.

Để vơi bớt nỗi đau da cam

Thứ Ba, 08/08/2017, 09:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những di chứng do chất độc da cam/dioxin gây ra vẫn từng ngày, từng giờ gây nhức nhối cho các nạn nhân và toàn xã hội. Chính vì vậy, những năm qua, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã và đang chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ nạn nhân cùng gia đình họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Lịch sử không bao giờ quên ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ bắt đầu phát động cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành trên 19.900 vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học tại chiến trường Việt Nam, 61% trong số đó là chất độc da cam. Cuộc chiến đó đã làm cho hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam, hơn 3 triệu người là nạn nhân đang sống quằn quại với những bệnh tật dày vò, dị dạng, tật nguyền. Con cháu họ cũng bị dị dạng, dị tật, đang sống trong đau khổ, nghèo khó do di chứng tàn khốc của chất độc da cam/dioxin.

 Để xoa dịu nỗi đau da cam rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
Để xoa dịu nỗi đau da cam rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình đã có hàng vạn người tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội... vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu. Nhiều người đã anh dũng hy sinh và có hàng nghìn người mang trên mình thương tích của chiến tranh. Theo báo cáo của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 19.200 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, 80% nạn nhân chất độc da cam hiện tại đã trên 60 tuổi; khoảng 14-18% trong số họ đã chết; 34% nạn nhân là phụ nữ; 18% có cả vợ lẫn chồng là nạn nhân; 85% các gia đình nạn nhân có 2-4 trẻ dị tật; 3% hộ gia đình nạn nhân có tới trên 5 cháu tật nguyền. Chất độc da cam di chứng đến thế hệ thứ 2, 3, 4..., nhiều đứa trẻ sinh ra dị hình, dị dạng, bại liệt, tâm thần...

Thấu hiểu những nỗi đau mà nạn nhân chất độc da cam và thân nhân của họ đang hàng ngày, hàng giờ phải gánh chịu, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta đã rất quan tâm khắc phục hậu quả thảm họa. Đến nay, đã có 3.438 nạn nhân trực tiếp tham gia kháng chiến được hưởng chế độ chính sách; 2.198 cháu là con đẻ của nạn nhân tham gia kháng chiến được hưởng chế độ chính sách. Bên cạnh thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho nạn nhân chất độc da cam, hàng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn tích cực vận động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, tổng số tiền giúp nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh đạt trên 1,5 tỷ đồng. Trong đó, tặng quà lễ, tết trên 667 triệu đồng; hỗ trợ nạn nhân tẩy độc 296 triệu đồng; tặng quà trực tiếp cho nạn nhân trên 279 triệu đồng... Trong dịp lễ, tết, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành, đoàn thể... tổ chức thăm, khám, cấp thuốc miễn phí cho cho hàng trăm lượt nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn... Mặt khác, thông qua tổ chức hội, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm thường xuyên chia sẻ , hỗ trợ giúp đỡ bằng nhiều hình thức thiết thực, như: dạy nghề, tạo việc làm cho những người có khả năng lao động. Những sự giúp đỡ này, phần nào giúp các gia đình nạn nhân giảm bớt những khó khăn, mất mát.

Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting trao tặng xe lăn, xe lắc cho các nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh.
Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting trao tặng xe lăn, xe lắc cho các nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Phước, Chánh văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều phong trào và hoạt động có ý ngĩa được thực hiện, như: "Đền ơn đáp nghĩa", “Uống nước nhớ nguồn", "Vì nạn nhân chất độc da cam"... nhằm hướng tới trợ giúp những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền và quyên góp ủng hộ Quỹ hỗ trợ nạn nhân.

Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều nạn nhân chất độc da cam chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều người không giữ được các loại giấy tờ, hồ sơ, khó khăn trong khâu chứng nhận. Vì vậy, hội rất mong các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện giúp nạn nhân chất độc da cam bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để sớm được hưởng chế độ chính sách.

Phạm Hà