.

Chuyện của Vũ "dừa"

Thứ Bảy, 08/07/2017, 19:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Góc đường đối diện chợ Đồng Hới có một chiếc xe dừa. Chủ nhân bán dừa là chàng trai tật nguyền có nụ cười hồn hậu, dễ mến. Khách quen, quý… lâu ngày gọi tên anh là Vũ “dừa”. Ít ai biết rằng, cuộc đời của Vũ lắm thăng trầm, vinh quang, hạnh phúc trộn lẫn mồ hôi, nước mắt.

Lê Văn Vũ sinh năm 1985, quê quán xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, là con trai út trong gia đình có đến bảy anh chị em. Câu chuyện Vũ kể trôi ngược về quá khứ thật buồn: “Em sinh ra vốn bình thường như bao đứa trẻ khác. Lúc tròn một tuổi, bắt đầu chập chững tập đi thì bố mẹ phát hiện hai chân đỏ rận lên, sưng tấy, sau đó thì gãy từng khúc. Bố mẹ không biết em mắc bệnh gì, đem em đi chữa trị tại các bệnh viện lớn. Kết luận cuối cùng, bác sỹ khẳng định em mắc bệnh xương thủy tinh. Tuổi thơ em khốn khổ vô cùng, mỗi năm gãy chân từ bốn đến năm lần. Người ta đi bằng chân nhưng em đi bằng tay”.

Đến tuổi học, trẻ con trong làng cắp sách đến trường, Vũ bảo bố mẹ cho mình theo. Ngày ngày, Vũ đến trường trên lưng bố mẹ, anh chị. Thời gian học của Vũ ít hơn thời gian nằm viện và ở nhà dưỡng thương. Dăm bữa, nửa tháng đôi chân Vũ lại bị gãy, chỉ cần sơ ý va chạm nhẹ hoặc trái thế là gãy. Trầy trật, chắp vá mãi với con chữ, Vũ học xong hết lớp bốn thì nghỉ.

Hai vợ chồng Vũ- Hà với công việc bán dừa thường ngày tại chợ Đồng Hới.
Hai vợ chồng Vũ- Hà với công việc bán dừa thường ngày tại chợ Đồng Hới.

Mười tám tuổi, Vũ quyết định trốn nhà vào Nam tìm việc làm nuôi sống bản thân. “Em ăn trộm của mẹ đâu được trăm nghìn làm lộ phí, xuống quốc lộ 1A đón xe xuôi vô Biên Hòa (Đồng Nai)”. Lê Văn Vũ nhớ lại - “Quyết tâm đi để làm một việc gì đó nuôi sống bản thân, trở thành người có ích mà sao khó quá, đất khách quê người, không bà con thân thích, nghề nghiệp, em bươn bả khắp phố phường bán vé số kiếm sống”. Vào sống tại Đồng Nai, sau một lần gãy chân không thể đi bán vé số được, Lê Văn Vũ xuôi về thành phố Vũng Tàu, Vũ được giới thiệu gia nhập CLB người khuyết tật (NKT) thành phố Vũng Tàu, từ đây chàng trai tật nguyền Quảng Bình có người đồng cảm, sẻ chia. CLB NKT giúp Vũ học nghề sửa chữa đồng hồ, điện thoại di động. Thành phố Vũng Tàu trở thành duyên nợ với Vũ khi chính mảnh đất này giúp Vũ tìm thấy “một nửa” đời mình và bước lên đỉnh vinh quang của thể thao người khuyết tật toàn quốc.

Cơ duyên đưa Vũ đến với thể thao khi tình cờ đọc được một bài báo kể về những gương NKT đạt giải cao trong nước và quốc tế. Năm 2003, nghe tin tỉnh Quảng Bình thành lập đoàn thể thao NKT dự giải toàn quốc, Vũ nhờ người đăng ký tham gia môn bơi lội rồi trở về quê tập luyện, con sông Kiến Giang trở thành nơi Vũ trầm mình ngày ngày, kiên gan, bền chí tập bơi. Năm 2004, lần đầu tiên Vũ đứng lên bục vinh quang của đường đua xanh với tấm huy chương vàng.

Lê Văn Vũ tham gia thi đấu cho tỉnh Quảng Bình đến năm 2009 thì nghỉ. Đằng sau những tấm huy chương lấp lánh là cả một sự vươn lên không biết mệt mỏi. Thời gian thi đấu cho Quảng Bình, Vũ dành đến 25 HCV, 8 HCB và 6 HCĐ. Lê Văn Vũ được các cấp, ngành khen thưởng: Sở Thể dục- Thể thao tỉnh Quảng Bình tặng giấy khen năm 2005 vì thành tích đạt 3 HCV giải thể thao NKT toàn quốc; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH tặng bằng khen năm 2016 vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong học tập, lao động giai đoạn 2013-2015; Hội LHTN Việt Nam tặng bằng khen là thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2016... Sau khi nghỉ thi đấu tại Quảng Bình, Vũ trở lại thành phố Vũng Tàu, trở thành vận động viên trong đội tuyển NKT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Đến năm 2014, Lê Văn Vũ tạm chia tay với thể thao NKT.

Năm 2012, cuộc đời Lê Văn Vũ sang trang mới khi bén duyên cùng cô gái khuyết tật Sầm Thị Hà, quê quán huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, vận động viên môn cờ vua, thi đấu trong đội tuyển NKT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với Vũ. Sầm Thị Hà dân tộc Thái, mới bốn tháng tuổi bị một cơn sốt “thập tử nhất sinh” di chứng để lại là một bên chân liệt từ đầu gối trở xuống. Mặc dù tật nguyền, Sầm Thị Hà vẫn nỗ lực vượt khó học hành đến nơi đến chốn, tốt nghiệp cử nhân ngành Ngữ văn, Trường đại học Đà Lạt. Trở về quê xin việc không được, kiếp mưu sinh đưa đẩy Hà vào Vũng Tàu rồi gặp và kết duyên cùng Vũ. Câu chuyện tình Vũ- Hà đơn giản lắm. Nhưng rất đẹp, trở thành cổ tích cho cả hai. Vũ bảo: “Mến Hà, em nói, hay là yêu anh đi. Hà gật đầu. Đám cưới giản đơn nơi đất khách quê người gắn chặt chúng em lại với nhau. Rồi điều kỳ diệu đến, năm 2012, bé trai Lê Bình An ra đời. Bình An kết nối quê hương Quảng Bình, Nghệ An. Bình An là ước mơ những mảnh đời khiếm khuyết chúng em có cuộc sống an lành, hạnh phúc”.

 Bé Lê Bình An, niềm hạnh phúc vô cùng to lớn của đôi vợ chồng tàn tật Vũ- Hà.
Bé Lê Bình An, niềm hạnh phúc vô cùng to lớn của đôi vợ chồng tàn tật Vũ- Hà.

Năm 2013, gia đình Lê Văn Vũ trở về quê hương Lệ Thủy lập nghiệp. Hai vợ chồng mở quán cà phê, bán nước dừa, thậm chí mở thêm quán nhậu. Làng quê nghèo càng khó khăn hơn cho tổ ấm hai người tàn tật. Thêm một lần nữa, Vũ chọn con đường ly hương về lập nghiệp tại thành phố Đồng Hới.

“Đó là vào giữa năm 2016, em mò mẫm thuê nhà ở trọ tại Bảo Ninh, vét hết số tiền tích cóp được mua xe kéo, mua dừa mang đến chợ Đồng Hới bán cho khách. Hàng ngày, sau khi đưa con đi mẫu giáo, 2 vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe dừa ra chợ, ngoài dừa còn có mía, cam Vinh. Hai vợ chồng động viên nhau dù  khó khăn đến mấy thì cũng phải quyết tâm bám trụ lại Đồng Hới, lo cho tương lai con cái sau này. Mình phải sống trên đôi tay của mình chứ tuyệt đối không bao giờ xin xỏ, cậy nhờ ai”.

Trước lạ sau quen, dần dần xe dừa của đôi vợ chồng khuyết tật Lê Văn Vũ trở thành một địa chỉ bán dừa uy tín tại chợ Đồng Hới. Tên gọi Vũ “dừa” chẳng biết có từ lúc nào. “Em nhập dừa từ các tỉnh, như: Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Bến Tre, sau đó phân phối cho các mối hàng quen trên địa bàn thành phố. Quy mô ngày càng phát triển lên anh ạ. Bình quân mỗi ngày tiêu thụ từ 300 đến 500 quả. Mỗi tháng thu vào khoảng trên dưới chục triệu đồng, trừ chi phí thì cũng có tích trữ, dù không nhiều”- Vũ vui chuyện.

Ước mơ chất chứa trong lòng Lê Văn Vũ là hai vợ chồng được sinh hoạt trong CLB NKT tại thành phố Đồng Hới, từ đó để Vũ quay trở lại đường đua xanh, tiếp tục cống hiến cho phong trào thể thao đỉnh cao của NKT tỉnh nhà.

Hồ An