.

Sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước

Thứ Sáu, 19/06/2015, 09:40 [GMT+7]

(QBĐT) - 5 năm qua (2010-2015), với sự quyết tâm và nỗ lực phấn đấu, cán bộ và nhân dân huyện Quảng Ninh đã ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, góp phần xây dựng quê hương Quảng Ninh ngày càng phát triển.

Đồng chí Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: Các phong trào thi đua yêu nước đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu trên tất cả các lĩnh vực ở địa phương: Kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân 13%; cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững...

Trên lĩnh vực kinh tế, các địa phương trong huyện đã chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nhờ đó, năng suất, sản lượng nông nghiệp không ngừng tăng; sản lượng lương thực năm 2014 đạt 50.680 tấn, vượt 1.680 tấn so với chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 4,2%.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được huyện quan tâm chỉ đạo, bước đầu hình thành vùng chuyên canh cây lúa, cây ngô, cây rau màu và cây thực phẩm, đặc biệt đã chuyển gần 300 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô lai, dưa hấu, đậu xanh tăng thu nhập gấp nhiều lần so với trồng lúa, đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Mặt trận TQVN huyện tổ chức ký kết thực hiện các phong trào thi đua yêu nước với các cơ quan, địa phương trên địa bàn.
Mặt trận TQVN huyện tổ chức ký kết thực hiện các phong trào thi đua yêu nước với các cơ quan, địa phương trên địa bàn.

Đến nay, toàn huyện có 3.565 ha thu nhập từ 70 triệu đồng/ha/năm trở lên, trong đó 380 ha thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi trên địa bàn tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất tập trung, hình thành các trang trại, gia trại có quy mô lớn. Đến nay, trên địa bàn có tổng đàn trâu, bò 10.000 con, đàn lợn trên 43.000 con, đàn gia cầm 320.000 con; chất lượng gia súc, gia cầm được nâng lên, đặc biệt đàn lợn ngoại chiếm 90%, đàn bò lai chiếm gần 70% tổng đàn.

Phong trào phát triển lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, trồng rừng kinh tế được nhân dân tích cực hưởng ứng và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn huyện đã trồng mới 1.183 ha rừng, giao 2.836 ha đất rừng cho 728 hộ dân và 4 cộng đồng dân cư ở 2 xã Trường Sơn và Trường Xuân sản xuất; hoàn thành quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến 2020. Đánh bắt, nuôi trồng  thủy sản đã chuyển biến tích cực và phù hợp với quy hoạch phát triển, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng tăng hàng năm.

Diện tích nuôi trồng được mở rộng, đến nay đạt 1.130 ha, tăng 380 ha so với năm 2010; sản lượng đạt 3.750 tấn, tăng 650 tấn so với năm 2010. Các mô hình nuôi tôm, cá lúa, nuôi cá thâm canh có hiệu quả. Tiêu biểu ở xã Hải Ninh có các hộ nuôi tôm trên cát đầu tiên như hộ ông Nguyễn Ngọc Thanh, ông Nguyễn Viết Cường, ông Ngô Văn Dương.... đạt hiệu quả kinh tế cao.

Các phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi”. Ngày càng phát triển sâu rộng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ đó, nhiều hộ nông dân đã dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn, thách thức, kiên trì học hỏi để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Long Sơn, xã Trường Sơn), bà Lê Thị Thân Thoài  (TK4 - thị trấn Quán Hàu)...

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng. Đến nay toàn huyện đã có 14/14 xã được UBND huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã;  1 xã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới,  2 xã đang phấn đấu về đích trong năm 2015. Các thiết chế cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, bước đầu đưa lại hiệu quả thiết thực trong đời sống của người dân...

Trên lĩnh vực giáo dục, được sự quan tâm chú trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội. Cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành Giáo dục đã tích cực tham gia các phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Các phong trào thi đua đã góp phần tích cực thúc đẩy ngành Giáo dục huyện phát triển mạnh mẽ; mạng lưới trường lớp được củng cố, mở rộng và phát triển hợp lý, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập cho con em.

Đội ngũ giáo viên từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Cơ sở vật chất trường học ngày càng hoàn thiện, đến nay 100% xã, thị trấn có trường học cao tầng, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 67% (tăng 14,8% so với năm 2010). Toàn huyện có 30/53 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 7 trường so với năm 2010), trong đó có 5 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 4 trường điển hình chất lượng;...

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh mẽ, rộng khắp; chất lượng phong trào ngày càng được nâng cao. Đến nay toàn huyện có 19.491 hộ đạt gia đình văn hóa (78,8%), tăng 10%. Phong trào xây dựng làng, thôn, bản, tiểu khu văn hóa đã được phát triển, nhân rộng với 65 thôn, bản, tiểu khu được công nhận danh hiệu văn hóa; trong đó có 15 thôn, bản, tiểu khu được công nhận làng văn hóa đạt 3 năm liên tục. Tiêu biểu có các tập thể 10 năm liền đạt danh hiệu làng văn hóa, như: thôn Lương Yến xã Lương Ninh; thôn Thượng xã Võ Ninh...

Phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác chính sách xã hội, các hoạt động từ thiện, nhân đạo được các cấp, các ngành và nhân dân toàn huyện hưởng ứng tích cực. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã chú trọng phối hợp các chương trình dự án của các tổ chức đoàn thể để giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trong 5 năm qua đã đào tạo cho 4.820 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 36%, nhằm tạo cơ hội để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, bình quân mỗi năm giảm 3,8% hộ nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 7,5% (năm 2010 là 24,1%). Ngoài ra các cấp, các ngành, địa phương trong huyện đã kịp thời triển khai hỗ trợ làm nhà mới, tu sửa nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn, hộ gia đình chính sách cho trên 1.500 hộ gia đình.

Qua 5 năm triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước (2010 - 2015), trên địa bàn Quảng Ninh đã có 1.229 lượt tập thể và 12.771 lượt cá nhân được khen thưởng; đã xuất hiện nhiều tập thể, nhiều cá nhân điển hình tiên tiến được các cơ quan, đơn vị, địa phương bình chọn, đề nghị UBND huyện khen thưởng và xét đề nghị cấp trên khen thưởng.    

Thời gian tới, huyện Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước với nhiều cách làm sáng tạo, thực sự hướng về khu dân cư, huy động được tiềm năng, sức sáng tạo, tinh thần tự nguyện tham gia của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Hương Trà