.

Không chỉ là người thầy

Thứ Tư, 20/11/2013, 08:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi trở lại Thượng Trạch... ngược theo con đường 20- Quyết Thắng trĩu nặng nỗi niềm. Đường 20 vẫn chông chênh, mưa giăng giăng phủ kín đại ngàn. Bạn tôi bảo rằng: “Năm ni rét về sớm, lạnh ở xuôi khác với cái lạnh miền biên viễn. Trên này, người thầy không chỉ là người thầy. Chúng tôi thắp lên một bếp lửa, thêm niềm tin cho những đứa trẻ dân tộc  Ma Coong về một tương lai tươi sáng”.

Điểm chính của Trường tiểu học số 1 Thượng Trạch nằm gần trung tâm xã. Đón chúng tôi là các em học sinh trong trang phục mới màu xanh sẫm mà vào đầu tháng nhóm thiện nguyện Quảng Bình đã trao tặng trong chương trình “Áo ấm cho học sinh vùng cao”. Như lời bạn tôi- Cao Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 tâm sự: “Nhờ có áo ấm đồng phục này mà các em đến trường bớt đi cái lạnh đầu mùa đông. Thú thật rằng, đồng bào dân tộc trên này cái ăn lo chưa đủ thì làm chi chăm chút được tấm áo cho con trẻ”.

Xã Thượng Trạch có hai trường tiểu học, ngay như Trường tiểu học số 1 đã có đến 8 điểm trường với 154 học sinh trong tổng số 18 bản thuộc xã: Ban, Khe Rung, Nịu, Cà Roòng 1, Cà Roòng 2, Mè Lỳ, Cu Tồn, Cốc. Nếu làm một vòng để đến với các điểm trường kể trên thì phải mất vài ngày cắt rừng, lội suối.

Như lời thầy giáo Lê Văn Hợp “cắm” tại bản Cốc cách trung tâm xã chừng 7km cho biết: “Vào thời điểm mưa gió, lũ lụt, nước suối lên cao, cô lập hết các bản, giáo viên chỉ còn biết ngồi đợi nước lũ rút, sống nhờ vào sự giúp đỡ của bà con dân bản”. Ở các điểm trường lẻ, thầy giáo cắm bản dạy học liên tục 11 ngày, sau đó được nghỉ 4 ngày. Cứ quay vòng như thế vì các thầy đều là người miền xuôi, trong thời gian 4 ngày nghỉ mới có thể xuôi gần 100 km về gần gũi, giúp đỡ một chút gì đó cho gia đình, cho vợ con.

Điểm chính Trường tiểu học số 1 Thượng Trạch.
Điểm chính Trường tiểu học số 1 Thượng Trạch.

Thầy giáo Lê Văn Sơn cùng “cắm” tại bản Cốc với thầy Hợp chân tình: “Học sinh Ma Coong rất ngoan hiền, ham học... nhưng chỉ có một điều, tuổi các em hồn nhiên quá, bố mẹ lại thiếu sự quan tâm nên nhiều lúc đang theo học ở lớp, nhớ rừng, nhớ rẫy... rứa là bỏ lớp theo bố mẹ đi rừng. Học sinh thường hay nghỉ học nhằm vào mùa tuốt lúa rẫy từ tháng 10 đến tháng 11 dương lịch. Những lúc này, thầy giáo lại phải cắt rừng, đi tìm, vận động các em trở về bản, trở lại lớp”.

Anh Nguyễn Việt Hoàng, Phó Chủ tịch xã Thượng Trạch nói rằng: diện tích của xã đến 70 nghìn ki- lô- mét vuông, dân số 476 hộ, 1.300 khẩu. Đời sống bà con chủ yếu dựa vào diện tích lúa rẫy chừng 500ha nhưng bị mất hết khoảng 80% vì ảnh hưởng bão số 10, ngoài ra đồng bào còn nhận chăm sóc, bảo vệ 450ha rừng (200 nghìn đồng/ha mỗi năm). Gần như 100% hộ gia đình trong xã thuộc diện nghèo. Kinh tế eo hẹp, nhận thức hạn chế, hủ tục lạc hậu... đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp trồng người của xã nhà. Hầu hết trẻ em Ma Coong đến trường đều nhờ vào những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ thầy cô giáo từ miền xuôi lên, tình nguyện bám bản, bám học trò.

Đêm ở Cồn Roàng hiu hắt, những người thầy ở Trường tiểu học  số 1 Thượng Trạch ngồi với chúng tôi dưới ánh đèn dầu tù mù. Thầy giáo Cao Minh Tuấn đùa rằng: “Bây chừ chắc dưới xuôi có rất nhiều hoạt động để tri ân thầy cô giáo nhân ngày 20-11, còn ở đây các thầy chỉ biết động viên nhau cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Quà của các em học sinh ư? Nhiều lắm... là củ sắn, củ khoai, lon gạo nếp, bó hoa rừng các em đưa đến mừng thầy. Đơn sơ nhưng hạnh phúc lắm!”.

Ở Trường tiểu học số 1 Thượng Trạch, trong tổng số 24 cán bộ, giáo viên thì có đến 23 nam, chỉ có 1 nữ phụ trách y tế học đường. Và một điều thật kỳ diệu mà chúng tôi tin rằng ở miền xuôi vẫn còn nhiều nơi chưa làm được, những đứa trẻ dân tộc Ma Coong đến trường tất thảy đều bỏ dép ở ngoài cửa lớp. Trong lớp học rất sạch sẽ, ngăn nắp. Người thầy giáo vùng cao còn kiêm rất nhiều thiên chức: là bố, là mẹ, là anh, là chị...

Ngoài việc dạy con chữ còn giúp trẻ thêm nhiều vốn sống khi chập chững bước vào đời, biết lễ phép; biết kính trên nhường dưới; biết vệ sinh nhà cửa, trường lớp; biết ăn chín uống sôi; khi có bệnh thì nhanh chóng bảo bố mẹ đưa đến trạm xá, hoặc nhờ bộ đội biên phòng khám chữa bệnh... Và chúng tôi không còn ngạc nhiên khi thầy Tuấn qua sóng điện thoại đề nghị rằng: “Lên với thầy và trò ở xã Thượng Trạch, nếu có quà chi mừng chúng tôi, hãy mua dùm một chiếc tông- đơ, để chúng tôi cắt tóc cho học sinh của mình”.

Ở xã biên giới Thượng Trạch xa xôi này, thực sự người thầy không còn đơn thuần là người thầy. Khi tất cả giới hạn thầy trò gói gọn trong tình người cùng với con chữ nhọc nhằn, cố kết, bám sâu, bám chắc hơn, vững tin về một tương lai tươi sáng.

Thanh Long