.

Nhà ở cho người thu nhập thấp ở TP. Đồng Hới: Đợi chờ trong… lãng quên

Thứ Sáu, 04/08/2017, 08:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2011-2020, dự báo số người thu nhập thấp ở đô thị có khó khăn về nhà ở của tỉnh ta khoảng 5% dân số đô thị, trong đó tập trung chủ yếu tại TP.Đồng Hới. Do đó, các dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng là điều cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của dân cư đô thị, đồng thời tạo diện mạo văn minh, hiện đại cho thành phố. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các dự án nhà ở đô thị dành cho người thu nhập thấp (NTNT) tại Đồng Hới chỉ nằm trên giấy và dường như đã bị lãng quên...

Nhu cầu nhà ở đô thị của người dân

Xuất phát từ đặc điểm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả tỉnh, do vậy trong những năm qua, nhu cầu về nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động (CNLĐ) tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung, cho người có thu nhập thấp tại TP. Đồng Hới có chiều hướng tăng mạnh.

Mô hình chung cư mini tại phường Bắc Lý được nhiều gia đình lựa chọn.
Mô hình chung cư mini tại phường Bắc Lý được nhiều gia đình lựa chọn.

Riêng tại các KCN trên địa bàn TP. Đồng Hới, hiện có khoảng hơn 3 nghìn CNLĐ. Tuy nhiên, tại các KCN này, nhà ở dành cho CNLĐ còn rất hạn chế. Trong khi đó, số CNLĐ có nhu cầu về nhà ở chiếm khoảng 50% tổng số CNLĐ tại các KCN. Theo ông Nguyễn Lương Bình, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh, cuối năm 2016, đơn vị đã tổ chức khảo sát về nhu cầu nhà ở đối với 2.414 CNLĐ tại KCN Tây Bắc Đồng Hới và KCN Bắc Đồng Hới.

Qua kết quả khảo sát sơ bộ của Liên đoàn lao động tỉnh cho thấy, có 1.213 CNLĐ có nhu cầu thuê nhà ở và có 1.089 CNLĐ có nhu cầu mua nhà ở dành cho NTNT. Như vậy, vấn đề đặt ra là trong khi người lao động gặp khó khăn, bất cập trong việc tiếp cận chế độ, chính sách, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để phát triển nhà ở, thì hình thức mua nhà ở xã hội dành cho NTNT là một biện pháp khả thi để người lao động “an cư lạc nghiệp”.

Anh Hoàng Thái Bình, công nhân Công ty cổ phần gốm sứ và xây dựng Cosevco Quảng Bình chia sẻ, đa số CNLĐ đều có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, đi làm xa nhà nên có nhu cầu về nhà ở giá thấp và bảo đảm an ninh trật tự, nhất là đối với những gia đình có con nhỏ.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố đã có một số khu nhà ở tập trung được xây dựng từ nguồn vốn doanh nghiệp, hộ gia đình, đáp ứng được khoảng trên 50% nhu cầu của người dân, như: Công ty TNHH XDTH Đại Phong; hay một số đơn vị doanh nghiệp cũng làm mô hình chung cư mini tại phường Bắc Lý, Nam Lý với quy mô từ 10-15 phòng...

Tuy nhiên, chị Yến Trang, quê ở Bố Trạch đang làm việc tại Đồng Hới cho biết: “Với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng, việc thuê nhà ở thực sự gây áp lực cho lao động. Nhưng nếu xây dựng nhà ở riêng lẻ thì đòi hỏi người lao động đầu tư kinh phí cao từ 500 -700 triệu đồng, không phù hợp với NTNT. Do đó, nếu có nhà ở xã hội trong thành phố (theo hình thức cho thuê, bán trả góp) thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những người lao động như chúng tôi”.

Trong chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020, dự báo đến năm 2015, diện tích nhà ở cho NTNTtại các đô thị cần là 110.700m2 (tương đương 2.185 căn hộ) và đến 2020 là 148.140m2 (tương đương 2.570 căn hộ), tỉnh đã xây dựng 2 dự án nhà ở thu nhập thấp với quy mô 180.000m2 sàn tại khu vực TP. Đồng Hới.

Cụ thể,1 dự án tại vị trí khu vực phía bắc đường Trần Quang Khải với quy mô 80.000m2 sàn xây dựng, với kinh phí 550 tỷ đồng; 1 dự án tại khu dân cư đường Phan Đình Phùng (gần ngã 3 Phú Quý) có quy mô 100.000m2 sàn xây dựng, với kinh phí 687 tỷ đồng.

Nhưng đến thời điểm này, đã kết thúc giai đoạn 1 và giai đoạn 2 cũng đi gần hết nửa chặng đường, nhưng những dự án này vẫn nằm trên giấy và người lao động có thu nhập thấp vẫn tiếp tục “dài cổ” chờ đợi.

Đâu là nguyên nhân?

Ông Phạm Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thời gian qua tỉnh cũng đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho NTNT đối với các đối tượng, như: học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo, người nghèo, CNLĐ tại các KCN, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị...

Vì vậy, hiện nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn TP.Đồng Hới cơ bản được đáp ứng (người dân có nhu cầu về nhà ở nhưng chưa nhiều) và không gây áp lực, bức xúc như một số đô thị lớn Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh...

Quỹ đất khu vực phía bắc đường Trần Quang Khải được dành để thực hiện dự án đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn bỏ trống nhiều năm nay.
Quỹ đất khu vực phía bắc đường Trần Quang Khải được dành để thực hiện dự án đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn bỏ trống nhiều năm nay.

Mặt khác, các dự án nhà ở thu nhập thấp ở đô thị khó triển khai là do trên 90% người dân trong tỉnh nói chung và trên địa bàn TP.Đồng Hới nói riêng  có mong muốn xây dựng nhà ở riêng lẻ chưa hình thành thói quen ở khu chung cư, khu tập thể hay nhà ở thu nhập thấp. Nên, việc triển khai xây dựng nhà ở tập thể, nhà chung cư và nhà thương mại hầu như không phổ biến.

Cùng với đó, hiện các dự án nhà ở dành cho NTNT đều được triển khai thực hiện trên tinh thần xã hội hóa. Nhà nước chỉ giữ vai trò tổ chức quy hoạch, đấu giá và cấp quyền sử dụng đất; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư và cho vay vốn. Tuy nhiên, rất ít các tổ chức, các thành phần kinh tế tham gia trong phát triển các dự án nhà ở xã hội.

“Mặc dù tỉnh đã có nhiều động thái đốc thúc, mời gọi đầu tư về lĩnh vực này và đã có một vài doanh nghiệp đăng ký làm chủ đầu tư nhưng sau đó lại không triển khai được dự án nào. Nguyên nhân chính vẫn là do doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này...”, ông Phạm Quốc Anh thông tin thêm.

Mặt khác các doanh nghiệp không mặn mà khi đầu tư vào thị trường nhà ở xã hội tại địa phương còn vì khả năng hoàn vốn chậm. Bởi, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong đô thị đòi hỏi nguồn vốn lớn, nếu chỉ cho thuê, thuê-mua thì thời gian thu hồi vốn rất dài, khả năng sinh lợi thấp.

Đơn cử như dự án khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại vị trí phía bắc đường Trần Quang Khải và đường Phan Đình Phùng có tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến trên 1.237 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chỉ bỏ 10%, còn lại 90% kinh phí là của nhà đầu tư.

Ngược lại, điều kiện để tham gia phát triển nhà thương mại lại khá đơn giản, lợi nhuận thu về cao hơn, nhanh hơn và dễ huy động vốn nên các doanh nghiệp thường tập trung nhiều vào khu vực này. Tình trạng trên sẽ gây hậu quả dư thừa nhà ở trung cấp, cao cấp nhưng lại thiếu nhà ở xã hội, khiến mục tiêu giải quyết nhà ở cho NTNT khó thực hiện được.

Ông Phạm Quốc Anh khẳng định, dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho CNLĐ tại các KCN tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực TP. Đồng Hới tăng mạnh, nên việc các dự án nhà ở xã hội được khởi động xây dựng là cần thiết.

Để những chương trình, dự án xây dựng nhà ở xã hội khu vực đô thị dành cho NTNTtrở thành hiện thực, đáp ứng mong mỏi của người dân, rất cần sự vào cuộc, chỉ đạo, điều hành mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương cũng tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội, góp phần huy động các nguồn vốn và tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tham gia vào các dự án phát triển nhà ở cho NTNT.

N.L