.

Xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ

Chủ Nhật, 01/12/2013, 10:37 [GMT+7]

Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng vừa phối hợp với Hiệp hội học ngôn ngữ có sự hỗ trợ của máy tính khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APACALL) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ.”

Giờ học tiếng Anh tại trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội. (Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN)
Giờ học tiếng Anh tại Trường trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội. (Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN)

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc sử dụng công nghệ thông tin giúp cho việc học ngoại ngữ đạt hiệu quả và dễ dàng hơn.

Hội thảo đã tập trung trao đổi về những nội dung lớn như chính sách ngôn ngữ và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam; tăng cường hoạt động và năng lực hợp tác thông qua truyền thông xã hội; lý thuyết về ngôn ngữ với sự hỗ trợ của máy tính, tính phức tạp và thách thức; nâng cao nhận thức trong môi trường học ngôn ngữ có sự hỗ trợ của công nghệ.

Các chuyên gia cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ đang là xu thế của các nước hiện nay.

Có rất nhiều cách để khai thác công nghệ thông tin phục vụ cho việc học ngoại ngữ như học ngoại ngữ thông qua quá trình viết blog; qua các trò chơi trực tuyến; qua việc kết nối với các trang mạng xã hội như facebook, twitter; học nói qua các clip hoạt hình trực tuyến... Cùng với đó là rất nhiều các trang mạng dạy học tiếng Anh miễn phí.

Ngoài ra việc ngày càng phổ biến các loại điện thoại thông minh có kết nối Internet cũng đang là một công cụ hữu ích nếu như người học ngoại ngữ biết cách khai thác.

Việt Nam đang đứng thứ 7 ở châu Á về số người thường xuyên sử dụng Internet. Đây là một lợi thế để khai thác công nghệ thông tin cho việc học ngoại ngữ.

Việc hướng dẫn cho người học ngoại ngữ biết cách sử dụng tối đa tính năng của công nghệ hoặc qua các giáo trình điện tử sẽ phát huy được tính tự học của người học, tiết kiệm thời gian học và có thể sớm tự tin sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong cuộc sống hàng ngày.

Theo Đề án ngoại ngữ quốc gia, đến trước năm 2020 phần lớn học sinh và sinh viên sau khi tốt nghiệp bậc trung học, cao đẳng và đại học sẽ có khả năng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ trong giao tiếp và làm việc.

Để thực hiện mục tiêu này Chính phủ đã có nhiều chính sách lớn đang triển khai như điều chỉnh giáo trình tiếng Anh theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu; xây dựng giáo trình ngoại ngữ mới; thiết lập những điểm chuẩn năng lực về ngoại ngữ đối với giáo viên và học sinh; thành lập trung tâm kiểm tra ngoại ngữ quốc gia; đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư và khai thác công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ có hiệu quả tại các cấp học./.

Theo Đỗ Trưởng (TTXVN)