.

Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng huyện Minh Hóa phát triển bền vững

Thứ Ba, 16/06/2015, 10:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ và nhân dân Minh Hóa đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi cơ bản những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục ổn định và duy trì được đà tăng trưởng, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên, lĩnh vực văn hoá-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, quốc phòng-an ninh được giữ vững.

>> Đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương Minh Hóa thêm giàu đẹp

Trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân huyện Minh Hóa đã nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9,57%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.

Tỷ trọng nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 43,05 % giảm 6,9% so với năm 2010 (49,95%); công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 24,64% giảm 0,8% so với năm 2010; thương mại - dịch vụ - du lịch: 32,31%, tăng 7,7% so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người 13 triệu đồng/năm, đạt chỉ tiêu Đại hội lần thứ XIX đề ra.

Trong điều kiện có nhiều khó khăn mang tính đặc thù của một huyện miền núi, kinh tế phát triển chậm, địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, xác định nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu, Đảng bộ, chính quyền huyện Minh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các biện pháp phát huy mọi tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm và thủy sản. Trong đó, đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thâm canh, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá trị kinh tế; hình thành và phát triển một số vùng trồng cây có giá trị kinh tế cao. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2015 ước đạt 292,693 tỷ đồng, tăng 40,68% so với năm 2010. Sản lượng lương thực bình quân hàng năm 9.221,4 tấn. 

Chương trình phát triển chăn nuôi tiếp tục được triển khai thực hiện, tạo chuyển biến tích cực trong cơ cấu nội bộ ngành. Đã từng bước thay thế giống địa phương hiệu quả thấp, đưa giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Nhiều mô hình kết hợp chăn nuôi, trồng rừng, trang trại, gia trại tổng hợp phát triển có chất lượng. Đến nay, tổng đàn gia súc của huyện có 37.740 con, đạt 76,58% so với chỉ tiêu đề ra; tổng đàn gia cầm 76.000 con. Nuôi trồng thủy sản đã có một số chuyển biến, nhiều hộ gia đình đã tận dụng mặt nước ao hồ để nuôi trồng, từng bước đáp ứng nhu cầu thiết yếu về thực phẩm cho người dân địa phương.

Chương trình trồng rừng kinh tế được chú trọng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công tác trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần giữ độ che phủ rừng. Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm đúng mức. Các địa phương trong huyện đã thực hiện có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình dự án đầu tư phát triển rừng. Trong 5 năm qua đã trồng được 3.959ha rừng kinh tế; khoanh nuôi, bảo vệ rừng 105.376ha, tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 78% (chỉ tiêu 75%).

Một góc thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa hôm nay.
Một góc thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa hôm nay.

Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện có 962 hộ tự nguyện hiến đất, với diện tích 50.347m2; có 368 hộ hiến tài sản (hàng rào, cây cối...) và 5.371 hộ đóng góp tiền mặt, ngày công; trị giá đóng góp của cộng đồng 20,5951 tỷ đồng. Đến nay đã có 4 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí; 9 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; 2 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất CN-TTCN ước thực hiện năm 2015 là 167.810 triệu đồng, tăng 45,49% so với năm 2010 và tăng bình quân hàng năm 9,83%. Các hoạt động thương mại, dịch vụ được mở rộng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh như siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa phát huy hiệu quả, phục vụ nhu cầu cho đời sống, sản xuất của nhân dân.  Đặc biệt trung tâm thương mại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đi vào hoạt động là đầu mối quan trọng cho việc giao lưu hàng hoá với nước bạn Lào, Thái Lan; điểm du lịch khám phá hang động Tú Làn cũng đã được khai thác bước đầu đã tạo việc làm, tạo thu nhập cho người lao động...

Lĩnh vực đầu tư phát triển đã được quan tâm, cải thiện đáng kể hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện. Thực hiện Chương trình xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng huyện Minh Hóa giai đoạn 2011 - 2015, hệ thống giao thông, thủy lợi, hồ chứa, trường học, bệnh viện, trạm y tế trên địa bàn huyện được đầu tư, sửa chữa và nâng cấp, với tổng nguồn vốn 621,303 tỷ đồng, đạt 83,5% so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, đầu tư hạ tầng kinh tế 320,143 tỷ đồng, chiếm 51,53%; hạ tầng xã hội 301,160 tỷ đồng, chiếm 48,47%. Kết cấu hạ tầng văn hóa, xã hội và hệ thống cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh cho nhân dân được quan tâm, chú trọng, đáp ứng nhu cầu về đời sống, tinh thần của người dân trên địa bàn.

Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường chuyển biến tích cực. Hiện nay Minh Hóa đã hoàn thành kế hoạch sử dụng đất cấp xã, huyện giai đoạn 2010 - 2015; kế hoạch sử dụng đất cấp xã, huyện đến năm 2020. Đã khai thác khá hiệu quả tài nguyên đất để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Công tác bảo vệ môi trường từng bước được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và các doanh nghiệp đã được nâng lên.
Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, giáo dục - đào tạo phát triển ngày càng toàn diện, chất lượng từng bước được nâng lên. Mạng lưới trường, lớp ổn định và phát triển hợp lý.

Đến nay, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Toàn huyện có 17 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 32%, tăng 26,4% so với năm 2010 và đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được chú trọng, đã có 1.181 lao động nông thôn được đào tạo nghề bằng chính sách ưu đãi của Chính phủ, tỷ lệ người lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 15,2%.

Mạng lưới y tế trên địa bàn ngày càng được củng cố, phát triển và hoàn thiện; đội ngũ cán bộ y tế được quan tâm cả về số lượng và chất lượng; toàn huyện có 40 bác sĩ, đạt 8 bác sỹ/10.000 dân, 16/16 trạm y tế xã đều có bác sỹ. Cơ sở vật chất, thiết bị y tế được quan tâm đầu tư nâng cấp; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai đầy đủ có chất lượng, các loại dịch bệnh được khống chế. Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được triển khai tích cực, có hiệu quả; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 14%o; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm 3,5% so với năm 2010. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm.

Đến nay, 100% xã, thị trấn của huyện có trạm y tế xây dựng 2 tầng; có 10/16 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, truyền thông có nhiều tiến bộ. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá được quan tâm và có nhiều chuyển biến đáng kể, các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất được quan tâm xây dựng. Đến nay huyện có 86/135 làng văn hoá, đạt tỷ lệ 63,7%; số gia đình văn hoá toàn huyện chiếm tỷ lệ 70,1%, có 15 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu đơn vị văn hóa. 16/16 xã, thị trấn được phủ sóng điện thoại di động; có 97% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, đạt 100% so với chỉ tiêu đề ra.

Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và thực hiện chính sách an sinh xã hội đã đạt được những kết quả tích cực. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã huy động từ các tổ chức, cá nhân số tiền 42,540 tỷ đồng để xây dựng 1.095 nhà ở cho hộ nghèo, 557 nhà ở cho hộ chính sách và 125 nhà tránh lũ. Chính quyền các cấp đã quan tâm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất; xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả để nhân rộng; tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn các hộ nghèo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay và sự giúp đỡ của cộng đồng để tạo việc làm, cải thiện đời sống. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, năm 2014 còn 28,57%.

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động đạt được kết quả đáng kể. Số lao động được giải quyết việc làm bình quân hàng năm 1.900 người, trong đó tạo thêm việc làm cho 1.100 người, tạo việc làm mới 800 người; có 164 trường hợp được vay vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, công tác quốc phòng-an ninh, đối ngoại được tăng cường; công tác nội chính được chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hiệu lực quản lý, chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp ngày được nâng cao. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, huyện Minh Hóa đã tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ, đạt được những kết quả khá toàn diện, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện vẫn còn có những khuyết điểm, tồn tại, như: Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với mức trung bình chung cả tỉnh; chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch.

Việc lồng ghép các chương trình dự án ở một số địa phương hiệu quả chưa cao. Tiến độ thực hiện một số nội dung, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới còn chậm. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa có điều kiện để phát triển khai thác, tận dụng có hiệu quả thế mạnh, tiềm năng của địa phương. Chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao, đặc biệt là các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Minh Hóa tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp; quan tâm phát triển công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch; đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm nghèo; thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; giữ vững ổn định chính trị -  xã hội và  bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng huyện phát triển bền vững.

Từ đó phấn đấu đạt được các chỉ tiêu sau: Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 12,9%, đến năm 2020 đạt 1.245,6 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản tăng bình quân hàng năm 9%, đến năm 2020 đạt 450,3 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng tăng bình quân hàng năm 13%, đến năm 2020 đạt 309,2 tỷ đồng. Giá trị thương mại - dịch vụ, du lịch tăng bình quân hàng năm 17,3%, đến năm 2020 đạt 486,1 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế đến năm 2020, nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 36,2%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 24,8%; thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm 39%. Tổng sản lượng lương thực đạt 13.500 - 14.500 tấn; tỷ lệ che phủ rừng 79%. Có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới (6 xã); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 4 - 5%...

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế tồn tại, trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân huyện Minh Hóa tiếp tục tăng cường đoàn kết, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra, xây dựng quê hương Minh Hóa anh hùng phát triển bền vững.

Đinh Quý Nhân
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa