.

Chung tay dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão

Thứ Năm, 21/09/2017, 08:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Bão số 10 đổ bộ kèm theo mưa lớn đã ảnh hưởng trực tiếp và gây ra thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản, cây xanh, công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, sản xuất, môi trường... trên địa bàn TP. Đồng Hới. Ngay sau khi cơn bão đi qua, các ngành, cơ quan chức năng, địa phương và nhân dân nhanh chóng bắt tay vào công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và cuộc sống. Tuy nhiên, với khối lượng rác khổng lồ xuất hiện sau bão, thì công tác vệ sinh môi trường nhằm trả lại cảnh quan đô thị cho thành phố rất cần sự chung tay, góp sức của người dân…

Tại TP. Đồng Hới, sau trận bão số 10, hình ảnh dễ bắt gặp nhất là khắp các tuyến đường cây cối gãy, đổ ngổn ngang. Nhiều cây to bị bật gốc và nhiều công trình văn hóa phúc lợi bị thiệt hại nặng nề. Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Công viên-Cây xanh Đồng Hới cho biết, bão số 10 đã làm thiệt hại nặng nề hệ thống cây xanh đường phố, hoa, thảm cỏ ở các công viên công cộng với trên 5.500 cây xanh, trong đó có khoảng hơn 700 gốc là cây loại II. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn thiệt hại hàng nghìn cây xanh của các hộ gia đình tự trồng.

Đội ngũ công nhân của Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị tập trung thu gom rác sau bão tại tuyến đường Mẹ Suốt.
Đội ngũ công nhân của Công ty CP Môi trường và Phát triển đô thị tập trung thu gom rác sau bão tại tuyến đường Mẹ Suốt.

Chính vì vậy, hệ quả tất yếu là lượng rác thải sau bão phát sinh rất lớn, chủ yếu là rác hữu cơ cây xanh, biển quảng cáo, panô, áp phích... Để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão, TP. Đồng Hới đã chỉ đạo các ban, ngành, các hội đoàn thể, lực lượng vũ trang phối hợp cùng với nhân dân huy động toàn bộ nhân lực và phương tiện, khẩn trương ra quân thực hiện vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải, quét dọn đường phố, các khu vực dân cư, nhất là các khu vực họp chợ, trường học, bệnh viện…

Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình được xác định là đơn vị chủ lực trong việc thu gom rác thải ra khỏi địa bàn nhằm tránh ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân.

Theo ông Trần Thanh Chương, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình: “Sau bão số 10, lượng rác phát sinh tăng lên gấp 10 lần so với ngày bình thường với khối lượng ước khoảng 2.000 tấn và chủ yếu là cành, lá cây xanh bị gãy đổ. Vì vậy, đơn vị đã bắt tay dọn dẹp ngay sau khi bão có dấu hiệu tan, chứ không để dồn lại sẽ ảnh hưởng đến môi trường…”

Với mục tiêu nhanh chóng khắc phục, ổn định cuộc sống của nhân dân và bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như cảnh quan đô thị, Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình đã tập trung dọn vệ sinh môi trường theo những giải pháp tối ưu nhất.

Công ty huy động toàn bộ lực lượng cả công nhân làm việc trực tiếp và cán bộ gián tiếp gồm 200 người; đồng thời phát huy hết công suất của 8 xe chở rác chuyên dụng, 5 xe ben, xe cẩu để nhanh chóng giải phóng rác. Cùng với đó, đội ngũ công nhân liên tục tăng ca, tăng giờ làm từ 4 giờ sáng đến 22 giờ trong ngày 16 và 17-9 nhằm cố gắng đưa rác sinh hoạt và cây xanh bị gãy, đổ ra khỏi khu vực trung tâm thành phố càng nhanh càng tốt.

Đơn vị cũng đã ưu tiên thu gom rác thải các tuyến đường chính của thành phố, như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hữu Nghị… để hoạt động giao thông được thông suốt. Các đội thu gom rác vừa tiến hành thu gom rác thải dân cư vừa kết hợp thu dọn cành cây, panô… tại các điểm. Toàn bộ rác thu gom được xử lý bằng hình thức vận chuyển lên bãi rác thành phố và sau khi tiến hành xử lý bằng hóa chất thì cho chôn lấp theo quy định.

Có mặt tại các tuyến đường chính những ngày sau khi bão tan, chúng tôi ghi nhận được hình ảnh hối hả, khẩn trương của các công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị. Chị Phạm Thị Cúc, tổ trưởng tổ Đồng Mỹ cùng đồng nghiệp đang thu dọn cành rác tại khu vực công viên chia sẻ, từ hôm bão đến nay, một số cán bộ và công nhân của công ty đã tập trung trực 24/24h, đảm bảo xử lý nhanh các tình huống xảy ra như giải phóng các cây xanh, các bảng biểu... bị đổ, gây cản trở giao thông.

Riêng đội ngũ công nhân sau bão đã tập trung tăng giờ làm để dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo môi trường. Mặc dù nhiều công nhân có gia đình cũng bị thiệt hại trong bão nhưng họ vẫn dồn sức cho công việc của mình để sớm trả lại môi trường trong sạch cho đường phố.

Đến nay, sau những ngày cao điểm và tập trung toàn bộ lực lượng, Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị đã bốc dỡ và vận chuyển lên bãi rác hơn 500 tấn. Nhờ đó, hiện các tuyến đường chính và các khu dân cư trung tâm TP. Đồng Hới đã được thu dọn cơ bản, góp phần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trở lại như bình thường.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là với khối lượng rác thải phát sinh sau bão quá lớn nên mặc dù công việc thu dọn rác được tiến hành cả ngày và đêm nhưng chưa thể giải quyết hết được. Dạo quanh nhiều tuyến đường trên địa bàn các xã, phường thuộc TP. Đồng Hới và một số khu vực công cộng, vẫn còn thấy xuất hiện nhiều đống rác sau bão.

Bãi đỗ xe tại đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng đã thành bãi rác thải tự phát sau bão số 10.
Bãi đỗ xe tại đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng đã thành bãi rác thải tự phát sau bão số 10.

Ông Trần Thanh Chương cho rằng, nguyên nhân do số lượng xe chuyên dụng và lực lượng công nhân chỉ vừa đáp ứng thu dọn rác hàng ngày nên những khi rác tăng đột biến, công tác thu dọn chưa kịp thời. Mặt khác, “Một thực trạng khá phổ biến là khi giải phóng lượng rác thải cây xanh ngoài mặt đường thì nhiều người dân lại tiếp tục đưa ra lượng rác cành cây xanh chặt tỉa trong vườn nhà, đồ dùng hư hỏng. Tất nhiên, khi có rác ngoài đường phố thì công ty phải tiếp tục làm sạch.

Bên cạnh đó, một số hộ dân thiếu ý thức đã đổ lẫn rác thải sinh hoạt và vật liệu xây dựng gây mất vệ sinh môi trường. Vì lẽ đó, khả năng công tác xử lý rác thải phải kéo dài trên cả tuần mới có thể thu dọn xong…”, ông Chương thông tin thêm.

Ngoài việc phải dọn cả rác sinh hoạt và số cây xanh gãy đổ chưa kịp xong thì khối lượng công việc của công nhân vệ sinh môi trường còn bị quá tải khi phải “gồng gánh” thêm hàng loạt bãi rác tự phát ngổn ngang của người dân sau bão. Hoạt động thu dọn môi trường vốn đã vất vả, sau bão lại càng vất vả và khiến kéo dài thời gian hơn.

Từ thực trạng này, ngoài sự nỗ lực của Công ty cổ phần Môi trường và Phát triển đô thị Quảng Bình thì rất cần sự chủ động, tích cực của chính quyền thành phố đến các phường, xã trong việc kêu gọi cộng đồng tại các khu dân cư chung tay thu dọn cây đổ, thu gom rác thải kịp thời. Đồng thời, cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm của nhiều hộ dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh với cộng đồng ngay nơi ở của chính mình.

N.L