giảm 3%.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện có trình độ trung cấp đạt 19,9%, cao đẳng 37,6%, đại học 40,6%, sau đại học 0,3%, chưa qua đào tạo còn 1,6%. So với năm 2011, trung cấp tăng 2,4%, sau đại học tăng 0,1%; chưa qua đào tạo giảm 0,2%.

Đến nay trên địa bàn có 50,47% số người lao động được đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề đạt 27,5% (Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, đến năm 2015 có trên 55% số người lao động được đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề đạt trên 35%).

Đặc biệt huyện đã quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Trong 3 năm có 275 cán bộ được cử đi đào tạo trên chuẩn, đến nay, 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn, trong đó có 74% trên chuẩn. Ngoài ra, có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng kiến thức về tin học, ngoại ngữ và các nghiệp vụ khác.

Cùng với công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện đã quan tâm công tác tạo việc làm cho người lao động. Các nguồn lực, các chương trình, dự án giải quyết việc làm được tập trung huy động. Đời sống vật chất và tinh thần của người lao động ngày càng được nâng lên. Điều kiện chăm sóc, bảo vệ và rèn luyện sức khoẻ của người lao động ngày càng tốt hơn; thể lực từng bước được cải thiện.

Trường THPT kỹ thuật Lệ Thuỷ, được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Trường THPT kỹ thuật Lệ Thuỷ, được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, ngân sách eo hẹp, nhưng huyện đã xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn, có khả năng tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào trong thực tiễn công tác. Trong 3 năm qua, huyện đã tuyển chọn 18 cán bộ theo chính sách sử dụng con em Quảng Bình tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi và khá, thu hút một cán bộ có trình độ thạc sỹ, tuyển dụng 32 công chức về công tác tại địa phương.

Trung tâm Dạy nghề huyện được quan tâm xây dựng ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ tốt cho công tác đào tạo nghề. Trong 3 năm 2011 - 2013, Trung tâm đã đào tạo nghề cho lao động nông thôn 12 lớp gồm 407 học viên; dạy nghề cho xã hội, trẻ em lang thang, lao động nặng nhọc gồm 7 lớp với 220 học viên; liên kết đào tạo 5 lớp với 312 học viên; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh bồi dưỡng 418 học viên, tổ chức 4 lớp đào tạo nghề mây tre đan ở xã An Thủy, Phong Thủy và Liên Thủy.

Về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, huyện đã cử nhiều cán bộ, công chức, viên chức theo học các lớp đại học, sau đại học và các lớp bồi dưỡng theo kế hoạch.

Trong đó, đã cử 8 cán bộ đi học thạc sỹ và tương đương, 62 người theo học lớp đại học tại huyện. Phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng chương trình chuyên viên cho 75 đồng chí; bồi dưỡng kiến thức giáo dục quốc phòng cho đối tượng 3 gồm 520 đồng chí; công an viên cấp xã 216 đồng chí; kiến thức kỹ năng chủ tài khoản cho 27 đồng chí chủ tịch UBND các xã, thị trấn; bồi dưỡng kỹ năng hoạt động HĐND cấp xã cho 679 đại biểu; bồi dưỡng tin học ứng dụng phần mềm cho cán bộ, công chức xã, thị trấn 49 người; bồi dưỡng Luật Viên chức và các văn bản có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức được 160 người; mở lớp học tiếng Bru - Vân Kiều cho 87 cán bộ, công chức, viên chức; 2 lớp quản lý nhà nước chương trình cơ sở cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường và cán bộ, công chức các xã, thị trấn... Tập huấn Đề án vị trí việc làm, triển khai Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn cho 115 thủ trưởng các phòng ban, cơ quan, đơn vị. Phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ xây dựng chính quyền và cải cách hành chính cho 56 cán bộ, công chức cấp xã...

Xác định mục tiêu lâu dài của đào tạo nguồn nhân lực đòi hỏi giáo dục và công nghệ phải đi trước một bước, phát triển giáo dục là nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, những năm qua, huyện Lệ Thủy đã ưu tiên nguồn lực tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sự nghiệp "trồng người" trên địa bàn. Chính nhờ đó, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học tập của con em địa phương ở các vùng miền, tạo điều kiện thuận lợi nhất để huy động tối đa học sinh đến trường học chữ đạt và vượt mục tiêu đề ra hàng năm.

Kết quả, sau 3 năm, đến đầu năm học 2013-2014, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có 12 trường học bậc mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1(chiếm khoảng 40%); 22 trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 1 và 6 trường đạt chuẩn mức độ 2 (chiếm 87,5%); 15 trường THCS đạt chuẩn (chiếm 62,4%).

Huyện quan tâm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngay từ nguồn học sinh trong các trường THPT trên địa bàn, xem đó là dự nguồn quan trọng bổ sung cho nguồn nhân lực lâu dài của địa phương. Nổi bật có Trường THPT Lệ Thủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình, giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Hệ thống phòng học đa phương tiện, bảng thông minh, phòng thực hành thí nghiệm, phòng máy vi tính được sử dụng có hiệu quả. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, phát huy nội lực đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn huyện có 59/98 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 60,2%, tăng 14 trường so với năm 2010.

Tuy nhiên, qua thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực ở Lệ Thuỷ đã bộc lộ một số tồn tại, yếu kém cần khắc phục. Đó là, hiện còn có một số cán bộ đã được đào tạo nhưng năng lực, trách nhiệm chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn công tác còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ thôn bản còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học còn thấp; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Nền kinh tế của huyện phát triển chưa mạnh nên chưa đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động địa phương, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Chính sách thu hút nhân tài vào công tác tại địa bàn huyện chưa rõ ràng, thiếu  cụ thể, việc ưu tiên tuyển dụng con em địa phương có trình độ trên đại học và con em ở địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập. 

Tr.T