.
Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khoá XVI:

Lãnh đạo các sở, ban, ngành trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và kiến nghị của cử tri

Thứ Năm, 23/07/2015, 09:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại kỳ họp lần thứ 15, HĐND tỉnh khoá XVI đã dành nhiều thời gian để giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành trả lời kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu. Báo Quảng Bình xin lược ghi lại ý kiến trả lời của giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành về những vấn đề nổi lên mà cử tri quan tâm.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời một số kiến nghị của cử tri như sau:

Hệ thống cấp nước sản xuất và sinh hoạt tại xã Quảng Tiên nay không còn đáp ứng do thời tiết khô hạn và do điều tiết thủy lợi nước sông Rào Nan chưa hợp lý, cần hỗ trợ, được trả lời là: Trạm bơm Rào Nan với quy mô 3 tổ máy bơm loại 3.800m3/h và 10 máy bơm dự phòng loại 1.000m3/h, lấy nước từ đập dâng Rào Nan cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp của 9 xã vùng nam, thị xã Ba Đồn với diện tích 1.600ha/vụ.

Hàng năm trong vụ sản xuất đông - xuân mực nước trên sông ổn định, Trạm bơm Rào Nan đã bơm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các địa phương trong khu vực theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, vụ hè - thu năm nay do thời tiết khô hạn kéo dài, hạn hán xảy ra trên diện rộng, mực nước trên sông Rào Nan hạ thấp, lưu lượng không cung cấp đủ cho máy bơm hoạt động, nên một số diện tích nhỏ ở vùng cao, vùng xa việc cung cấp nước có chậm hơn so với kế hoạch.

Thời gian qua bằng nhiều biện pháp đồng bộ khác nhau như: Nạo vét khơi thông dòng chảy, sử dụng máy bơm dự phòng để bơm tiếp sức và đắp đê quai lắp đặt thêm 3 tổ máy bơm loại 1.400m3/h bơm vào bể chứa sau đó sử dụng máy bơm 3.800m3/h bơm tiếp vào kênh, đồng thời áp dụng các biện pháp điều tiết nước, quản lý nước hợp lý, do đó toàn bộ diện tích lúa vụ hè - thu của 9 xã vùng nam theo kế hoạch đã gieo cấy xong, hiện nay đang tưới dưỡng.

Về lâu dài để chủ động nguồn nước trong điều kiện hạn hán và đối phó với tình hình biến đổi khí hậu, Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành liên quan tiếp tục tìm nguồn vốn, đề xuất UBND tỉnh xem xét đầu tư xây dựng hồ chứa phía thượng nguồn trạm bơm để chủ động nguồn nước trong vụ hè - thu thay cho đập dâng như hiện nay, nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất và nước sinh hoạt cho nhân dân 9 xã vùng nam, trong đó có xã Quảng Tiên.

Một số ngư dân ưa đóng mới tàu vỏ gỗ mà không muốn đóng tàu vỏ sắt theo tinh thần Nghị định 67, được trả lời là: Nhiều ngư dân hiện vẫn có nguyện vọng được tiếp tục hỗ trợ đóng mới tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67 đúng như ý kiến phản ánh của cử tri vì đã quen sử dụng tàu vỏ gỗ lâu nay và giá thành thấp hơn so với tàu vỏ thép.

Tuy nhiên, theo định hướng của Chính phủ tại Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16-8-2013 về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, sẽ từng bước hiện đại hóa đội tàu cá vỏ thép thay thế cho tàu cá vỏ gỗ để bảo đảm an toàn sản xuất trên biển, kết hợp phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng và phù hợp với xu thế phát triển chung của các nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Bên cạnh đó, hiện nay Chính phủ đã có quy định đóng cửa rừng, giá thành đóng mới tàu vỏ gỗ sẽ tiếp tục tăng cao do giá nguyên liệu gỗ đóng tàu đang tăng nhanh,  giá thành tàu vỏ gỗ sẽ dần ngang bằng với tàu vỏ thép.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình trả lời các nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực GTVT như sau:

Về vấn đề xe quá khổ, quá tải làm hư hỏng đường, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ tai nạn giao thông thường xảy ra, được trả lời rằng: Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ GTVT, ở địa phương, các lực lượng chức năng từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc mạnh mẽ, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đã dần đi vào nền nếp, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng và giảm tai nạn giao thông, tạo lập môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh; số lượng phương tiện vi phạm quy định về tải trọng đã giảm nhiều so với trước đây.

Dự án QL1 (qua huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy), đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, thu phí hoàn vốn.
Dự án QL1 (qua huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy), đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, thu phí hoàn vốn.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm tải trọng vẫn còn phức tạp, các phương tiện chở quá tải trọng vẫn né tránh các trạm kiểm soát lưu động, chạy vào các tuyến đường địa phương, ảnh hưởng đến kết cấu cầu đường, gây mất trật tự, an toàn giao thông khiến cho dư luận nhân dân bức xúc. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ chỉ đạo lực lượng Thanh tra sở tiếp tục phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông-Công an tỉnh duy trì hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động theo chế độ 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, kiểm soát tải trọng phương tiện trên toàn bộ mạng lưới đường trên địa bàn tỉnh bằng thiết bị cân xe xách tay hoặc kiểm tra hóa đơn hàng hóa, hợp đồng vận tải, vận đơn.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các sở, ban, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố để công tác kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài để không còn hiện tượng xe quá tải nhằm bảo đảm kết cấu đường, bảo đảm an toàn giao thông; tăng cường hơn nữa công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của lái xe, các đơn vị kinh doanh vận tải trong việc chấp hành nghiêm xe vận chuyển đúng tải trọng.

Đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo, kịp thời khắc phục những đoạn đường vuốt nối QL1 có độ dốc quá lớn làm ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân được trả lời là: Các đường ngang dân sinh giao cắt với QL1, trong quá trình thi công dự án, Sở GTVT đã chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế tiến hành khảo sát, thiết kế cụ thể cho từng tuyến để bảo đảm việc vuốt nối được thích hợp với quy mô theo hiện trạng đã có, kết cấu mặt đường vuốt nối dân sinh phải bằng hoặc tốt hơn kết cấu mặt đường hiện tại và độ dốc dọc tối đa bằng độ dốc dọc hiện tại để bảo đảm việc đi lại được êm thuận và an toàn. Hiện các nhà thầu thi công đang tiếp tục thi công vuốt nối các đường ngang này theo hồ sơ thiết kế được duyệt, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ trong tháng 8-2015.

Về hệ thống thoát nước dọc tuyến QL1, trong quá trình thi công các chủ đầu tư cũng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế kiểm tra, rà soát lại và thiết kế bổ sung các hố ga, cống, rãnh thoát nước trên các đường ngang dân sinh, đấu nối hệ thống thoát nước đường dân sinh vào các hố ga trên QL1, xử lý lại toàn bộ rãnh thu nước từ các đường ngang với tuyến chính. Trường hợp bị ứ tắc phải có biện pháp xử lý khơi thông kịp thời, tránh gây ngập úng trong mùa mưa lũ, ổn định đời sống sinh hoạt của người dân. Trường hợp cần đấu nối vào hệ thống thoát nước của dự án QL1 phải lập phương án đấu nối và gửi Sở GTVT để xem xét, giải quyết.

Nhiều phương tiện tham gia giao thông không đi trên tuyến đường BOT Trường Thịnh nhưng phải đóng phí Trạm thu phí cầu Quán Hàu, gây bức xúc trong nhân dân, đề nghị tỉnh chỉ đạo giải quyết, có chính sách ưu tiên đối với các phương tiện giao thông trên địa bàn huyện Quảng Ninh hoặc di chuyển trạm thu phí sang tuyến đường BOT, được trả lời rằng: Vấn đề Trạm thu phí cầu Quán Hàu đã được cử tri phản ánh và kiến nghị đối với HĐND tỉnh, Sở GTVT đã báo cáo nhiều lần trong các kỳ họp thứ 8, thứ 10 của HĐND tỉnh khóa XVI; nay Sở GTVT xin báo cáo lại như sau:

Thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình nói riêng và của các địa phương khu vực miền Trung nói chung cũng như góp phần bảo đảm an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi vận tải hành khách, hàng hóa trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước rất khó khăn, eo hẹp, các cấp có thẩm quyền đã cho phép đầu tư xây dựng QL1 đoạn tránh thành phố Đồng Hới theo hình thức BOT. Trạm thu phí Quán Hàu trước khi chuyển giao cho nhà đầu tư thu phí hoàn vốn là trạm thu phí cho ngân sách nhà nước, nằm trong quy hoạch các trạm thu phí đã được cấp thẩm quyền cho phép thành lập, được Bộ Tài chính đồng ý sử dụng trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án

Do nguồn vốn ngân sách khó khăn, thực hiện chủ trương huy động tối đa nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư xây dựng QL1 theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư xây dựng Dự án mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ. Đối với đoạn qua tỉnh Quảng Bình, dự án xây dựng QL1 đoạn Km672+600 - Km704+900 theo hình thức BOT được đầu tư trên cơ sở kéo dài phạm vi dự án BOT đoạn tránh thành phố Đồng Hới.

Trong đó, sử dụng Trạm thu phí Quán Hàu đang thu phí hoàn vốn cho dự án BOT QL1 đoạn tránh thành phố Đồng Hới để cùng thu phí hoàn vốn cho dự án. Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí Quán Hàu, tỉnh Quảng Bình; trong đó, quy định tổng số tiền thu phí hàng năm sau khi trừ các khoản thuế theo quy định được xác định là khoản tiền hoàn vốn theo phương án tài chính của Hợp đồng BOT Dự án đầu tư xây dựng công trình QL1 tỉnh Quảng Bình.

Về kiến nghị của cử tri có chính sách ưu tiên đối với các phương tiện giao thông trên địa bàn huyện Quảng Ninh: Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo Bộ GTVT giải quyết các vướng mắc trong việc thu phí tại Trạm thu phí Quán Hàu. Bộ GTVT đã có văn bản phúc đáp; trong đó cho rằng việc thực hiện đề xuất miễn phí cho các phương tiện của nhân dân địa phương sẽ dẫn đến tình trạng khiếu kiện của các chủ phương tiện không phải là người dân địa phương nhưng cũng thường xuyên đi qua trạm thu phí này và tạo nên tình trạng thiếu minh bạch khi xác nhận phương tiện ở địa phương để được miễn phí... làm ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn, không khuyến khích được việc thu hút nhà đầu tư tham gia các dự án BOT.

Còn đối với phương án di dời trạm thu phí sang vị trí khác, việc này sẽ liên quan đến hiệu quả kinh tế và tính khả thi của Dự án BOT, vị trí đặt trạm thu phí hiện tại đã được tính toán trong phương án tài chính của dự án; Nhà nước chấp nhận sử dụng quyền thu phí qua cầu Quán Hàu để hoàn vốn cho nhà đầu tư; các phương tiện qua cầu sẽ được thu phí hoàn vốn cho Dự án BOT thay vì nộp ngân sách nhà nước; nếu đặt trạm thu phí ở vị trí khác thì không bảo đảm hiệu quả kinh tế và nhà đầu tư không tham gia đầu tư. Mặt khác, nếu đặt trạm thu phí ngay trên tuyến tránh sẽ dẫn tới tình trạng xe đi qua Quảng Bình trốn vé bằng cách đi qua đường nội thành, gây ùn tắc, mất an toàn giao thông và hư hỏng đường nội thành thành phố Đồng Hới; vì vậy, việc di dời trạm thu phí đến vị trí khác là không còn phù hợp.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Nhật ở TP. Đồng Hới đề nghị Giám đốc Sở GTVT  nói rõ hơn về Dự án nạo vét luồng lạch cửa Nhật Lệ không đúng vị trí, gây sạt lở bờ biển Hải Thành và Bảo Ninh, được trả lời rằng: Việc thực hiện nạo vét cửa biển Nhật Lệ để tàu thuyền ra vào thuận lợi là rất cần thiết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của ngư dân, song trong khi chưa thu xếp được nguồn kinh phí từ ngân sách thì việc xã hội hóa việc nạo vét luồng là phù hợp.

Vừa qua, dự án nạo vét tận thu cát cửa biển Nhật Lệ, do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư, đơn vị thực hiện là Công ty TNHH xây dựng thương mại Hoàng Kim Việt (TP. Hồ Chí Minh) nạo vét, lấy cát bán cho Singapo.

Theo đó, doanh nghiệp này nạo vét 2,2 triệu m3 cát từ Km 0 đến Km 3+200 cửa sông Nhật Lệ, chiều rộng 100-400m, sâu 7m, giá trị hợp đồng là 130 tỷ đồng. Nhà thầu tự bỏ kinh phí nạo vét và được sử dụng cát tận thu để xuất khẩu, có nghĩa vụ nộp cho bên giao thầu (Cục Đường thuỷ nội địa) gần 6,5 tỷ đồng. Tháng 8-2014 công ty này tổ chức nạo vét và tạm dừng giữa tháng 10-2014 với lý do thời tiết không thuận lợi và đến nay chưa tiếp tục với lý do cát nhiễm mặn không xuất được. Doanh nghiệp vừa gửi văn bản cho tỉnh Quảng Bình đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Tuy nhiên khi dự án triển khai, nhiều người dân Đồng Hới lo ngại, việc lấy đi một khối lượng cát lớn như vậy sẽ gây nguy cơ sạt lở bờ biển, bởi nguyên nhân bồi lấp cửa sông Nhật Lệ là do cát dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác theo gió và dòng chảy hải lưu. UBND thành phố Đồng Hới vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình để có biện pháp khắc phục.

Kết luận phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở GTVT, đồng chí Lương Ngọc Bính, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp đề nghị tạm dừng dự án nạo vét cửa biển Nhật Lệ và giao cho các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình tham mưu, đề xuất giải pháp hợp lý và hiệu quả để giải quyết vấn đề bồi lắng cửa biển vốn nhiều phức tạp này.

Tr.T

(Còn nữa)