.

Bão số 10 gây thiệt hại gần 5.300 tỷ đồng

Chủ Nhật, 17/09/2017, 20:25 [GMT+7]
(QBĐT) - Do ảnh hưởng của bão số 10 nên hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện phía Bắc và Tuyên Hóa, Minh Hóa có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được từ 1 giờ ngày 14-9 đến 19 giờ ngày 15-9 phổ biến từ 200mm đến 300mm. Đặc biệt, tại Trạm Đồng Tâm (Tuyên Hóa) lượng mưa đo được là 396mm, Đồng Hới là 351mm. Mưa to kèm theo gió mạnh đã gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết các địa phương và người dân trong toàn tỉnh.
 
Chủ động thực hiện các phương án phòng chống lụt bão 
 
Nhận định bão số 10 sẽ diễn biến hết sức phức tạp nên ngay trong buổi chiều 14-9, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đoàn công tác đã trực tiếp đến các địa phương kiểm tra phương án phòng chống lụt bão (PCLB) bảo đảm an toàn hồ, đập, đê điều. Đồng thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị hướng dẫn người dân chằng, buộc và sẵn sàng có phương án bảo vệ các công trình đang thi công, các lồng, bè nuôi thả thủy sản trên sông; kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền bảo đảm an toàn, đúng nơi quy định, công tác phòng chống, ứng phó bão số 10 tại các địa phương dự kiến bị ảnh hưởng của bão.
Người dân Tuyên Hóa thu dọn cây bị gãy, đổ do mưa bão.
Người dân Tuyên Hóa thu dọn cây bị gãy, đổ do mưa bão.
Trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên, các địa phương đã chủ động hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, rau màu chưa thu hoạch, cây ăn quả nhằm hạn chế đổ gãy cây, rụng quả và tiến hành khơi sâu, rộng rãnh thoát nước, vun cao quanh gốc cây, không để nước đọng hoặc ngập úng, sẵn sàng các biện pháp tiêu úng khi mưa lớn xảy ra. Đối với công trình đang thi công dở dang, các đơn vị chủ động tổ chức chằng, chống, gia cố bảo đảm an toàn cho công trình.
 
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh là cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn nên đã tổ chức phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan bố trí lực lượng, phương tiện, phân công trách nhiệm ứng cứu khi có thiên tai xảy ra. Mặt khác huy động 8.505 lượt cán bộ, chiến sĩ, 8 xuồng, 2 xe thiết giáp, 20 xe cơ giới các loại tham gia công tác triển khai ứng phó, khắc phục bão số 10. Lực lượng Công an tỉnh cũng đã chủ động thành lập 4 đoàn công tác chỉ đạo trực tiếp tại công an các huyện, đồng thời thành lập 70 tổ gồm 804 lượt cán bộ, chiến sỹ về cơ sở trực tiếp giúp nhân dân ứng phó, khắc phục bão số 10.
 
Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai 2 tổ với trên 20 cán bộ, chiến sĩ, phương tiện gồm 2 ca nô tăng cường ứng phó cho các huyện Tuyên Hoá, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn để di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo duy trì lực lượng 200 cán bộ, chiến sỹ, 3 tàu, 5 ca nô, 7 ô tô sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Trên hai tuyến biên giới, các lực lượng đã di dời 268 hộ/942 nhân khẩu ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
 
Thiệt hại vẫn rất nặng nề
 
Mặc dù các địa phương, đơn vị đã hết sức tích cực, chủ động thực hiện các phương án đối phó, tuy nhiên, diễn biến phức tạp với cường độ mạnh của bão số 10 đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân các địa phương trên toàn tỉnh.
 
Số liệu thống kê từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCNtỉnh đến chiều 17-9 cho biết: Toàn tỉnh có 2 người chết (đó là ông Nguyễn Văn Hoa, 50 tuổi, ở thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn và ông Đỗ Văn Ất, 73 tuổi, ở tổ dân phố 9, phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới). Tại huyện Tuyên Hóa, có 4 người (gồm mẹ và 3 người con) được xem là mất tích do dẫn nhau đi tránh bão chưa về nhà.
Rừng cao su của người dân xã Phú Định (Bố Trạch) bị gãy đổ do bão.
Rừng cao su của người dân xã Phú Định (Bố Trạch) bị gãy đổ do bão.
Bão số 10 cũng đã gây thiệt hại hoàn toàn cho 1.065 nhà dân; số nhà bị tốc mái và thiệt hại rất nặng là 79.462 nhà, 5.850 nhà bị ngập lụt; 318 trường học và điểm trường bị ảnh hưởng… Trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp, toàn tỉnh có gần 700ha hoa màu bị hư hỏng; 6.763ha cây trồng lâu năm, 6.200ha cao su và gần 10.000 cây xanh bị gãy đổ; gần 50.000 con gia cầm chết và bị cuốn trôi. Tại TP. Đồng Hới, hơn 2,6km kênh mương bị sạt lở, trôi và hư hỏng. Mưa bão cũng đã làm sạt lở gần 3.200m đường giao thông với khối lượng gần 2.000m3 tại huyện Quảng Ninh và TP. Đồng Hới.
 
Về thủy sản, có hơn 4.300ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 129 phương tiện khai thác thủy, hải sản bị hư hỏng, 8 tàu, thuyền đánh cá bị chìm. Có 6 cột ăng ten tại các huyện Quảng Ninh và TP. Đồng Hới bị gãy đổ, gây mất liên lạc; 650 nhà kho, phân xưởng và 6 chợ, trung tâm thương mại bị gió bão gây hư hỏng nặng nề. Tổng thiệt hại ước tính hơn 5.288 tỷ đồng.
 
Ngay sau khi bão đi qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trực tiếp kiểm tra tình hình của nhân dân trong tỉnh; thăm hỏi, động viên những gia đình bị thiệt hại nặng do bão gây ra.
 
Trước mắt, Chính phủ hỗ trợ tỉnh 3.000 tấn gạo để cứu đói. Các ngành Nông nghiệp-PTNT, Giáo dục-Đào tạo, Giao thôngận tải, Điện lực đã khẩn trương tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi, chỉ đạo các địa phương khẩn trương tiêu úng giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra; triển khai ngay lực lượng dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, trường học để các em học sinh đến trường; khắc phục hệ thống lưới điện, đường giao thông nhằm bảo đảm giao thông thông suốt và cấp điện trở lại phục vụ người dân.
 
Nguyễn Hoàng