.

Ông Thắng "mặt trận"

Thứ Ba, 20/10/2015, 15:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Người làng gọi ông bằng cái tên trìu mến như thế bởi đã nhiều năm rồi, họ đã quen với hình ảnh người cán bộ có nụ cười thật hiền ấy tận tâm, chu toàn với mọi việc làng, việc xóm. Ông Đặng Văn Thắng hiện là Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy (Lệ Thủy) và cũng là 1 trong 15 điển hình “Dân vận khéo” toàn tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen trong Hội nghị tổng kết công tác dân vận, giai đoạn 2011-2015.

Ông Đặng Văn Thắng, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Mỹ Lộc Thượng.
Ông Đặng Văn Thắng, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Mỹ Lộc Thượng.

Ông bảo, 34 năm tuổi Đảng và cũng chừng ấy năm làm cán bộ thôn nên đôi khi việc thôn, việc xóm len cả vào trong từng giấc ngủ, mà công việc ấy không hề đơn giản, nhất là với một thôn đông dân cư như Mỹ Lộc Thượng.

Hiện toàn thôn có 667 hộ với 2810 nhân khẩu. Một trưởng ban công tác mặt trận như ông phải có trách nhiệm gắn kết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Những năm gần đây, khi An Thủy nỗ lực huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, trách nhiệm ấy càng nặng nề hơn, đòi hỏi những người “đứng mũi, chịu sào” phải nỗ lực hết mình, hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn phải hợp lòng dân.

Khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã An Thủy mới chỉ đạt được 7/19 tiêu chí. Nhưng bằng sự đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã, vượt qua thách thức, khó khăn, đến nay, An Thủy đã sắp sửa cán đích thành công. Nhìn lại chặng đường đã qua, không thể không kể đến nỗ lực, sự tận tụy của những cán bộ mặt trận “Dân vận khéo” như ông Thắng trong vận động, tạo sự đồng thuận từ phía nhân dân.

Xác định lấy giao thông làm khâu đột phá nhưng rút kinh nghiệm trong công tác quản lý từ những địa phương khác, chính quyền không đứng ra đấu thầu thi công mà giao trực tiếp về cho các thôn, xóm. Ban phát triển thôn tiến hành lập dự toán, trình UBND xã phê duyệt. Đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, chính quyền thôn, xã giao cho người dân ở mỗi đường trôổng tự đứng ra đấu thầu, thi công và giám sát công trình.

Mọi quá trình thu, chi đều được diễn ra công khai, dân chủ, minh bạch và hiệu quả. Trong quá trình đóng góp xây dựng, Mỹ Lộc Thượng cũng như các thôn trong xã, cũng thực hiện chính sách miễn, giảm cho một số đối tượng chính sách, người cao tuổi và hộ nghèo, hộ neo đơn.

Ông Thắng cho biết thêm, từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, dù xác định nguồn lực từ nhân dân đóng một phần rất quan trọng nhưng không vì thế mà nóng vội, áp đặt và huy động quá sức dân. Nhất là với một vùng quê chiêm trũng như Mỹ Lộc Thượng, thu nhập chủ yếu của người dân phụ thuộc cả vào đồng ruộng, đời sống còn khó khăn.

Chính nhờ những chính sách hợp tình, hợp lý ấy mà ngoài việc đóng góp đầy đủ các khoản thu bắt buộc, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, phá tường rào, ủng hộ thêm tiền của để mở rộng đường giao thông. Học tập theo lời Bác Hồ dạy “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, ông Thắng “mặt trận” cùng các cán bộ thôn, xóm đi đến từng nhà, bắt tay từng người vận động họ thực hiện. Đến giờ thì hệ thống đường giao thông nông thôn ở Mỹ Lộc Thượng đã hoàn thành.

Ngoài tiêu chí giao thông, Mỹ Lộc Thượng đang nỗ lực hoàn thiện việc xây dựng, tu sửa các nhà văn hóa thôn, xóm. Công trình nhà văn hóa xóm 1 đã được đưa vào sử dụng có tổng mức đầu tư là 540 triệu đồng, trong đó, hơn 300 triệu đồng từ sức dân. Riêng nhà văn hóa thôn đang sắp sửa hoàn thành với gần ½ kinh phí từ nhân dân đóng góp. “Nhân dân chúng tôi đóng góp xây dựng nông thôn mới đều theo tinh thần tự nguyện.

Việc thu chi trong quá trình xây dựng đều công khai, minh bạch nên không có vấn đề gì vướng mắc cả”, ông Ngô Mậu Phượng, người dân Mỹ Lộc Thượng cho biết thêm. Từ sức dân, những công trình giao thông, nhà văn hóa, cổng làng... đã được xây dựng khang trang. Bộ mặt nông thôn mới đổi thay đáng kể. Người dân Mỹ Lộc Thượng đã và đang thụ hưởng được thành quả do chính sức mình chung tay đóng góp. 

Người dân ở mỗi đường trôổng tự đứng ra đấu thầu, thi công và giám sát công trình.
Người dân ở mỗi đường trôổng tự đứng ra đấu thầu, thi công và giám sát công trình.

Và đằng sau những thành quả hợp lòng dân ấy là sự đóng góp không mệt mỏi của những người cán bộ thôn, xóm, mà người đi đầu là ông Thắng “mặt trận”. Ông nói, muốn người dân đồng tình ủng hộ thì trong mọi công việc, đảng viên phải là người tiên phong. Vướng mắc ở đâu, gỡ dần ở đó, nhưng làm gì cũng phải đề cao quy chế dân chủ cơ sở.

Nhận xét về ông, ông Trần Đức Tài, Bí thư Đảng bộ xã An Thủy cho hay: “Để tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân, các cán bộ thôn như đồng chí Đặng Văn Thắng đã đi sâu, đi sát, tích cực tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rằng xây dựng NTM vừa là nghĩa vụ nhưng đồng thời cũng là quyền lợi của họ. Rồi từ đó, nhân dân tích cực tham gia. Và trong thành quả xây dựng nông thôn mới mà An Thủy đạt được, có sự đóng góp rất lớn của những người cán bộ như thế”. 

Mấy chục năm gắn bó với thôn, xóm, ông Đặng Văn Thắng hiểu sâu sắc rằng cuộc sống của người dân quê ông còn quá nhiều vất vả nhưng nếu người cán bộ biết “dân vận khéo”, thì người dân vẫn vượt qua cái khó, cái nghèo ấy, tận tâm đóng góp xây dựng quê hương. Và chính những con người cán bộ tận tâm như ông Thắng, sự đồng sức, đồng lòng của người dân, bộ mặt nông thôn mới của vùng quê anh hùng trong trận càn Xuân Lai-Mỹ Lộc nổi tiếng thời chống Pháp nay đã khoác áo mới, tươi sáng, khang trang hơn.

Diệu Hương