.

Nước mắt người trồng rừng

Thứ Ba, 19/09/2017, 15:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Cơn bão số 10 đi qua làm hàng nghìn ha rừng keo, tràm của người dân huyện nghèo Minh Hóa bị gãy đổ khiến bao vốn liếng, công sức và hy vọng đổi đời của người dân mất hết.

Huyện Minh Hoá có trên 3.838ha rừng trồng đã thành rừng. Nhờ trồng rừng mà đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, phong trào trồng rừng kinh tế đã và đang phát triển rộng khắp, bước đầu đem lại kết quả khả quan. Những cánh rừng đang mang lại hy vọng đổi đời cho bao người dân nhưng giờ đây đã gần như mất trắng sau cơn bão số 10.

Theo thống kê của UBND huyện Minh Hóa, toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn đều bị thiệt hại với mức độ từ 70 đến 100%. Có những địa phương, rừng gần như bị xóa sổ như xã Hóa Phúc, Xuân Hóa, Hồng Hóa, Trọng Hóa, Xuân Hóa, thị trấn Quy Đạt…

Những keo 6 năm tuổi của người dân Minh Hóa đã bật gốc đổ xuống
Những keo 6 năm tuổi của người dân Minh Hóa đã bật gốc.

Toàn xã Hóa Phúc có hơn 200ha rừng trồng của trên 100 hộ dân sống ở thôn Sy. Trung bình mỗi năm, toàn xã khai thác được 400m3 gỗ keo, tràm, bán được hàng tỷ đồng. Hàng chục hộ dân là triệu phú rừng trồng với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhưng chỉ qua cơn bão số 10 năm nay, những người trồng rừng ở xã này phải rưng rưng nước mắt khi hàng trăm ha rừng của bà con bị đổ gãy, gần như xóa sổ.

Chứng kiến cảnh tượng cả chục ha rừng của mình bị gãy đổ, xếp chồng lên nhau, lá cây đang dần héo quắt, ông Đinh Minh Phận không cầm được nước mắt: “Hết cả rồi chú à. Vườn cây này năm 2013 cũng bị bão lớn xô đổ nhưng khi đó keo còn nhỏ nên hồi phục lại, giờ chuẩn bị thu hoạch thì bị gãy. Gỗ chừ gãy vụn, khô héo thế ai mua đây, chắc đem làm củi thôi. Vậy là gia đình tôi mất đứt hàng trăm triệu đồng rồi đó”.

Gia đình ông Phận đã trồng được 12ha rừng keo, gần 2ha trầm hương, hàng ngàn cây ăn quả và khoanh nuôi bảo vệ 5ha rừng tự nhiên. Ông đã từng bán được 4 lứa rừng trồng với số tiền trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, vườn cây ăn quả của nhà ông mỗi năm cũng thu nhập được vài chục triệu đồng nhưng tất cả đã bị cuốn theo cơn bão.

Ông Đinh Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Hóa Phúc nói: “Vấn đề thu mua gỗ sau bão chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn với người dân vì không có thương lái mua. Thêm nữa, người ta mua nguyên cây, cây tươi để dễ bóc vỏ, trong khi bão làm gãy đổ nhiều khúc và chỉ hai ngày cây héo, khó bóc vỏ thì ai mua cho. Hơn nữa, bão to làm rừng keo cả tỉnh gãy chứ đâu chỉ có Hóa Phúc, nếu thương lái mua thì họ chọn nơi thuận lợi chứ không ai lại lên vùng cao này. Cứ đà này, không khéo hàng nghìn khối gỗ keo phải làm củi”.

Sau cơn bão, anh Đinh Minh Sáng, ở xã Xuân Hóa dẫn chúng tôi đi thăm cánh rừng gần chục ha của mình đang sắp cho thu hoạch. Nhìn những cây gỗ 6 năm tuổi có đường kính trung bình 20cm đổ ngổn ngang, có chỗ hàng chục cây nằm xếp chồng lên nhau khiến anh thất thần: “Hết cả rồi chú ơi, bao nhiêu mồ hôi, công sức, vốn liếng của tôi giờ đã cuốn theo theo cơn bão. Gần 10ha rừng này, tôi định cuối năm bán để làm lại căn nhà, vậy mà giờ đây đã mất hết. Chừ không biết lấy tiền đâu để trả nợ đây”.

Đến nay, toàn xã Xuân Hóa có 414ha rừng tràm, 448ha rừng khoanh nuôi bảo vệ và phục hồi, 292ha rừng phòng hộ. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích rừng của bà con gần như bị đổ, gãy hoàn toàn khiến thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Những đống keo, tràm gãy đổ nằm ngổn ngang gây thiệt hại từ 70% đến 100%
Những đống keo, tràm gãy đổ nằm ngổn ngang.

Nằm sát biên giới, rừng trồng của người dân Trọng Hóa cũng bị thiệt hại rất lớn. Theo số liệu thống kê, toàn xã có khoảng 600ha đất có rừng trồng, trong đó có 178ha do dự án vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng hỗ trợ trồng cây bản địa. Từ năm 2013 đến nay, toàn xã đã khai thác được gần 500ha rừng trồng, số tiền người dân thu được hàng tỷ đồng. Nhưng chỉ sau cơn bão số 10 vừa qua, nhiều người dân nghèo ở Trọng Hóa cũng phải khóc vì rừng.

Chị Hồ Thị Mười, ở bản La Trọng 2 gạt nước mắt nói: “Từ khi được giao gần chục ha đất trồng rừng, miềng đã bán bò để mua giống cây và đầu tư công sức để trồng. Ngày đó, được cán bộ xã lên tận rừng bắt tay, chỉ việc, hướng dẫn cụ thể, mình mới biết cách trồng”. Hơn 10 năm trôi qua, cánh rừng bạt ngàn của Hồ Thị Mười đã phát triển xanh tốt, lứa rừng trồng đầu tiên đã mang lại cho gia đình chị 20 triệu đồng, lứa thứ 2 cho thu gần 50 triệu đồng. Những lứa rừng trồng này, chị dự trù thu được khoảng 70 triệu đồng nhưng tất cả đều bị gãy đổ. Nếu bán củi, chắc cũng chẳng ai mua vì vùng này rừng ai cũng bị gãy, đổ cả.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho biết: “Trước mắt, huyện chỉ đạo bà con tận thu để bán cho các nhà máy dăm gỗ. Còn những cây đang sống thì để lại, tiếp tục chăm sóc để phục hồi. Về lâu dài, huyện chủ trương chuyển sang trồng các cây bản địa ở những nơi có độ dốc cao, đề nghị Nhà nước hỗ trợ để mua giống cây keo lai nuôi cấy mô để trồng. Bởi loại giống này có rễ cắm sâu hơn, phát triển nhanh hơn các loại giống thông thường để giảm bớt thiệt hại do bão”.

Ở vùng cao huyện Minh Hóa này, rừng là nguồn sống của bà con. Thế nhưng, sau trận bão lớn, tất cả đều trắng tay. Và giấc mơ đổi đời từ những cánh rừng của người nông dân tưởng đang rất gần giờ lại xa thêm vì bão.

Xuân Vương