.
Kỷ niệm 145 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22-4-1870 - 22-4-2015):

Những di sản tư tưởng của V.I.Lênin mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

Thứ Tư, 22/04/2015, 08:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Lịch sử đã sản sinh ra con người vĩ đại- V.I.Lênin- người kế tục sự nghiệp sáng tạo lý luận, sáng tạo học thuyết của C.Mác và Ăng-ghen.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy trong chủ nghĩa Lênin con đường cứu dân, cứu nước. Người khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản", "chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ".

Chủ nghĩa Mác-Lênin đến với cách mạng Việt Nam qua Nguyễn Ái Quốc vào đầu thế kỷ 20. Từ đó, Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin vào điều kiện Việt Nam, đã lãnh đạo nhân dân ta đi tới độc lập, tự do và ngày nay đang thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Cách mạng Tháng Mười Nga và những thành tựu xây dưng chủ nghĩa xã hội những năm đầu ở Liên Xô là sản phẩm đầu tiên, trực tiếp nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin, đã ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Ái Quốc, góp phần quyết định đưa phong trào yêu nước Việt Nam vào quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới. Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc ta đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, mở ra thời đại mới, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Tiếp thu chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sức hoạt động, đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước, dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với đường lối cách mạng đúng đắn, kể từ khi ra đời, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện của cách mạng nước ta, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Lênin dạy rằng, giành chính quyền mới là bước đầu, xây dựng xã hội mới đạt tới một trình độ văn minh cao hơn xã hội tư bản, mới là mục tiêu, là nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều; chủ nghĩa xã hội phải tạo ra được "một kiểu tổ chức lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản", "một năng suất lao động mới cao hơn nhiều" so với xã hội cũ, mới bảo đảm vững chắc thắng lợi của cách mạng, mà "năng suất lao động ấy trước hết đòi hỏi phải có cơ sở vật chất của nền đại công nghiệp".(1)

Những tư tưởng của Lênin về xây dựng nước Nga Xô-viết nhất là về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, về điện khí hóa, công nghiệp hóa trong điều kiện một nước tiểu nông... đang soi sáng con đường chúng ta đi.

Lênin chủ trương, những người cách mạng phải biết kế thừa những thành quả, và nền tảng kinh tế, khoa học kỹ thuật, và trên một phương diện nào đó cả về văn hóa của chủ nghĩa tư bản để xây dựng xã hội mới. Lênin đã nói: "Không có kỹ thuật tư bản chủ nghĩa quy mô lớn được xây dựng trên những phát minh mới nhất của khoa học hiện đại... thì không thể nói đến chủ nghĩa xã hội được".(2)

Lênin còn chỉ rõ: "Đồng thời với việc tạo ra một kiểu tổ chức lao động mới, còn phải xây dựng cho bằng được cơ sở vật chất của nền đại công nghiệp và không ngừng nâng cao dân trí... Chủ nghĩa xã hội là sản phẩm của nền đại công nghiệp; chỉ có xây dựng nền tảng vật chất của nền đại công nghiệp, nâng cao dân trí và áp dụng hiệu quả các phương pháp của nền đại công nghiệp, chúng ta mới có thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội".(3)

Lênin đặc biệt quan tâm đến hai vấn đề lớn, đồng thời cũng là hai thách thức đối với chủ nghĩa xã hội. Đó là nền văn hóa mới, đào tạo nguồn lực con người cho sự nghiệp công nghiệp hóa. Lênin nói: "Dốt nát là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội" và "người mù chữ đứng ngoài chính trị". Theo Lênin, trong một nước tiểu nông thì nâng cao dân trí, nhất là  đối với nông dân là nhiệm vụ cơ bản và lớn nhất.

Với tâm huyết của nhà lãnh đạo thiên tài của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới, lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, Lênin đã từng phẫn nộ lên án những đảng viên đã dốt nát lại còn kiêu ngạo, và đòi hỏi tất cả phải học, phải được giáo dục chu đáo tùy theo lĩnh vực hoạt động và điều kiện cụ thể của mỗi người.

Thấm nhuần tư tưởng của Lênin, và trải qua thực tiễn của chính đất nước mình, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 (khóa VIII) đã khẳng định phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ là "quốc sách hàng đầu". Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa VIII) đã xác định: "...Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc... tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội". (4)

Thực tế cho thấy, hiện nay, trong khi nền kinh tế đang phát triển, trình độ dân trí nói chung còn thấp, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta mới là bước đầu, thì nhân dân ta, dù trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật đã được nâng lên thêm một mức đáng kể, vẫn chưa phải là đã đạt được tầm tương xứng yêu cầu đổi mới của chúng ta.

Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (lần 2) (khóa VIII) đã chỉ rõ phải kiên định vấn đề có tính nguyến tắc là lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân ta.

Ngày nay, cho dù thế giới đã có nhiều thay đổi to lớn, nhưng di sản tư tưởng bất diệt của V.I.Lênin vĩ đại vẫn mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, soi sáng công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta.

Nguyễn Xuyến

------------------------------
(1)(2) V.I.Lênin Toàn tập -NXB TB - Mát-xcơ-va- 1977- Tập 36 - tr 207-249-368.
(3) Lênin nói về nền kinh tế XHCN - NXB Nô-vô-xti - 1983 -tr  75-78.
(4) Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 BCHTU Đảng (khóa VIII) - NXB CTQG - H - 1998 - tr 54.