.

Chuyện về gia đình người cán bộ phụ nữ tiền khởi

Thứ Sáu, 28/08/2015, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Người cán bộ phụ nữ tiền khởi đã có công đùm bọc, che chở và nuôi dưỡng đảng viên hoạt động cách mạng giai đoạn 1930-1945 mà chúng tôi đang kể là bà Nguyễn Thị Tế, sinh năm 1925, tại vùng Ba Bàu (tức 3 thôn Bàu 1,2,3 ngày nay), xã Tiến Hoá, huyện Tuyên Hoá. Bà là một trong số ít những cán bộ tiền khởi của huyện Tuyên Hoá may mắn còn được sức khoẻ để cùng tận hưởng niềm vui chung của cả dân tộc nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Theo nội dung cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Tuyên Hoá (tập 1), trước Cách mạng Tháng Tám 1945, bà Tế từng làm liên lạc và nuôi dưỡng cán bộ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà tiếp tục tham gia Hội Phụ nữ và dân quân xã Tiến Hoá.

Nhờ có nhiều công lao với cách mạng, năm 1995 bà được Nhà nước cho hưởng chế độ cán bộ tiền khởi nghĩa. Chồng của bà Tế có tên Nguyễn Ư, sinh năm 1917, quê gốc ở xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá. Do bố, mẹ mất sớm nên từ nhỏ Nguyễn Ư đã phải đi ăn nhờ ở đậu để kiếm sống.

Bà Nguyễn Thị Tế, người đã từng đóng góp tiền của để đùm bọc, che chở và nuôi dưỡng đảng viên hoạt động cách mạng giai đoạn 1930-1945.
Bà Nguyễn Thị Tế, người đã từng đóng góp tiền của để đùm bọc, che chở và nuôi dưỡng đảng viên hoạt động cách mạng giai đoạn 1930-1945.

Trong quá trình đi ở, nhờ sớm được giác ngộ nên ông đã tham gia vào hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Giai đoạn 1942-1945, do hoạt động bị địch phát hiện nên Nguyễn Ư cùng với một số đảng viên khác ở địa phương tiến hành cất giấu tài liệu rồi trốn sang Thái Lan tiếp tục hoạt động cách mạng bí mật, luôn theo dõi phong trào cách mạng Tuyên Hoá, gửi tài liệu về cho cơ sở để gây dựng phong trào.

Sau khi từ Thái Lan trở về nước, ông đã cùng với nhân dân địa phương nổi dậy cướp chính quyền... Từ những công lao đóng góp to lớn của Nguyễn Ư, Đảng và Nhà nước ta đã công nhận ông là cán bộ lão thành cách mạng, ông được tặng thưởng nhiều huân chương và huy chương (ông Nguyễn Ư mất vào năm 1991)...

Con trai cả bà Nguyễn Thị Tế là Nguyễn Đình Ái cho chúng tôi biết, bà Nguyễn Thị Tế chính là cháu ngoại của Đề đốc Lê Trực-một danh tướng xuất sắc của phong trào Cần Vương. Trong giai đoạn 1930-1945, Nguyễn Thị Tế từng tham gia dân quân du kích ở địa phương, được huấn luyện ở chiến khu Hung Chùa-Sại Mẹo (Tiến Hoá).

Thời gian này, Nguyễn Thị Tế và mẹ đẻ của mình là Lê Thị Não đã không quản ngại khó khăn, không sợ hiểm nguy rình rập, đùm bọc, che chở và nuôi dưỡng đảng viên hoạt động cách mạng; từng đóng góp 2 con bò, 5 sào ruộng, 5 chỉ vàng cùng nhiều thóc, gạo tiền Đông Dương để cứu đói dân làng, nuôi dưỡng cán bộ hoạt động cách mạng...

Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, địa phương đã tổ chức rước kiệu đưa Nguyễn Thị Tế và Lê Thị Não đi một vòng quanh xã để bày tỏ sự ghi ơn về những đóng góp của hai mẹ con đối với phong trào cách mạng tại quê nhà...

Nguyễn Đình Ái tâm sự: "Để giữ gìn và phát huy truyền thống của một gia đình có nhiều đóng góp cho cách mạng, cho Đảng và Nhà nước, thời gian qua, anh em ruột thịt chúng tôi đều lấy tấm gương ông, bà, cha mẹ để soi vào đó mà học tập.

Chúng tôi còn luôn răn dạy con cháu trong dòng tộc là phải biết nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, không ngại khó, ngại khổ, làm điều xấu; phải biết thương yêu, cưu mang, giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó, kém may mắn hơn mình... Hiện nay, trong dòng họ nội, ngoại của tôi đã có gần 20 người đã, đang tham gia vào ngành quân đội, công an, trong đó đã có 1 thiếu tướng, 2 đại tá, 2 thượng tá, 1 trung tá, 1 thiếu tá...". 

P.V