.

Bức tranh xuất khẩu lao động - Kỳ 2: Nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực

Thứ Hai, 10/07/2017, 09:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, nhu cầu đi XKLĐ ở tỉnh ta đang tăng cao, vì vậy số lượng người đăng ký tham gia sẽ tiếp tục gia tăng so với những năm trước. Nhưng kéo theo đó, hoạt động XKLĐ cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập cần phải tập trung giải quyết. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần tìm giải pháp hữu hiệu nhằm chấn chỉnh hoạt động XKLĐ.

>> Kỳ 1: Muôn hình, vạn trạng

Vẫn còn nhiều tồn tại...

Theo ông Phạm Thành Đồng, Phó giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB-XH), tại tỉnh ta số lao động về nước bình quân hàng năm giao động từ khoảng 1.900- 2.100 người, trong đó chủ yếu là do hết hạn hợp đồng. Số lao động về nước do vi phạm hợp đồng chiếm khoảng 6,2-6,8%. Riêng chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc có 615 lao động cư trú bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ khoảng 62% trong tổng số 991 lao động làm việc tại Hàn Quốc, trong đó chủ yếu là người lao động của huyện Bố Trạch (350 người).

Thực trạng này đã làm cho các chủ sử dụng lao động ở nước sở tại mất lòng tin đối với lao động Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng. Ngay sau đó, Bộ LĐ-TB-XH quyết định tạm dừng tuyển chọn lao động tại huyện Bố Trạch, Ba Đồn và Đồng Hới theo chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc. Từ đó, nhiều lao động tại tỉnh ta đã và đang tham gia hướng nghiệp, theo học tiếng Hàn Quốc rơi vào hoàn cảnh “tiến không được, lùi cũng không xong” và chịu thiệt hại về kinh tế.

Thực tế này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi vi phạm pháp luật của nhiều đối tượng hoạt động XKLĐ “chui”, hoặc xuất hiện tình trạng lao động “lách luật” bằng cách chuyển đổi hộ khẩu sang các tỉnh khác để đăng ký dự tuyển XKLĐ Hàn Quốc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, hiện nay công tác phối hợp với doanh nghiệp trong việc xử lý người lao động vi phạm pháp luật nước tiếp nhận, lao động phá hợp đồng được thực hiện tại địa phương thông qua hình thức vận động, tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả.

Đáng chú ý, hiện nay, ngoài các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ có uy tín trên địa bàn, như: Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên..., vẫn tồn tại một số tổ chức, doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, hoạt động trái phép gây thiệt hại về vật chất, tinh thần và làm mất niềm tin của người lao động.

Cụ thể, có doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép kinh doanh nhưng chưa được Sở LĐ-TB-XH cấp Giấy phép giới thiệu vẫn tự ý treo biển quảng cáo và triển khai hoạt động môi giới, tuyển dụng người đi XKLĐ trên địa bàn tỉnh. Hay một số doanh nghiệp ngoại tỉnh, khi được Sở LĐ-TB-XH cấp giấy giới thiệu về địa phương tuyển lao động nhưng lại không trực tiếp đến địa phương mà thông qua một vài cá nhân để môi giới người lao động.

Chính điều này đã xuất hiện tình trạng “cò mồi” câu kết với các doanh nghiệp XKLĐ trong và ngoài tỉnh hoạt động theo phương thức đa cấp để tuyển người lao động ở địa phương, nhất là các vùng kinh tế khó khăn, gây nên những hệ lụy nếu người lao động thiếu hiểu biết.

 Số lượng người lao động tham gia đăng ký XKLĐ ở tỉnh ta đang tăng cao.
Số lượng người lao động tham gia đăng ký XKLĐ ở tỉnh ta đang tăng cao.

Ông Lê Xuân Dục, Trưởng phòng Chính sách lao động, Sở LĐ-TB-XH còn cho rằng, mặc dù số lượng lao động tỉnh ta rất dồi dào, nhưng tỷ lệ chưa qua đào tạo lại khá cao, trình độ ngoại ngữ, tay nghề còn thấp; chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước, đặc biệt là các thị trường đòi hỏi tay nghề và ngoại ngữ cao.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động của nhiều địa phương trong tỉnh ý thức tổ chức, chấp hành kỷ luật vẫn còn nhiều hạn chế và sức khỏe chưa đạt yêu cầu. Đơn cử như, tại địa bàn huyện Minh Hóa, năm 2010 toàn huyện có 12 lao động không đủ sức khỏe và 8 lao động bị kỷ luật phải về nước trước thời hạn. Chưa kể, nhiều lao động có tâm lý không muốn xa gia đình, nên đã xảy ra tình trạng đăng ký nhưng không tham gia sơ tuyển.

Một số trường hợp đã trúng tuyển đi học nghề, học tiếng tại các công ty, nhưng sau một thời gian ngắn lại tự ý bỏ về địa phương. Một số trường hợp sau khi hoàn thành chương trình giáo dục định hướng, trở về địa phương, nhưng không hoàn thiện thủ tục hồ sơ vay vốn và các thủ tục liên quan...

Nâng cao chất lượng XKLĐ

Thực hiện đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội, góp sức xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Vì vậy, trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh ta phấn đấu mỗi năm đưa 2.400-2.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài và trên 65% tỷ lệ lao động qua đào tạo. Với mục tiêu đó, đòi hỏi cần được sự chung tay của các cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn thể xã hội nhằm tháo gỡ những vướng mắc và điều chỉnh hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện.

Một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến người dân các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về XKLĐ; chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng nhiều hình thức.

Đặc biệt, các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp với các doanh nghiệp thông tin đầy đủ cho người lao động về nhu cầu, điều kiện thị trường, tiêu chuẩn tuyển chọn lao động để người lao động chủ động lựa chọn những doanh nghiệp, đơn vị có đủ tư cách pháp nhân, có uy tín trong lĩnh vực XKLĐ.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cũng thẳng thắn đề xuất, cầncó phương án nâng cao chất lượng, cũng như trách nhiệm ràng buộc của người lao động trong việc nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật khi đi làm việc ở nước ngoài và về nước sau khi kết thúc hợp đồng, không ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại các nước sở tại.

Như đối với người lao động đang ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, các địa phương phải quyết liệt trong cách thức thực hiện, như: tổ chức niêm yết công khai danh sách lao động cư trú bất hợp pháp tại các nơi công cộng; thường xuyên thông báo trên Đài phát thanh xã để nhân dân và gia đình biết; tuyên truyền, vận động con em về nước đúng kỳ hạn; đưa nội dung này vào xem xét, không công nhận Gia đình văn hóa đối với các hộ có con em cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Xác định XKLĐ là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, thiết thực, tạo động lực góp phần giải quyết việc làm, nên trong thời gian tới, các địa phương cần thực hiện tốt mô hình liên kết XKLĐ với doanh nghiệp, đơn vị XKLĐ để giảm bớt khó khăn và tốn kém cho người lao động. Cụ thể, doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong tuyển chọn lao động; công khai minh bạch với chính quyền địa phương và người lao động các điều kiện hợp đồng, nhất là các khoản đóng góp...

Cùng với đó, doanh nghiệp XKLĐ được giới thiệu phải làm tốt công tác giáo dục định hướng, dạy nghề, ngoại ngữ và giải quyết kịp thời các vướng mắc, rủi ro (nếu có) trong quá trình thực hiện hợp đồng đưa lao động đi làm việc nước ngoài.

Nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong XKLĐ và bảo đảm  môi trường lành mạnh, ổn định cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cần tăng cường sự giám sát, đổi mới công tác thanh tra và phối hợp đồng bộ trong việc phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động XKLĐ, đồng thời, kiên quyết loại trừ các doanh nghiệp, cá nhân không đủ điều kiện, thiếu thủ tục pháp nhân trong hoạt động XKLĐ để hạn chế thấp nhất các rủi ro.

Ngọc Lưu