Đóng góp ý kiến vào Dự thảo các văn kiện trình đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020
(QBĐT) - Đồng chí Trần Quang Đảm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Công Nghiệp Bắc Quảng Bình
Qua nghiên cứu Báo cáo Chính trị và Đề án nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tôi cơ bản đồng tình về nội dung, bố cục của dự thảo báo cáo. Sau đây tôi xin tham gia ý kiến thêm một số vấn đề, chủ yếu là đề nghị xem xét, bổ sung, sửa đổi một số nhận định, đánh giá, câu chữ...
Về đánh giá thành tựu, khuyết điểm, hạn chế trên các lĩnh vực: Trang 5 trong mục “Nông lâm, ngư nghiệp phát triển khá toàn diện..., chất lượng”, theo tôi đánh giá như vậy là chưa rõ ràng việc kinh tế biển gắn liền với AN-QP, biển đảo; vấn đề nông nghiệp có vai trò cực kỳ quan trọng nhưng chưa đánh giá đúng mức; cần đánh giá thêm phần Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trang 6, khổ thứ hai trên xuống đề nghị sửa từ “phân vi sinh” thành “phân bón”, thực tế ngành phân bón (trong đó có phân bón NPK) của tỉnh có những phát triển nhất định chứ không chỉ riêng phân vi sinh.
Trang 7, mục “hoạt động tài chính-tín dụng có nhiều tiến bộ” đánh giá như vậy về hoạt động ngân hàng- tín dụng là quá ít, trong khi 5 năm qua, đây là một lĩnh vực hoạt động có nhiều nỗ lực, có nhiều kết quả đóng góp quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Trang 8, khổ thứ ba trên xuống đề nghị cần đánh giá rõ hơn vai trò của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong sự phát triển đi lên của tỉnh. Đánh giá như trong dự thảo báo cáo là chưa bao quát hết vai trò, vị trí của doanh nghiệp và doanh nhân trong những năm qua, và cũng cần đánh giá thêm: tỉnh đã có những chính sách gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua. Và nên bổ sung thêm: “Vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp còn chậm, sau cổ phần hóa còn lúng túng, chưa có sự hỗ trợ tích cực của các ban, ngành trong tỉnh”.
* Đồng chí Trương Bá Sinh, Phó Bí thư Chi bộ Ngân hàng Phát triển Quảng Bình
Tôi xin có một số ý kiến đề nghị bổ sung phần nhiệm vụ chủ yếu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (từ trang 27 đến trang 47) như sau:
Về phát triển kinh tế. Trang 28, mục “thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới” cần bổ sung thêm nhiệm vụ: tập trung rà soát, kiểm tra, giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn, tranh chấp đối với quyền sử dụng đất giữa doanh nghiệp và đất canh tác của dân cư trên địa bàn. Thực tế việc tranh chấp đất đai giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp với người dân còn diễn ra khá phức tạp, chưa được giải quyết triệt để.
Trang 29, dòng đầu tiên, báo cáo nêu: Phấn đấu đến năm 2020, bình quân hằng năm trồng mới 5.000 ha rừng... Hiện nay các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chủ yếu đang thực hiện trồng lại rừng trên diện tích mới khai thác, còn diện tích trồng mới rất hạn chế và chỉ tiêu này liên quan đến tỷ lệ che phủ rừng. Đề nghị nên xem xét điều chỉnh lại chỉ tiêu này cho phù hợp.
Trang 30, khổ thứ hai, dưới lên, dòng thứ 14, bổ sung thêm “...và các doanh nghiệp trong và ngoài nước” vào sau đoạn “...hợp tác với các tỉnh Tiểu vùng sông Mê Kông”, thành “...hợp tác với các tỉnh tiểu vùng sông Mê Kông và các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển du lịch....”.
Việc hợp tác để phát triển du lịch không chỉ với các tỉnh trong Tiểu vùng sông Mê Kông mà còn phải hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước về du lịch để đầu tư và phát triển ngành du lịch của tỉnh, đây là xu thế chung.
Trang 33, mục 8, đề nghị làm rõ hơn về chính sách quan tâm, khuyến khích, phát triển doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ doanh nhân có “tâm” đạt “tầm” trong thời gian tới.
Cần thêm ý: Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các loại hình doanh nghiệp phát triển.
Trang 33, dòng thứ 12, dưới lên, đề nghị bổ sung thêm từ “doanh nghiệp” vào đoạn “...Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tư nhân....”, thành “...Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tư nhân, doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn khó khăn”. Vì nếu chỉ khuyến khích tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn khó khăn thì rất khó kêu gọi đầu tư, chỉ có doanh nghiệp mới đủ sức để đầu tư vào lĩnh vực ngành nghề, địa bàn khó khăn trong tỉnh.
H.Tr (thực hiện)