.

Xứ núi... khóc rừng!

Thứ Tư, 20/09/2017, 07:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Bão số 10 càn quét qua địa bàn Tuyên Hoá đã xoá sổ nhiều cánh rừng kinh tế, phá tan giấc mộng đổi đời của hàng ngàn hộ dân dày công gây dựng bấy lâu nay...

Chúng tôi đến Ngư Hoá, là một trong những địa phương có tổng diện tích rừng trồng kinh tế dẫn đầu huyện Tuyên Hoá.

Từ chân cầu Minh Cầm của xã Mai Hoá, men theo con đường liên xã chạy dọc sông Rào Trổ uốn lượn quanh những ngọn núi trùng điệp để vào với xã Ngư Hoá, chúng tôi không khỏi xót lòng khi tận mắt chứng kiến những cánh rừng hai bên đường và bên kia sông bị bão quật gãy ngang, đổ xếp chồng lên nhau.

Dọc đường đi, chốc chốc lại bắt gặp một vài người dân cầm rựa đứng thẫn thờ bên khu rừng đổ nát với cặp mắt ướt đỏ như đang khóc, trách hờn với ông trời...

Một diện tích rừng trồng kinh tế ở xã Ngư Hoá bị gãy đổ do bão số 10 năm 2017.
Một diện tích rừng trồng kinh tế ở xã Ngư Hoá bị gãy đổ do bão số 10.

Ngôi nhà anh Thái Văn Thế, thôn 3, xã Ngư Hoá nằm ở lưng chừng núi, mặt ngoảnh lên phía đỉnh. Là cư dân xã miền núi, sống dựa vào rừng nhưng cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng. Chừng chục năm về trước, khi lấy vợ ra riêng, may mắn được tiếp cận với cung cách làm ăn mới, anh Thế mạnh dạn tiến lên ngọn núi trước mặt nhà khai hoang được khoảng 13ha đất để trồng rừng kinh tế.

Cũng chính nhờ trồng rừng, cuộc sống, bữa ăn hàng ngày của gia đình ngày một sung túc hơn, đủ tiền để nộp học cho các con, thậm chí đã có của ăn, của để.

Chỉ tay vào một vạt rừng keo lai, mỗi thân cây to hơn cái phích nước đã bị gãy sạp gần như hoàn toàn, anh Thế nghẹn giọng kể: “Cách đây chừng 1 tháng, thương lái đến trả mua hơn 2ha keo này với giá 170 triệu đồng nhưng tui không bán, định để thêm vài tháng xem có ai trả cao hơn. Rứa mà chừ nó như thế này đây. Có riêng vạt rừng này mô, mấy vạt rừng khác của gia đình với hơn 10ha, đã trên 3 năm tuổi ở phía đỉnh núi cũng bị bão số 10 quật gãy tan tác, thiệt hại gần như hoàn toàn. Nhà ở thì bị bão làm tốc mái. Rứa là dự định sang năm bán toàn bộ rừng keo để làm nhà mới của vợ chồng tui đã... tan theo bão rồi.

Năm 2013, bão cũng đánh tan gần như toàn bộ rừng keo của gia đình. Sau đó, vợ chồng tui quyết định vay mượn ngân hàng để trồng mới lại rừng keo này. Nợ ngân hàng chưa trả hết, chừ lại như ri đây, quá khổ... Mấy hôm nay hai vợ chồng loay hoay dọn nhà sau bão, đi ra đi vào nhưng mặt cứ cúi gằm, không muốn nhìn lên đỉnh núi phía trước mặt. Vì mỗi lần nhìn lên đó nước mắt lại cứ trào ra, lòng quặn thắt...". 

Đồng cảnh ngộ với anh Thế là hộ anh Nguyễn Hữu Nam ở thôn 3 xã Ngư Hoá có trên 7ha cây keo lai bị bão số 10 quật gãy gần như hoàn toàn.

Anh Nam tâm sự: "Tui vừa mới xây được ngôi nhà trị giá khoảng 700 triệu đồng, trong đó nợ bà con và ngân hàng xấp xỉ 50%. Dự tính hai năm tới sẽ bán cây keo để trả nợ, rứa mà... Vài năm tới nếu không được ngân hàng khoanh nợ thì chắc họ lấy mất nhà. Rừng gãy đổ nhiều nhưng không thấy thương lái nào tới hỏi mua. Thông thường, thương lái chỉ mua nguyên cây tươi để dễ bóc vỏ.

Sau bão đến chừ đã mấy ngày rồi, trời nắng gắt khiến cho cây gãy giờ đã héo khô, khó bóc vỏ thì ai mua cho. Đường vào nơi khai thác thì khó khăn gấp bội, nếu thương lái mua thì họ chọn nơi thuận lợi chứ không ai lại lên vùng cao hẻo lánh này. Tình hình này chắc dân làng tui phải đốn keo, tràm làm củi đun, mà có đun thì làm sao cho hết cả khối lượng khổng lồ như ri...”.

Nhiều khối lượng gỗ rừng trồng của xã Cao Quảng không tìm được thương lái đến thu mua.
Nhiều khối lượng gỗ rừng trồng của xã Cao Quảng không tìm được thương lái thu mua.

Không chỉ anh Thế, anh Nam mà hơn 130 hộ dân ở xã Ngư Hoá đều điêu đứng, khóc ròng vì mất rừng do bão.

Chủ tịch xã Ngư Hoá Nguyễn Thanh Phong chua chát nói: Bão số 10 đã khiến 126 nhà dân ở Ngư Hoá bị tốc mái, 1 nhà bị xiêu vẹo và 3 nhà sập. Bão còn làm mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt, trụ sở 2 tầng của UBND xã bị tốc mái, 3 phòng làm việc của các đoàn thể tại xã bị "xoá sổ", 7 phòng học của Trường Mầm non cùng Trường TH và THCS của xã Ngư Hoá tốc mái hoàn toàn...

Nghiêm trọng nhất, bão đã làm khoảng 1.000ha/ khoảng 1.300ha rừng trồng kinh tế của người dân bị gãy đổ. Trong đó, tỷ lệ rừng gãy đổ trên 70% chiếm chừng 500ha, số còn lại thiệt hại từ 30-50%. Tại vùng cao Ngư Hoá, hầu như nhà nào cũng có rừng trồng kinh tế, hầu hết mỗi hộ đều có từ 5ha trở lên. Rừng đang là nguồn sống, triển vọng đổi đời của người dân, thế mà sau trận bão này, tất cả đều trắng tay...

Rời xã Ngư Hoá, chúng tôi sang xã Cao Quảng, là một trong số những địa phương có diện tích rừng trồng kinh tế lớn của huyện Tuyên Hoá.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Mai Xuân Tuyên rầu rĩ cho biết: "Thế mạnh của địa phương chúng tôi là dựa vào kinh tế rừng. Rừng trồng kinh tế những năm gần đây đã mang lại rất nhiều khởi sắc cho địa phương. Các chú xem, nhà cửa nhân dân được kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hộ khấm khá ngày một nhiều lên, đường bê tông liên thôn đạt trên 70%, cơ sở hạ tầng của địa bàn ngày một khang trang..., tất cả cũng nhờ nhiều vào kinh tế rừng. Cơn bão số 10 năm 2013 cũng đã gây ra thiệt hại rất lớn về rừng trồng cho người dân chúng tôi. 

Nhiều hộ trồng rừng ở huyện Tuyên Hoá khóc ròng vì rừng trồng tan hoang do bão.
Nhiều hộ trồng rừng ở huyện Tuyên Hoá khóc ròng vì rừng trồng tan hoang do bão.

Sau bão, bằng mọi nỗ lực, người dân nơi đây vừa phục hồi và trồng mới được một số diện tích, thì cơn bão này tiếp tục lấy đi gần như tất cả công sức, mồ hôi và tiền của của người dân. Toàn xã có khoảng 1.600ha rừng kinh tế thì có tới 1.460ha gãy đổ, thiệt hại khoảng 60 tỷ đồng. Vậy là các chương trình, mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của xã bị kéo lùi, không chỉ trong 1, 2 năm mà còn rất nhiều năm tới, bởi muốn thu được hiệu quả kinh tế từ trồng rừng chí ít cũng mất chừng 5 năm trở lên...".

Tổng hợp thiệt hại của huyện Tuyên Hoá tính đến 17 giờ ngày 18-9 cho biết, tổng diện tích rừng trồng kinh tế như keo, tràm, cao su... bị gãy, đổ do bão số 10 là hơn 9.000ha/ gần 11.000ha.

Trước những thiệt hại nặng nề về lĩnh vực lâm nghiệp, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết: Thời điểm này, Tuyên Hoá đang tập trung chỉ đạo các đơn vị chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng đóng ở địa bàn tích thu mua cho bà con.

Ngoài ra, địa phương cũng tích cực vận động các nhà máy dăm gỗ trong và ngoài tỉnh quan tâm thu mua gỗ cho người dân. Cái khó hiện tại là trên địa bàn vẫn chưa có điện nên nhà máy chưa thể hoạt động được. Về sinh kế lâu dài, huyện chủ trương vận động, chỉ đạo nhân dân chuyển dần sang trồng các cây gỗ lớn để giảm bớt thiệt hai do bão. Tuy nhiên, vấn đề này dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn do người dân Tuyên Hóa đa số mức sống còn nghèo nên việc đầu tư lâu dài là điều rất khó...

Văn Minh-Công Hợp