.
Chào mừng Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, năm 2015:

Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước ta về công tác thi đua, khen thưởng

Thứ Hai, 07/09/2015, 15:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phát động phong trào thi đua yêu nước, coi đây là một trong những phương thức lãnh đạo cách mạng, là nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách, là phương pháp giáo dục tổng hợp sinh động và có hiệu quả lớn của Đảng.

Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Lời kêu gọi của Người đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển, trở thành cao trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta.

Thi đua yêu nước, theo Bác Hồ: “Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”, bất kỳ công việc gì ích nước lợi nhà đều có thể và cần phải thi đua. Hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội phải được tiến hành một cách tích cực và sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần; qua đó thể hiện lòng yêu nước, thương dân, tình cảm thiết tha đối với quê hương, đất nước; phấn đấu vì độc lập, tự do, thống nhất của nước nhà, phát triển kinh tế và văn hóa, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy thi đua làm động lực, bồi dưỡng nâng cao, phát huy lòng yêu nước; qua phong trào thi đua làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng hành động thực tế, cụ thể, thiết thực trong cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập; lấy lòng yêu nước thúc đẩy thi đua, nâng cao hiệu quả thi đua.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 200 bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề thi đua ái quốc và khen thưởng. Thông qua các sắc lệnh, chỉ thị, lời kêu gọi, thư, nói chuyện, Người đã có sự lãnh đạo và tổ chức các phong trào thi đua ái quốc ở tầm vĩ mô đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đồng thời, Người cũng có những sự chỉ đạo, lời khuyên cụ thể, trực tiếp với các ngành, các giới, các địa phương và nhiều tập thể, cá nhân, làm cho các phong trào thi đua yêu nước được duy trì thường xuyên, liên tục, phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực thúc đẩy kháng chiến, kiến quốc thành công.

Người chỉ rõ: Nghệ thuật tổ chức lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước biểu hiện ở việc đề ra được tên phong trào với những khẩu hiệu hành động, tuyên truyền sắc bén, sát đúng với tình hình và nguyện vọng, lợi ích của quần chúng nhân dân, phù hợp với yêu cầu thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.

Cần phải biết sử dụng mọi hình thức tuyên truyền giải thích động viên tinh thần trong toàn Đảng, toàn dân. Cán bộ, đảng viên phải là những người hăng hái tích cực vận động quần chúng tham gia thi đua và cùng họ xung phong đi đầu làm gương cho mọi người trong phong trào thi đua yêu nước. Phát hiện điển hình, nêu gương khen thưởng. Phổ biến những điển hình, tấm gương cá nhân, tập thể và những kinh nghiệm trong phong trào thi đua.

Thi đua mà không khéo lãnh đạo, tổ chức, điều khiển thì thường nảy sinh chia rẽ, ganh tỵ, tức tối nhau, ghét bỏ nhau, lại có thể làm những người tham gia thi đua kiệt sức, mất dẻo dai và bền bỉ. Tránh hiện tượng các cá nhân, tập thể tham gia thi đua mà chia rẽ, bản vị, chỉ biết mưu lợi ích cho địa phương mình, công việc mình mà không ngó đến lợi ích của nơi khác và cả nước. Lại phải tránh phí phạm sức lực của những người tham gia thi đua. Tránh tư tưởng anh hùng cá nhân, vì thành tích cá nhân. Cấp ủy đảng trên chỉ thị cho cấp dưới phải cụ thể, thiết thực, nhưng không nên máy móc, hẹp hòi, để ý lỗi nhỏ nhặt. Phải để cho cấp dưới có sáng kiến.

Chỉ thị của cấp trên là chỉ thị chung. Các địa phương nhận được chỉ thị của cấp trên, phải đem ra thảo luận, tự đặt ra kế hoạch cho sát với hoàn cảnh của mình. “Lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình”. Phải chống bệnh quan liêu, bàn giấy trong tổ chức phong trào thi đua. Mặt khác, Người cũng chỉ ra sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ thi đua với khen thưởng. Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng.

Rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lễ kỷ niệm 410 hình thành tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hành Tiến
Rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lễ kỷ niệm 410 hình thành tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hành Tiến

Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời lại có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục. Người rất quan tâm đến việc biểu dương và phát huy sức mạnh của những tấm gương “Người tốt, việc tốt” bằng cách kịp thời khen thưởng, động viên khuyến khích bằng vật chất hoặc tinh thần nhằm phát triển cái tốt để lấn át cái xấu, nhằm xây dựng con người mới, làm cho xã hội ngày một tiến bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng phải lãnh đạo phong trào thi đua yêu nước. "Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng". Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sự chỉ đạo cụ thể, sát sao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đơn vị, các ngành, các địa phương, các đoàn thể đều đẩy mạnh phong trào thi đua, nhờ vậy, phong trào thi đua ái quốc lan rộng, cả tiền tuyến và hậu phương mà sáu năm sau đó, dân tộc ta đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sức mạnh của phong trào thi đua: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Nghìn việc tốt”... đã góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau ngày thống nhất, đất nước ta vững bước bước đi lên chủ nghĩa xã hội, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước đã có bước phát triển, dần đi vào nền nếp. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 3-8-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) "về đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới", ngày 21-5-2004, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW "về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến". Ban Bí thư (khóa X) ban hành Kết luận số 83-KL/TW ngày 30-8-2010 “về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”.

Trong đó, Đảng ta khẳng định cần tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh coi thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay; coi thi đua yêu nước là động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các phong trào thi đua phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị và cơ sở, có mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực. Dấy lên phong trào thi đua sôi nổi nhằm phát huy cao độ tính tích cực trong mọi ngành, mọi giới, các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, các thành phần kinh tế, rộng khắp trong cả nước, tạo ra động lực tinh thần, vật chất mới hăng hái, tham gia lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần kiệm sáng tạo, cống hiến sức lực, trí tuệ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đảng ta cũng chỉ rõ, cần kịp thời tổng kết các phong trào thi đua yêu nước, tập trung chỉ đạo phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để cổ vũ, động viên mọi người học tập và làm theo phương châm “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, tạo không khí phấn khởi trong đời sống xã hội”. Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức thi đua khen thưởng; kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng. Thi đua gắn liền với các hình thức khen thưởng phù hợp với điều kiện đất nước, động viên kịp thời, đúng người, đúng việc, hướng về cơ sở và người lao động.

Thực hiện khen thưởng trên nguyên tắc: chính xác, công khai, công bằng, kịp thời. Khen thưởng phải bảo đảm thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó. Chống lại hiện tượng báo cáo thành tích không chính xác, khen thưởng không đúng người, đúng việc. Nâng cao trách nhiệm, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội với phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua. “Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác thi đua khen thưởng”.

Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở. Xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy công tác thi đua khen thưởng từ trung ương đến cơ sở, gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng nhằm đáp ứng yêu cầu công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới. Gắn phong trào thi đua, yêu nước với cuộc vận động toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cần phân tích tìm ra nguyên nhân của việc coi nhẹ, buông lỏng công tác thi đua, khen thưởng ở một số nơi, một số lúc.

Tập trung làm rõ nguyên nhân từ phía lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác này và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và các cơ quan chuyên trách làm tham mưu cho các cấp ủy đảng và chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng.

Qua tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, trong Kết luận số 83, ngày 30-8-2010, Ban Bí thư Trung ương chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong công tác thi đua, khen thưởng. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng.

Phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, làm hạn chế động lực. Việc khen thưởng còn tràn lan, nhiều nơi còn cào bằng, chưa kịp thời, chưa chính xác, có biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong suy tôn, bình xét khen thưởng; không ít trường hợp vận dụng khen thưởng chưa đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, nặng về thành tích, chất lượng không bảo đảm, thủ tục hành chính phức tạp, thẩm định hồ sơ khen thưởng chưa sát, thiếu chặt chẽ; một số tập thể, cá nhân được khen thưởng ít có sức lan tỏa và nêu gương trong cuộc sống.

Ngày 7-4-2014, Bộ Chính trị (khóa X) tiếp tục ban hành Chỉ thị số 34-CT/TWvề tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Ðảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, Luật Thi đua, khen thưởng. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Đồng thời, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng: Tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả. Thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng nhằm phát huy ý nghĩa to lớn của công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước.

Đối với Quảng Bình, trong những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 24-8-2004 về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; ngày 10-12-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Nhờ vậy, công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào nề nếp. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Thông qua các kỳ tổ chức đại hội thi đua yêu nước của tỉnh đã tổng kết, khẳng định những thành quả đạt được, những bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong các ngành nghề, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân...

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới", phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.

Có thể khẳng định rằng, 67 năm qua, “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vẫn còn vang mãi, là động lực tinh thần to lớn, góp thêm sức mạnh cho “người người thi đua, ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua”, phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước, quê hương.

Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh

(Còn nữa)