.

Quảng Bình thi đua làm theo lời Bác

Thứ Hai, 14/09/2015, 10:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tình cảm đặc biệt đối với quân và dân Quảng Bình. Khắc ghi lời dạy của Người, Quảng Bình đã lập nên bao kỳ tích trong những năm kháng chiến, bảo đảm vững chắc tuyến đầu của hậu phương miền Bắc, nỗ lực góp sức vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đi qua chiến tranh, Quảng Bình luôn phát huy truyền thống của quê hương “Hai giỏi” để tạo nên những bước tiến dài trong công cuộc xây dựng quê hương đổi mới.

Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trao Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước (tháng 6-2013).
Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trao Huân chương Lao động cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước (tháng 6-2013).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất", mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên quê hương Quảng Bình qua các thế hệ đã nhân lên truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam bằng việc ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Là vùng đất phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, nhất là những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, song cũng chính từ sự khốc liệt ấy người dân Quảng Bình đã làm tròn sứ mệnh Tổ quốc giao phó là tuyến đầu của miền Bắc, hậu phương trực tiếp của miền Nam. Ngay những ngày đầu của cuộc chiến tranh, quân và dân Quảng Bình đã lập nên những chiến công vang dội. Chỉ trong vòng 150 ngày đêm chiến đấu, quân và dân tỉnh ta đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ.

Đồng thời tỉnh ta đảm nhận một sứ mệnh hết sức quan trọng đó là bảo đảm giao thông thông suốt, sản xuất có hiệu quả cao, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhân dịp này, ngày 17-7-1965 Hồ Chủ tịch đã gửi thư khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh ta chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi. Cuối năm 1965, Đại hội tổng kết phong trào thi đua toàn tỉnh đã phát động phong trào thi đua ''Hai giỏi" nhằm động viên toàn quân, toàn dân trong tỉnh giương cao ngọn cờ thi đua ''Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược''.

Phong trào thi đua ''Hai giỏi'' đã trở thành phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Mỗi đơn vị trong lực lượng vũ trang, hợp tác xã, từng gia đình và mỗi cá nhân đều có chỉ tiêu phấn đấu đạt ''Đơn vị Hai giỏi'', "Chiến sĩ Hai giỏi''. Và chính phong trào thi đua "Hai giỏi'' đã tiếp sức cho người dân Quảng Bình vượt lên đau thương mất mát, máu lửa của chiến tranh để lập nên những chiến công hiển hách, góp phần xứng đáng cùng với cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

Quảng Bình hôm nay bước sang trang mới với nhiều thành tựu đáng tự hào được tạo dựng nên bằng việc thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Với phương châm "đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm" của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, toàn tỉnh đã tổ chức có hiệu quả nhiều phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực.

Tiêu biểu là các phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Xóa đói, giảm nghèo”, xây nhà “đại đoàn kết", “Dân vận khéo” trong khối Mặt trận, đoàn thể các cấp; “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” (Hội Nông dân tỉnh); “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” (Hội Liên hiệp Phụ nữ).

Lực lượng vũ trang trong tỉnh đẩy mạnh phong trào “Thi đua quyết thắng”, “Xây dựng lực lượng chính quy, vững mạnh toàn diện”, “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nước, vì dân”, “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, "Học tập và noi theo tấm gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp"...

Trong các tổ chức công đoàn, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” với sự ra đời của nhiều sản phẩm trí tuệ tập trung vào những nội dung như cải tiến máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất, thay thế phụ tùng nhập ngoại, sử dụng vật tư tại chỗ, tiết kiệm điện năng nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ.

Ở khối trường học, hoạt động thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” được đẩy mạnh, chất lượng giáo dục đào tạo ở các bậc học được nâng lên rõ rệt. Hoạt động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, ứng dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vào công tác khám, điều trị cho người bệnh của ngành Y tế đã có nhiều chuyển biến. Nhiều kỹ thuật cao được triển khai ở các bệnh viện. Các phong trào thi đua xây dựng “bệnh viện xuất sắc toàn diện”, “thực hiện quy tắc ứng xử” được tổ chức dưới nhiều hình thức, tạo sức hút trong mỗi cán bộ, đảng viên...

Phong trào "Thi đua vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh thực phẩm", "Thi đua phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và PTNT", "Thi đua trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng"... đã góp phần quan trọng tạo nên bộ mặt nông thôn tỉnh ta ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, gắn với thị trường tiêu thụ; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 4,2%/năm. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại gắn với vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được nông dân ứng dụng và đạt hiệu quả cao như Zebu hóa đàn bò, nuôi đà điểu lấy thịt, hươu lấy nhung...

Hiệu quả của kinh tế rừng ngày càng được khẳng định, sản xuất lâm nghiệp được chuyển đổi theo hướng lâm nghiệp xã hội, đã hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2020. Kinh tế biển ngày càng phát triển, bước đầu triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển đến năm 2020 và các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa. Qua sơ kết đợt thí điểm đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Quảng Bình được đánh giá là tỉnh đứng thứ 2 trong toàn quốc về thực hiện tốt nghị định này.

Nhiều phong trào thi đua trên lĩnh vực công nghiệp - TTCN  đã được phát động và triển khai sôi nổi, nổi bật là phong trào thi đua "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật", “Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ”, "Ổn định và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm”, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm, riêng năm 2015 đạt 9.460 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn có bước phát triển, giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2010-2015 tăng 9,1%.

Phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Lệ Thuỷ.
Phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Lệ Thuỷ.

Một số ngành nghề truyền thống như mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, mây tre đan, nón lá tiếp tục duy trì và phát triển mạnh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn... Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong đó ưu tiên dùng hàng hóa do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất và phong trào "Nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ” đã đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 15,6%/năm.

Mạng lưới dịch vụ, thương mại, hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng mở rộng. Hoạt động xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất khẩu thời kỳ 2011-2015 đạt 730 triệu USD, tăng bình quân 1,4%/năm, tăng hơn 400 triệu USD so thời kỳ 2006 - 2010.

Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát động và tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”...

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt cần phổ biến và nhân rộng như: “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật” ở Đảng bộ Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình; mô hình “Tiết kiệm” để hỗ trợ, động viên giúp đỡ gia đình có công, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và làm nhà tình nghĩa ở Đảng bộ huyện Tuyên Hóa; mô hình “Thắp sáng đường quê”, “Xây dựng giao thông nông thôn” ở Hội Cựu chiến binh xã Đại Trạch, Đảng bộ huyện Bố Trạch; mô hình “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày thứ 7 tình nguyện” của Đoàn xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh; mô hình “Phụ nữ nói không với số đề” của Hội Phụ nữ phường Bắc Nghĩa; mô hình “Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường” của Hội Phụ nữ xã Quang Phú (thành phố Đồng Hới); mô hình "Nghĩa tình đồng đội” của Tiểu đoàn 42, Trung đoàn 996 (Bộ CHQS tỉnh); phong trào 3 giỏi “Nghiệp vụ giỏi, rèn luyện giỏi, học tập giỏi” của Đảng bộ Công an tỉnh...

Công tác khen thưởng luôn gắn liền phong trào thi đua đã góp phần động viên, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển trên các lĩnh vực. Việc bình xét hình thức khen thưởng và danh hiệu thi đua bảo đảm công khai, dân chủ, đúng thành tích, chú trọng hình thức khen nhanh, kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất.

Đặc biệt, nhân dân và cán bộ tỉnh Quảng Bình hết sức vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình. Thành quả trên là động lực, là nền tảng vững chắc để toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với nhiều phong trào thi đua yêu nước, xem đó là nhiệm vụ trọng tâm, nòng cốt nhằm xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng phát triển.                                   

Mai Xuân Toàn, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh