.

Chuyện về người thương binh Nguyễn Hữu Lai

Thứ Năm, 27/10/2016, 14:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Anh thương binh Nguyễn Hữu Lai sinh năm 1952, tại thôn 13, xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Quảng Bình.

Câu chuyện về cuộc đời người cựu chiến binh được anh kể lại cho chúng tôi nghe thật mộc mạc giản dị. Cả một thế hệ thanh niên thời đó đã lên đường cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cũng như bao thanh niên khác, năm 1970, khi vừa tròn 18 tuổi, từ quê hương đất lửa Quảng Bình, anh được vào bộ đội. Sau một thời gian huấn luyện, năm 1972, từ Đại đội 1 Tiểu đoàn 45 của Tỉnh đội Quảng Bình, anh vào chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Cục diện cuộc chiến tranh đã đi vào giai đoạn ác liệt. Trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm ở thủ đô Hà Nội và 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị là hai sự kiện có tính quyết định đến thắng lợi của ta tại bàn đàm phán Hiệp định Pari. Thời gian này, anh được giao trọng trách làm Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 B.

Đơn vị đã tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt. Trong đó, có trận ngày 5 tháng 8 năm 1972 đánh vào nhà thờ Tri Bưu. Đây là trận đánh nổi tiếng, đơn vị đã tiêu diệt nhiều quân địch, do tính chất ác liệt của trận đánh, nhiều đồng đội  của anh đã hy sinh và bị thương. Riêng bản thân anh cũng bị nhiều vết thương ở đầu, cổ, vai, có vết thương cách xương sống 1cm. Anh vinh dự được trực tiếp chỉ huy trung đội cắm cờ ở vị trí Cây  Ba chạc. Một nhiệm vụ nặng nề, bởi để thực hiện được nhiệm vụ này, đơn vị phải lọt vào giữa vòng vây của Tiểu đoàn 2 Thủy quân lục chiến ngụy khét tiếng. Vị trí Cây Ba chạc rất ác liệt. Cán bộ chiến sĩ đơn vị đã mưu trí dũng cảm, tổ chức luồn sâu, đánh phủ đầu địch và chọn thời điểm cắm cờ phù hợp làm kẻ địch bất ngờ. Đơn vị đã tổ chức cắm cờ thành công.

Anh Nguyễn Hữu Lai.
Anh Nguyễn Hữu Lai.

Sau khi rời mặt trận Thành cổ Quảng Trị, năm 1973, anh Nguyễn Hữu Lai được cấp trên cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân, tốt nghiệp loại xuất sắc anh được giữ lại làm giảng viên quân sự Trường Sĩ quan Lục quân 1 tại Sơn Tây. 10 năm gắn bó với trường, anh thương binh Nguyễn Hữu Lai đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ sĩ quan quân đội, trong đó nhiều học viên đã phấn đấu trưởng thành.

Năm 1994, rời quân đội, trở về với quê hương, anh thương binh Nguyễn Hữu Lai có 15 năm làm báo cáo viên Thành ủy Đồng Hới, 10 năm liên tục là bí thư chi bộ. Ký ức về những năm tháng được cầm súng trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị luôn là đề tài trong thơ của anh. Hơn 100 bài thơ anh đã viết, trong đó nhiều bài thơ ca ngợi sự hy sinh bất tử của đồng đội, sự hy sinh vĩ đại của bao người mẹ... Những dòng thơ của anh thật cảm xúc bởi rất chân thật và xuất phát từ trái tim của người thương binh luôn nhớ về đồng đội: “Một thời máu lửa chiến hào - Bao người chiến sĩ máu đào thắm tươi”.   

Những năm tháng nghỉ hưu cùng với gia đình ở xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, ngoài công việc xã hội, anh là điểm tựa tinh thần cho con cái chăm ngoan học giỏi. Gia đình anh đã được bình chọn là gia đình hiếu học tiêu biểu của toàn tỉnh. Vợ chồng anh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất ưu tiên cho sự học của con cái. Những người con của anh đều đã tốt nghiệp đại học. Riêng người con thứ hai của vợ chồng anh là Nguyễn Việt Linh đã giành được nhiều kết quả học tập xuất sắc từ bậc tiểu học đến đại học. Năm học 1995- 1996 Việt Linh giành giải nhì học sinh giỏi toán toàn quốc. Việt Linh đã thi đỗ vào lớp chuyên toán 2 trường đại học lớn là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ kết quả học tập xuất sắc, Việt Linh được du học tại Mỹ. Hiện nay, Việt Linh là tiến sĩ Toán học và đang làm công tác giảng dạy và nghiên cứu toán học tại một trường đại học danh tiếng của nước Mỹ.

Ngoài ra, anh còn nhiệt tình gánh trách nhiệm là Phó Chủ tịch Thường trực Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Quảng Bình. Anh thường giao lưu thăm hỏi đồng đội, động viên gia đình họ và có nhiều chuyến trở lại thăm chiến trường xưa để thắp nén hương tri ân những liệt sĩ đã hy sinh tuổi thanh xuân vì nền độc lập dân tộc. Những bài thơ anh viết trên các báo chí trung ương, địa phương vẫn được đồng đội chuyền tay nhau đọc. “Cao hơn mỗi cuộc đời là sống còn Tổ quốc - Đo bước chiến hào từng tấc đất mép sông- Ngàn vạn cuộc đời kết đài hoa chiến công - Tượng đài vút lên giữa đất trời bình dị”...

Phan Hòa