.

Khi vai trò cựu chiến binh được phát huy

Thứ Tư, 09/08/2017, 15:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Hơn một năm sau sự cố môi trường biển, đời sống của người dân xã biển Đức Trạch (Bố Trạch) đã trở lại với nhịp vốn có trước đây. Hoạt động chi trả đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển cho các đối tượng liên quan cũng đã hoàn thành. Công tác chi trả của địa phương diễn ra khá thuận lợi, hợp lòng dân, góp phần tạo động lực để người dân yên tâm lao động sản xuất, khôi phục và ổn định đời sống. Có được kết quả đó là nhờ một phần không nhỏ vào đóng góp tích cực của các cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Đức Trạch.  

Với khoảng 80% lao động đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến nghề biển, Đức Trạch là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do sự cố môi trường biển gây ra trên địa bàn huyện Bố Trạch. Theo thống kê, toàn xã có 4.870 lao động liên quan biển với 724 tàu thuyền, trong đó 266 thuyền không lắp máy, 218 tàu công suất dưới 90CV với hàng trăm lao động chuyên đánh bắt gần bờ, thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng và 240 tàu đánh bắt xa bờ với hàng ngàn lao động thu nhập 12-15 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có nhiều lao động sơ chế hàng thủy sản và lao động làm thuê trong các cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản, đóng sửa tàu cá, sản xuất, kinh doanh ngư cụ, dịch vụ, thương mại...

Sau sự cố môi trường biển, đời sống của đại bộ phận người dân Đức Trạch gặp không ít khó khăn, chật vật. Chính vì vậy, để bà con yên tâm tập trung lao động sản xuất, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã kịp thời chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, trong đó chú trọng nêu cao vai trò của CCB đối với công tác tuyên truyền, vận động và giám sát công tác chi trả bồi thường.

 Hội CCB Đức Trạch vận động hội viên tích cực lao động sản xuất ổn định đời sống.
Hội CCB Đức Trạch vận động hội viên tích cực lao động sản xuất ổn định đời sống.

Xác định vai trò tiên phong trong công tác tuyên truyền, ổn định tư tưởng nhân dân sau sự cố môi trường biển, ngay những ngày đầu khi sự cố xảy ra, Hội CCB xã đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, chỉ đạo các chi hội ở các thôn nhanh chóng nắm bắt tình hình đời sống cũng như tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng bị ảnh hưởng để kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp. Đặc biệt, hội luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ chủ trương, đường lối, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành về giải quyết sự cố môi trường biển, hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách và xảy ra khiếu kiện, khiếu nại trên địa bàn. Nhiều hình thức tuyên truyền đã được áp dụng để đạt hiệu quả cao nhất như tuyên truyền trong các buổi họp thôn; phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt hội, hội nghị đánh giá công tác hàng tháng, hàng quý; chỉ đạo các hội viên đến tận từng khu dân cư để tuyên truyền, vận động.

“Để bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, Đức Trạch đã trao quyền tự chủ cho người dân. Xã triển khai, thực hiện các bước đúng quy trình, bảo đảm quy chế dân chủ, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư từ việc xác định đối tượng, lấy ý kiến chi bộ, cốt cán thôn, họp dân; họp tổ xác nhận thôn; công khai lấy ý kiến; tổ chức kiểm tra, xác minh và giải quyết các đơn thư, kiến nghị của nhân dân; họp hội đồng đánh giá xã và tiếp tục công khai kết quả để lấy ý kiến phản ánh của người dân. Cán bộ Hội CCB tích cực giải thích cho các hội viên và người dân hiểu rõ chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến việc bồi thường. Đối với một vài trường hợp không nắm rõ chủ trương, có kiến nghị, thắc mắc, chúng tôi đã cử cán bộ đến tận nơi để tuyên truyền, giải thích rõ ràng. Bên cạnh đó, để công tác chi trả diễn ra thuận lợi, bảo đảm đúng đối tượng, Hội CCB xã Đức Trạch đặc biệt chú trọng đến công tác giám sát hoạt động chi trả. Hội chỉ đạo, phân công các hội viên giám sát chặt chẽ theo từng xóm, từng thôn, không để xảy ra chuyện nhầm lẫn, bỏ sót. Nhờ đó, trên địa bàn không xảy ra tình trạng khiếu kiện, khiếu nại. Đa số bà con đều đồng tình với cách làm của xã”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hội CCB xã Đức Trạch cho biết.

Toàn thể 450 hội viên CCB của xã Đức Trạch đều chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển nên sinh kế của họ cũng gặp không ít khó khăn, trắc trở. Chính vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chủ trương, chính sách liên quan đến công tác đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra, Hội CCB xã Đức Trạch còn tích cực vận động các hội viên nói riêng và bà con nói chung chuyển đổi nghề nghiệp, chủ động tận dụng các nguồn vốn được hỗ trợ để nhanh chóng bắt tay tìm hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Có thể khẳng định, với những bước đi đúng, Hội CCB xã Đức Trạch đã khẳng định vai trò của mình trong việc góp phần tích cực ổn định tình hình nhân dân, thực hiện chi trả đền bù một cách thuận lợi, hiệu quả, hợp lòng dân.

Đ.V